Chuyện 24h Thứ 5, 30/05/2019 08:24:58 AM K.T
Thành phố Bảo Lộc, cửa ngõ chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm qua, Bảo Lộc đã đầu tư phát triển hạ tầng nhằm phục vụ vận tải hàng hóa và khách du lịch với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Để tiếp tục thu hút đầu tư, thành phố đã đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào công trình trọng điểm, xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch tạo cơ hội đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.
Quá trình thu hút đầu tư trên địa bàn TP. Bảo Lộc tạo sức hút rất tích cực, góp phần mở rộng tiềm năng, lợi thế trên địa bàn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước được hỗ trợ tiếp cận dự án, tham gia quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông cùng mở rộng phát triển đô thị thành phố.
Mở rộng đầu tư
Hiện Bảo Lộc đang kêu gọi đầu tư nâng cấp các quốc lộ 20, 55, 27, 28, và các tỉnh lộ hình thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng vào sâu, vùng xa. Trong khu đô thị, thành phố phát triển theo mô hình xương cá, giúp phát triển các khu đô thị.
Tuyến đường trọng điểm mà TP. Bảo Lộc cải tạo là Quốc lộ 20 - đoạn từ Dầu Giây đã hoàn thành và thông tuyến. Thành phố đang triển khai tuyến đường vành đai phía Nam (tuyến đường tránh Quốc lộ 20), cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường chuyên dụng phía Tây và nâng cao chất lượng các tuyến giao thông đối ngoại. Mục tiêu phát triển thành phố Bảo Lộc gắn liền vùng phụ cận phía Nam Lâm Đồng đến năm 2035, trở thành phố tỉnh lỵ trong tương lai.
Trong đó, giao thông nội thị được phát triển, mở rộng và hoàn thiện tương đối đồng bộ; giao thông nông thôn được nhân dân tích cực tham gia, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và phường phát triển toàn diện. Các tuyến đường trong thành phố được nối tiếp mở rộng vào các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh, các khu sản xuất… rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi buôn bán từ khu trung tâm đến các vùng như đường vào khu du lịch Đambri dài 16 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 14m.
Với những tiềm năng và thế mạnh mà TP. Bảo Lộc đang có, cùng hàng loạt các ưu đãi trong đầu tư cũng như ưu đãi về tiền thuê đất và mặt nước, ưu đãi về tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu...
Bảo Lộc nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư đã và đang làm thay đổi thành phố như: Tập đoàn VinGroup, Thaco Group, Trà Tâm Châu, Đôi Dép… phát triển thành phố trở thành trung tâm thương mại, du lịch và nông nghiệp lớn của khu vực Tây Nguyên.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng
Thành phố cũng đã phát triển các khu dân cư, mở rộng ra các phường Lộc Phát, phường B’Lao, phường Lộc Tiến… Với không gian đô thị mở rộng, tạo điều kiện để TP. Bảo Lộc phát triển quỹ đất và nguồn lực cho quá trình chỉnh trang đô thị. Thành phố hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần đầu tư phát triển hạ tầng phúc lợi xã hội.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giao thông tỉnh Lâm Đồng trong tương lai, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 20 và là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng quan trọng: Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Dự án hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp và đường gom với vận tốc thiết kế tiêu chuẩn loại A từ 80 – 120 km/h, tổng vốn đầu tư toàn dự án lên đến 65.000 tỷ đồng.
Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây - Tân Phú; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương. Cụ thể phần 1 từ ngã ba Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60 km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 9.433 tỷ đồng. Phần 2 là đoạn Tân Phú - Bảo Lộc vốn đầu tư 13.821 tỷ đồng dài khoảng 66,7 km. Phần 3 là Bảo Lộc - Liên Khương với vốn đầu tư khoảng 14.383 tỷ đồng.
Khi dự án đi vào khai thác sẽ kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương mà mở rộng với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP.HCM, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Từ cú hích hạ tầng giao thông này sẽ trở thành nơi thu hút được nhiều nhà đầu tư, đạt chỉ tiêu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II. TP.Bảo Lộc sẽ trở thành trung tâm kinh tế trọng lực phía Nam tỉnh Lâm Đồng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết cùng với Đà Lạt định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thì Bảo Lộc cũng sẽ tạo ra những sức hút đầu tư của riêng mình. Với tiềm năng, lợi thế kết nối ra thị trường rộng khắp, Bảo Lộc có chiến lược phát triển xứng tầm, tạo động lực mạnh mẽ trở thành hạt nhân của tỉnh.
Theo các chuyên giá, để đáp ứng nhu cầu phát triển mới, Bảo Lộc cần kêu gọi đầu tư vào giống công nghệ cao nhằm tạo ra vùng trù phú để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Chính quyền Bảo Lộc cần phát huy các lĩnh vực thế mạnh như du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về công nghệ, tài chính và năng lực quản trị, tạo tiền đề cho Bảo Lộc cất cánh.
Gia tăng sức hút du lịch
Luôn nằm trong những lĩnh vực lớn bên cạnh hạ tầng giao thông, công nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao thì phát triển du lịch và dịch vụ được xác định là ngành mũi nhọn cho kinh tế địa phương. Từ đấy đặt ra tầm nhìn tương lai cho thành phố Bảo Lộc cần hướng đến đô thị sinh thái - nông nghiệp hiện đại với sự đa dạng sản phẩm dịch vụ, du lịch.
Nhiều du khách đã biết đến Bảo Lộc với huyền thoại thác Đamb'ri, những nông trường trà, cà phê xanh mướt có chất lượng vượt trội với thương hiệu Tam Châu, Trâm Anh, Phương Nam hay xa hơn chút là cổng trời mù sương Linh Quy Pháp Ấn… Hưởng ứng sự kêu gọi và những chính sách cởi mở đầu tư của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Bảo Lộc nói riêng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn chung tay đầu tư tạo ra những chuỗi giá trị mới cho ngành du lịch địa phương. Bởi chính sự dám nghĩ dám làm của những thành phần kinh tế tư nhân nòng cốt sẽ tạo nên sự đổi mới, đột phá về tư duy và quan niệm trong phát triển du lịch.
Thay vì chỉ là một điểm trung chuyển hoặc đơn thuần là trạm dừng chân trên tuyến đường chính nối với Đà Lạt, Bảo Lộc đang có sự chuyển mình thay đổi cực kỳ rõ rệt khi có sự hiện diện kịp thời của các địa điểm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn cao so với các tỉnh thành phố lớn khác.
Xuất hiện gần đây là thương hiệu DoiDep được xây dựng hệ sinh thái gồm: Sandals Hotel, Tea Shop và DoiDep Tea Resort & Spa ngay lập tức trở thành điểm đến mới lạ thu hút du khách tại Bảo Lộc. Không chỉ bởi quy mô, cảnh quan và chất lượng dịch vụ bài bản mà DoiDep còn tạo ra sự định hình ngày càng chuyên nghiệp hơn cho các mô hình du lịch tiếp tục nở rộ trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên, đại diện công ty cho biết: việc tâm huyết đầu tư khép kín hệ thống nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ thư giãn giải trí cao cấp nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá của khách trong nước và quốc tế. Với khu nghỉ dưỡng tắm bùn cao cấp đầu tiên xuất hiện tại Bảo Lộc, kiến trúc của DoiDep Tea Resort & Spa tái hiện hoàn hảo vẻ đẹp thẩm mỹ của thác nước, hồ bơi, khu tắm bùn khoáng, trà đạo… nằm giữa những đồi chè, cà phê xanh ngát. Dưới góc độ du lịch, không thể phủ nhận Bảo Lộc sẽ càng khẳng định thêm dấu ấn riêng, chuyên nghiệp hóa và đa dạng hóa hơn.
Riêng khía cạnh kinh tế, ngoài việc tạo dựng thương hiệu và góp phần tăng trưởng doanh thu, dự án còn tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư, nhất là người dân tộc thiểu số ngay tại xã nghèo Lộc Nga, tạo ra tiền đề mở rộng du lịch quanh khu vực resort hiện hữu.
Quan sát ở tầm nhìn dài hạn, để tăng tốc mục tiêu trước mắt đến năm 2020, thành phố Bảo Lộc sẽ phấn đấu tăng doanh thu dịch vụ du lịch từ 11 - 12%/năm, thu hút được 750.000 lượt du khách đặc biệt trong đó phải có hơn 10% khách nước ngoài. Thế nhưng, để tiềm năng và thế mạnh đó trở thành hiện thực, sát với mục tiêu là cả một quá trình, ngoài cơ chế chính sách phù hợp, có quy hoạch chuẩn thì việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân uy tín cùng góp gió đẩy thuyền vươn xa mạnh mẽ hơn chắc chắn là chiến lược khôn ngoan và hợp thời đại.
Tin cùng mục Chuyện 24h
Tin mới nhất