Hậu trường Thứ 3, 10/09/2019 08:48:32 AM Theo H. Hương (Zing)
“Gái ngành” không còn là những vai diễn mới lạ, gây sốc với cả điện ảnh lẫn truyền hình. Từ năm 2003, “Gái nhảy” của Lê Hoàng đã làm mưa làm gió khắp các rạp.
Gái điếm - từng là góc khuất, từng là đề tài nhạy cảm, khó xử lý với phim Việt trong một thời gian dài cho đến khi Trà Cave, Gái nhảy bước lên màn ảnh, gây lũng đoạn và để lại dấu ấn mạnh mẽ.
Chết vai
Gái nhảy, phim điện ảnh của đạo diễn Lê Hoàng chuyển thể từ tác phẩm Trường hợp của Hạnh, đến bây giờ vẫn được nhắc lại như một cú chuyển mình lịch sử của phim Việt khi bước vào cơ chế thị trường. Phim “làm mưa làm gió” khắp các rạp chiếu, đạt doanh thu kỷ lục thời bấy giờ là 12 tỷ đồng.
Không được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, Gái nhảy không qua được Lưới trời ở các cuộc đua giải thưởng năm 2003, nhưng đánh bại Lưới trời trên khắp các mặt trận khác, doanh thu và danh tiếng.
Từ Gái nhảy, Minh Thư và Mỹ Duyên xuất hiện như những minh tinh mới của màn ảnh, trong đó đặc biệt là “trường hợp của Hạnh” - Minh Thư.
Trước Gái nhảy, Minh Thư là cái tên mờ nhạt. Phải đến Hạnh của Gái nhảy khán giả mới “choáng váng” trước nhan sắc, sự bốc lửa, cách diễn bất cần nhưng vẫn đằm thắm, duyên dáng của Minh Thư.
Vào vai Hạnh, một cô gái điếm có số phận bi thương, Minh Thư đối mặt với nhiều phân cảnh khó. Tuy nhiên, bộ phim với những hạn chế về lời thoại, kịch bản, với màn diễn thuyết “đầy chất Lê Hoàng” ở phía cuối đã không thể mang đến cho Minh Thư một vai xuất sắc hơn.
Nhưng với cách diễn của mình, khán giả vẫn nhớ một Minh Thư bốc lửa, đẫm nước mắt với những câu thoại: “Tôi là một cô gái nhảy. Nói là gái nhảy cho sang, chứ thực chất tôi chỉ là một gái điếm. Tôi đã nhiễm HIV và tôi không muốn chết”.
Và “trường hợp của Hạnh” đã trở thành bước ngoặt lớn, đánh dấu hình ảnh Gái nhảy vĩnh viễn trong sự nghiệp của Minh Thư, khiến cô bị “chết vai” trong suốt sự nghiệp sau này.
Sau Gái nhảy, suốt nhiều năm về sau, Minh Thư đã loay hoay tìm cách bứt phá, thay đổi, cô tìm đến nhiều vai diễn khác nhau, bi có, hài có với mong muốn thoát khỏi Hạnh, nhưng mãi mãi vẫn được khán giả nhớ và gọi bằng cái tên duy nhất Minh Thư “Gái nhảy”. Cái bóng của Hạnh đã phủ lên sự nghiệp của Minh Thư khiến cô không thể thoát vai và không thể có được vai diễn nào thành công hơn.
Cho đến khi từ bỏ showbiz và nghiệp diễn sang Mỹ định cư, Minh Thư vẫn là Minh Thư “Gái nhảy”.
Trường hợp này cũng đúng với Trà Cave của Kiều Thanh trên màn ảnh nhỏ. Năm 2001, với vai Trà Cave trong bộ phim truyền hình Phía trước là bầu trời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Kiều Thanh gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi khả năng diễn xuất biến hóa.
Chính nhờ Trà Cave xuất thần, sinh động, Kiều Thanh đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn Lê Hoàng, và đạo diễn nhắm cô cho một vai cave trong phim điện ảnh Gái nhảy. Tuy nhiên, khi đến thử vai, cả Kiều Thanh và Lê Hoàng lại quyết định để nữ diễn viên vào vai nhà báo Sương trong phim, và đây chính là một trong những vai diễn thất bại trong sự nghiệp của Kiều Thanh. Còn Lê Hoàng cũng phải phân trần rất nhiều về vai diễn này khi Gái nhảy ra rạp, và bị chê nhà báo Sương trong phim là vai ngớ ngẩn.
Sau Trà Cave, 18 năm đã trôi qua, Kiều Thanh cũng đã có một cuộc vật lộn dài để thoát vai. Kiều Thanh nhận nhiều dạng vai, cả phản diện và chính diện, nhưng Trà Cave vẫn là dấu ấn mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp. Sức diễn của Kiều Thanh đang bị đuối dần theo tuổi nghề, tuổi đời. Trong vai diễn mới nhất, luật sư Dung của Hoa hồng trên ngực trái, Kiều Thanh bị chê về đài từ, và diễn không còn sắc nét.
Và câu chuyện Thu Quỳnh đã hết cơ hội với My Sói
Kể từ khi Trà Cave của Kiều Thanh, Hạnh của Minh Thư, Hoa của Mỹ Duyên bước lên màn ảnh, giới làm phim và khán giả nhận ra, gái điếm là dạng vai diễn đầy sức công phá, dễ tạo sức hút và giúp diễn viên thỏa sức sáng tạo.
Hầu hết vai gái điếm đều có số phận gai góc. Để diễn cho ra chất gái điếm đòi hỏi ở mỗi diễn viên không chỉ kỹ năng diễn xuất tốt, còn đòi hỏi khả năng thâm nhập, hiểu biết thực tế, chuyển đổi những câu chuyện từ đời thực lên màn ảnh một cách sinh động, thuyết phục.
Để thuyết phục khán giả tin vào một cô gái điếm đang đi lại, lộng hành, đong đưa, “chao đảo” màn ảnh, rất khó.
Năm 2018, với vai My Sói trong Quỳnh Búp Bê, Thu Quỳnh đã làm được điều đó. Tái hiện một My Sói dữ dội, gai góc, đầy thù hận, Thu Quỳnh được đánh giá đã nhập vai xuất sắc. Từ bạn diễn, giới trong nghề đến khán giả, đều dành nhiều lời ngợi khen cho vai diễn có tính bứt phá của Thu Quỳnh.
Không chỉ Thu Quỳnh, các diễn viên trong bộ phim lấy đề tài gái điếm trần trụi, hiếm hoi của truyền hình đều được đánh giá cao, là Phương Oanh (vai Quỳnh Búp Bê), là Thanh Hương (vai Lan Cave).
Tuy nhiên, họ đều không có duyên với các giải thưởng nhà nghề. Đặc biệt như Thu Quỳnh, được đề cử cả ở Cánh Diều Vàng (giải thưởng của Hội Điện ảnh), đến VTV Awards, cô đều không được xướng tên là người chiến thắng. Thu Quỳnh gây tiếc nuối, không chỉ bởi cô có đến 2 vai diễn xuất sắc, mà còn bởi có được một vai xuất sắc hơn My Sói (để tranh giải ở các mùa giải tương lai), thực tế là điều rất khó.
Nỗ lực để không chết vai như Minh Thư “Gái nhảy”, Trà Cave, Thu Quỳnh đã từ chối tất cả vai gái điếm sau khi Quỳnh Búp Bê kết thúc. Nữ diễn viên nhận vai Thu Huệ trong Về nhà đi con hòng thay đổi tất cả hình ảnh My Sói đã để lại.
Cô cố gắng “hiền hóa” hình ảnh bằng phục trang, mái tóc, diễn mắt, diễn thoại… Vai Thu Huệ được ngợi khen, nhưng nếu đặt Thu Huệ cạnh My Sói, không khó để thấy My Sói vẫn là vai diễn hay hơn, nhiều đất thể hiện hơn, có số phận, có sự gai góc - mà bất kỳ diễn viên nào cũng mong có để thỏa sức bung tỏa tài năng.
Đóng vai gái điếm, giống như cái bẫy trong nghề diễn. Gái điếm với tất cả chất đời, số phận, sự gai góc sẵn có, càng dễ đóng hay, dễ thỏa sức sáng tạo bao nhiêu, càng khó thoát vai bấy nhiêu.
Điều đó đã chứng minh qua sự chết vai của nhiều diễn viên và để thấy rõ hơn sự tiếc nuối cho Thu Quỳnh, khi với một vai diễn hay như My Sói, cô đã bị vuột mất các giải thưởng nghề nghiệp.
Và thẳng thắn nhìn nhận, để có một vai hay hơn My Sói, là rất khó.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất