Video Thứ 5, 13/12/2018 08:51:35 AM Theo Zing - Clip: CGV Cinemas Vietnam
Do Peter Jackson tham gia sản xuất, "Mortal Engines" sở hữu phần kỹ xảo hoành tráng đến choáng ngợp. Tuy nhiên, kịch bản phim lại tỏ ra quá ôm đồm và nhồi nhét.
Thể loại: Hành động, giả tưởng
Đạo diễn: Christian Rivers
Diễn viên chính: Hugo Weaving, Hera Hilmar, Robert Sheehan, Jihae, Ronan Raftery, Leila George, Patrick Malahide, Stephen Lang
Đánh giá: 6/10
Bộ phim Mortal Engines được chuyển thể từ tập đầu tiên trong loạt tiểu thuyết của Philip Reeve. Tác phẩm lấy bối cảnh thời hậu tận thế khi Trái đất gần như diệt vong sau sự kiện “Chiến tranh 60 phút”.
Để sinh tồn, các thành phố lớn lúc này được cơ giới hóa trên các bánh xe khổng lồ, và đi nuốt chửng những thị trấn nhỏ hơn. Một trong số đó chính là London danh giá của nước Anh khi xưa.
Một ngày nọ, Thaddeus Valentine (Hugo Weaving) - một yếu nhân tại London - bị cô gái Hester Shaw (Hera Hilmar) ám sát hụt. Trước khi trốn thoát, Hester bí ẩn buộc tội Thaddeus là đã giết chết mẹ mình.
Tình cờ thay, chàng khoa học gia yêu thích lịch sử Tom Natsworthy (Robert Sheehan) vô tình nghe thấy câu chuyện. Cậu lập tức bị Thaddeus ném khỏi London, và buộc phải bất đắc dĩ hợp tác với Hester Shaw để nuôi hy vọng trở về đầy mong manh.
Bối cảnh hậu tận thế thú vị
Việc chuyển thể những bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh hậu tận thế dành cho thanh thiếu niên không còn là chuyện mới lạ tại Hollywood. Thậm chí, thể loại còn đang đi vào giai đoạn thoái trào khi lần lượt The Hunger Games: Mockingjay - Part 2 (2015), Divergent: Allegiant (2016) hay Maze Runner: The Death Cure (2018) đều không giữ được sức hút.
Tuy nhiên, bối cảnh của Mortal Engines lại thú vị hơn hẳn các tác phẩm kể trên. Hàng nghìn năm sau sự kiện “Chiến tranh 60 phút”, Trái đất gần như bị hủy diệt vì vũ khí hạt nhân và hủy diệt hàng loạt. Khái niệm quốc gia không còn nữa, mà thay vào đó là những thành phố được cơ giới hóa.
Nhân loại thời đại trước chiến tranh được gọi bằng cái tên Người thượng cổ. Những tàn tích của thế giới ngày nay như điện thoại di động, TV hay máy nướng bánh mì... giờ là những món đồ cổ quý giá.
Nhưng thời nào cũng vậy, thế giới trong Mortal Engines vẫn bị phân hóa sâu sắc thành nhiều tầng lớp riêng biệt. Trong khi người dân của các thành phố lớn sống như quý tộc, thì các thị trấn nhỏ hơn buộc phải trốn chạy liên tục nếu không muốn bị cướp bóc và biến thành nô lệ.
Ngoài ra, những mâu thuẫn trong phim còn đến từ hai hệ tư tưởng đối lập giữa Á và Âu. Nếu như người phương Tây chọn sống du mục và “săn mồi” trên những thành phố chuyển động, thì dân Á Đông lại gắng định cư phía sau bức Tường Khiên khổng lồ.
Tuy nhiên, thời lượng quá ngắn khiến tác phẩm khó lòng truyền tải toàn bộ sự mới lạ của bối cảnh. Không những thế, nhiều thuật ngữ riêng biệt xuất hiện liên tục khiến những ai chưa đọc qua bộ tiểu thuyết gốc có thể cảm thấy khó hiểu.
Kỹ xảo mãn nhãn và hoành tráng
Với kinh nghiệm chuyển thể bộ tiểu thuyết The Lord of the Rings đồ sộ, không khó để ê-kíp của Peter Jackson mang đến những kỳ quan thế giới hậu tận thế với phần kỹ xảo mãn nhãn và hoành tráng.
Hình ảnh cảng hàng không bay lơ lửng trên trên bầu trời bằng những quả bóng khổng lồ, hay những thành phố cơ giới với nhà cửa tiện nghi, khiến người xem cảm thấy choáng ngợp.
London như một con quái thú khổng lồ với bánh răng và hàng loạt máy móc hiện đại. Từng phần của thành phố đều được thiết kế chân thực, tỉ mỉ tới từng chi tiết, dù đó là một tòa nhà cổ kính hay một chuỗi hành lang lắt léo và bộ máy to lớn như trái tim giúp tất cả chuyển động.
Xuyên suốt thời lượng, sự tương quan kích thước giữa con người, thị trấn và thành phố đồ sộ được thể hiện một cách rõ nét. Song, tất cả đều chẳng thể sánh với bức Tường Khiên khổng lồ ở cuối phim.
Bối cảnh New Zealand với những dãy núi và đồng cỏ mênh mông, bát ngát là một điểm cộng sáng giá. Đạo diễn Christian Rivers thường xuyên sử dụng toàn cảnh từ trên cao để phô diễn sự hoành tráng trong từng khung hình.
Kịch bản chưa đủ hấp dẫn
Với thời lượng chỉ hơn hai tiếng nhưng lại nhồi nhét quá nhiều điều để kể, kịch bản của Mortal Engines nhanh chóng trở nên rối rắm, khó hiểu. Thay vì tập trung vào quá trình trả thù của Hester, bộ phim lan man qua nhiều tuyến nhân vật chẳng mấy liên quan.
Điều đó khiến mạch phim trở nên rời rạc bởi nhiều câu chuyện diễn ra cùng lúc, nhưng thiếu sự kết nối một cách trầm trọng. Chưa kể, mô-típ chung của Mortal Engines lại khá cũ kỹ với những nút thắt dễ đoán.
Tuyến phản diện Thaddeus được xây dựng một màu với tham vọng thống trị thế giới quen thuộc. Hugo Weaving chưa thể có thêm một vai phản diện đáng nhớ như mật vụ Smith ở loạt Ma trận hay Red Skull trong MCU.
Được ưu ái cho nhiều đất diễn nhưng Katherine Valentine (Leila George) lại chẳng hề có vai trò gì cụ thể. Ngoài việc khóc lóc than trách người cha Thaddeus máu lạnh, cô nàng hoàn toàn có thể bị cắt vai mà chẳng gây ảnh hưởng tới cốt truyện.
Sự xuất hiện của nhân vật Shrike (Stephen Lang) cũng không thực sự hiệu quả dù đây là nhân vật rất thú vị ở nguyên tác. Mối quan hệ giữa ông với cô con gái nuôi chưa được khai thác hợp lý, và sự xuất hiện của Shrike dường như chỉ giúp đôi nhân vật chính yêu nhau nhanh hơn.
Nhưng bản thân câu chuyện tình cảm giữa Tom và Hester cũng còn gượng gạo. Từ hai người xa lạ, họ nhanh chóng nảy sinh tình cảm chỉ sau vài câu thoại ngắn ngủi và hành động đơn giản. Sự tương tác giữa hai diễn viên cũng chưa thực sự ăn ý.
Nhìn chung, Mortal Engines chỉ có thể thỏa mãn phần nhìn, chứ chưa thể để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả. Nếu muốn phát triển đây thành một loạt phim như The Lord of the Rings, ê-kíp của Peter Jackson hẳn cần đưa ra nhiều sự điều chỉnh cần thiết.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Video khác
Tin mới nhất