Hậu trường Thứ 7, 09/06/2018 03:25:16 AM Theo Zing
Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ lấy ý kiến và dự tính thay phần thi áo tắm bằng trang phục thể thao hoặc trang phục khác trong các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam.
Ngày 5/6, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) tuyên bố bỏ phần bikini từ năm 2019. Mới đây, khi trả lời báo chí, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết trong hội nghị sắp diễn ra tại Huế, Cục sẽ lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc có nên bỏ thi áo tắm ở các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam.
Thông tin này từ phía Cục đang dấy lên những tranh luận trái chiều - người đồng tình, kẻ phản đối. Ngay cả giới chuyên môn, các hoa hậu cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
Thế giới cũng tranh cãi khi loại bỏ màn thi áo tắm
Trước cuộc thi Hoa hậu Mỹ, Miss World chính thức "khai tử" thi áo tắm từ năm 2015. Bà Julia Morley, chủ tịch tổ chức Miss World, khi đó chia sẻ: "Tôi không muốn nhìn những phụ nữ đi lên đi xuống trong những bộ bikini. Nó không có tác dụng gì với phụ nữ và cũng không có bất cứ tác dụng nào với bất cứ ai trong chúng ta".
Thay vào đó, tiêu chí Miss World tập trung vào trí tuệ, sự nhân hậu và tinh thần mạnh mẽ của các cô gái. Quyết định của bà Morley được đánh giá là bước đi tiên phong, tạo bước chuyển cho nền công nghiệp sắc đẹp, để phụ nữ không còn bị đánh giá bởi vẻ bề ngoài.
|
Hoa hậu Thế giới (Miss World) không còn trình diễn áo tắm trong đêm chung kết. Ảnh: Getty. |
Nhưng bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng chính việc loại bỏ vòng thi áo tắm khiến Miss World - một trong hai cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới - ngày càng tẻ nhạt, thiếu sức hút. Theo những khán giả này, yếu tố nóng bỏng, gợi cảm vẫn là điều mà nhiều người trông đợi ở một cuộc thi nhan sắc.
Tương tự, Miss America cũng không được đồng tình hoàn toàn khi tuyên bố bỏ thi bikini, nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo.
Người đẹp Madison Gesiotto, Miss Ohio USA in 2014, nhận xét đó là quyết định "ngớ ngẩn" và chẳng có ý nghĩa gì với phong trò #MeToo. Cô nêu quan điểm: "Đương nhiên cái đẹp bề ngoài không quan trọng bằng vẻ đẹp tâm hồn. Nhưng điều đó không có nghĩa vẻ đẹp ngoại hình không tồn tại. Trước đây, họ từng nói về việc trao quyền cho phụ nữ nhưng giờ đây phụ nữ lại không được mặc những thứ họ muốn mặc?".
Trong khi đó, Kira Kazantsev, Hoa hậu Mỹ 2015, lại khẳng định tổ chức Miss America đang đi đúng hướng. Theo cô, việc bỏ phần thi hấp dẫn như trình diễn áo tắm sẽ khiến cuộc thi gặp khó khăn bước đầu bởi với lịch sử hơn 100 năm, Miss America đã ăn sâu vào tâm trí người hâm mộ.
Các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam có nên học hỏi?
Xung quanh việc các cuộc thi hoa hậu trong nước có nên học hỏi Hoa hậu Mỹ, dư luận đưa ra những phản ứng trái chiều. Phần đông ý kiến cho rằng Việt Nam không nên bỏ màn trình diễn bikini bởi vẻ đẹp hình thể vẫn là yếu tố quan trọng, góp phần hoàn thiện nhan sắc của một hoa hậu.
Độc giả Hoàng Việt bày tỏ: "Đã là hoa hậu thì phải toàn diện. Nếu chỉ chọn mỗi trí tuệ thì nhiều nhà khoa học nữ có thể trở thành hoa hậu mà không cần nhan sắc. Mỗi danh hiệu như nhà khoa học, bác sĩ giỏi, hoa hậu... có tiêu chí khác nhau thì cuộc thi mới hấp dẫn".
|
Phần thi áo tắm vẫn được khán giả quan tâm ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước. |
Một khán giả khác chia sẻ: "Tôi phản đối việc bỏ thi áo tắm vì hoa hậu phải đẹp từ hình thể đến trí tuệ. Nếu nói hoa hậu phải nhân ái, trí tuệ, thì chỉ cần cho mấy cô ngồi lại với nhau thi Đường lên đỉnh Olympia là được rồi".
Các thành viên mạng cũng nêu quan điểm nếu xác định ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách thì nên tổ chức thêm một cuộc thi mang tên "Trí tuệ phụ nữ Việt", hoặc đổi tên các cuộc thi hoa hậu trước đó.
Theo nhiều ý kiến của người hâm mộ, phần thi bikini là phần quan trọng nhất, hơn cả thi ứng xử. Bởi một câu trả lời ngắn cho một câu hỏi mang nặng tính lý thuyết sẽ không thể nói lên điều gì về trí tuệ hay tài năng của một cô gái. Sự hài hoà giữa gương mặt, hình thể mới chính là thước đo chính xác nhất.
Chỉ có một số ít khán giả đồng tình nên bỏ thi áo tắm ở đấu trường nhan sắc: "Tôi chỉ đánh giá cao hoa hậu ở trang phục, ứng xử, tâm hồn lương thiện, khuôn mặt đẹp và đặc biệt là phải có tri thức và trí tuệ. Tôi ủng hộ việc thay đổi format".
'Đừng biến hoa hậu thành cuộc thi trí tuệ'
Ở một góc nhìn khác, giới chuyên môn nhận định các cuộc thi hoa hậu Việt Nam không nên học hỏi theo cuộc thi Miss America hay Miss World bởi thí sinh quốc tế, đặc biệt ở các cuộc thi lớn, hình thể và kỹ năng biểu diễn đã rất đẹp và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, bây giờ họ mới hướng đến những giá trị khác như trí tuệ, bản lĩnh.
Trong khi đó, từ trước đến nay, nhiều thí sinh thi nhan sắc Việt sở hữu hình thể chưa đạt chuẩn, "yếu" về ứng xử, trả lời phỏng vấn thiếu tự tin. Nếu màn trình diễn áo tắm bị loại bỏ, các cuộc thi sẽ còn lại gì?
Bày tỏ quan điểm về việc nên hay không nên giữ phần thi áo tắm, nhà thơ Dương Kỳ Anh, "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chia sẻ với PV: "Đừng biến cuộc thi hoa hậu thành một cuộc thi nào khác. Hoa hậu vẫn là sân chơi tôn vinh những cô gái đẹp nhất. Người ta thường nói đẹp như hoa hậu, chứ có ai nói tài như hoa hậu đâu. Tất nhiên vẻ đẹp hình thể cũng phải tương xứng với sự hiểu biết, đạo đức, nhân cách".
Ông nói thêm: "Gần đây, nhiều hoa hậu bị khán giả chê kém sắc. Thử hỏi nếu bỏ phần thi hình thể, dư luận sẽ còn phản ứng, tranh cãi đến đâu?".
Theo Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Mâu Thủy, việc bỏ hay không bỏ thi áo tắm còn phụ thuộc vào tiêu chí từng cuộc thi.
|
Mâu Thủy cho rằng việc bỏ hay không bỏ thi áo tắm còn phụ thuộc vào tiêu chí từng cuộc thi. |
"Mỗi cuộc thi có những tiêu chí khác nhau, chẳng hạn Hoa hậu Việt Nam tôn vinh nét đẹp truyền thống, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hướng đến vẻ đẹp hiện đại, nóng bỏng. Tôi nghĩ tùy từng cuộc thi mới nên quyết định bỏ hay giữ. Cá nhân tôi vẫn thích theo dõi một cuộc thi nhan sắc có vòng thi bikini hơn.
Riêng Hoa hậu Hoàn vũ, tôi chắc chắn cần phải duy trì phần thi áo tắm. Nó không chỉ tôn vinh vẻ đẹp bề ngoài, mà còn thể hiện sự tự tin, nỗ lực tập luyện của một cô gái để có được vóc dáng đẹp", Mâu Thủy cho hay.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất