Hậu trường Chủ nhật, 14/04/2019 23:28:54 PM Theo Zing
Trao giải theo cách “hòa cả làng”, tưởng sẽ đem đến niềm vui cho tất cả. Nhưng thực tế nó sẽ để lại hậu quả nghiệt ngã kéo dài mãi về sau vì những cái tên xứng đáng đã bị bỏ quên.
Sau My Sói, vai diễn gây bão màn ảnh năm 2018, Thu Quỳnh vừa trở lại với nhân vật Thu trong Về nhà đi con. Hình ảnh cô cave “yêu nghề”, mưu lược, đầy ẩn ức thù hận, nay chuyển thành một cô gái hiền lành, nết na, nhẫn nhục.
Thu Quỳnh diễn không tệ trong vai diễn mới. Nhưng vẻ như khán giả vẫn chưa quên được My Sói trong Quỳnh búp bê. Trên fanpage của Về nhà đi con, nhiều người vẫn nhắc đến My Sói, thậm chí cho rằng Thu Quỳnh không hợp với vai diễn mới.
Thực tế, trước My Sói, Huệ mới là dạng vai thế mạnh của Thu Quỳnh. Nhưng khán giả có quyền cho rằng cô… không hợp. Bởi lẽ, số đông công chúng vẫn chưa quên được hình ảnh một Thu Quỳnh gai góc với My Sói, đó cũng là vai diễn thành công nhất trên màn ảnh của cô sau nhiều năm theo nghề.
Nhưng thật tiếc, "My Sói" đã không thể được nhận Cánh Diều Vàng ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc, dù cho rất nhiều người kỳ vọng, ngay ở thời điểm phim còn phát sóng.
Diễn viên đôi khi chỉ có một vai để đời
NSƯT Đức Lưu - người nổi tiếng với vai Thị Nở trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy từng chia sẻ với người viết về câu chuyện “chết vai” của chính mình trong sự nghiệp diễn xuất.
Đức Lưu cho biết sau thành công của Thị Nở, bà mất nghề vì nhân vật được nhiều người yêu thích, gần như không thể tham gia bất cứ một vai diễn nào khác. Người ta từng hỏi Đức Lưu đi đâu sau Thị Nở. Kỳ thực, nữ diễn viên vẫn ở Hà Nội chỉ có điều bà chuyển sang làm công tác đối ngoại ở Thành ủy Hà Nội trước khi tham gia giảng dạy 20 năm tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ.
Cách đây chừng chục năm, Đức Lưu muốn quay lại điện ảnh vì “quá nhớ nghề”. Bà chủ động liên lạc với đạo diễn Đặng Nhật Minh để xin casting vai mẹ của Đặng Thùy Trâm. Đạo diễn bảo nữ nghệ sĩ gạo cội phải giảm cân để phù hợp với ngoại hình của vai diễn.
Dù tuổi đã cao nhưng Đức Lưu không ngại tập luyện theo yêu cầu của đạo diễn, nhưng đến hôm casting, vừa bước vào phòng, khán giả, đồng nghiệp ồ lên “Thị Nở, Thị Nở”. Bà quyết định rút lui, không casting nữa vì biết nếu cố đóng mẹ của Đặng Thùy Trâm mà khán giả chỉ nhắc đến Thị Nở thì cũng đồng nghĩa với việc vai diễn thất bại.
Trong làng nghệ thuật, Đức Lưu không phải là trường hợp duy nhất. Có rất nhiều diễn viên đã “chết vai” sau thành công của một vai diễn, thậm chí là vai phụ. Họ rất khó có được một vai gây bão thứ 2 dù rằng họ đầy nỗ lực và tài năng.
Kiều Thanh có thể được coi là một ví dụ điển hình của mảng phim truyền hình. Là diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, khả năng diễn xuất khó ai có thể phủ nhận, nhưng cô vẫn không thể thoát khỏi bi kịch “chết vai” với Trà "Cave" trong Phía trước là bầu trời. Dù cô đã đóng hàng chục phim, cả vai chính lẫn phụ trên màn ảnh suốt 18 năm qua, khán giả vẫn chỉ nhớ nhất Trà “Cave”.
“Thực ra đóng xong Phía trước là bầu trời, tôi nung nấu vượt lên số phận, để không bị chết vai, không bị gắn với Trà Cave nữa, nhưng quả là không dễ dàng”, nữ diễn viên bộc bạch với PV.
Tương tự như vậy, là Thu Quỳnh với My Sói, Phương Oanh với Quỳnh (Quỳnh búp bê), Doãn Quốc Đam với Cảnh (Quỳnh búp bê) hay Thúy Ngân với Hân (Gạo nếp gạo tẻ),…ai dám đảm bảo họ sẽ tiếp tục có những vai diễn thành công và gây bão tương tự.
Nhưng Cánh Diều Vàng 2019 đã không tôn vinh họ. Những gương mặt xuất chúng năm vừa qua hoàn toàn bị bỏ quên, thậm chí có người bị bỏ quên ngay trong danh sách đề cử.
Thay vào đó, những diễn viên được xướng tên ở hạng mục nam chính, nữ chính phim truyền hình là Nhan Phúc Vinh với vai Tùng trong phim Ngày ấy mình đã yêu, Kim Tuyến với vai Trang trong Mộng phù hoa. Ở nam nữ diễn viên phụ phim truyền hình là Bình An (vai Quang thời trẻ phim Tình khúc bạch dương) và Phương Hằng (với vai diễn Minh trong Gạo nếp gạo tẻ).
Đáng nói là Phương Hằng bị đánh giá là diễn viên dở nhất trong dàn Gạo nếp gạo tẻ. Trong khi diễn xuất của Bình An với vai diễn trong Tình khúc bạch dương cũng bị chê nhạt, không xuất sắc.
Năm ngoái, NSND Hoàng Dũng với vai ông trùm Phan Quân chấn động màn ảnh cũng không được trao giải vì người được xướng tên là Trương Minh Quốc Thái với một vai diễn có phần xa lạ với khán giả.
Cánh Diều Vàng nhiều năm liền bị cho là trao nhầm giải ở hạng mục cá nhân của phim truyện truyền hình. Không khó để nhận ra phim nào được trao Cánh Diều Vàng ở hạng mục phim truyện, các cá nhân của phim đó dù xuất sắc cũng không được giải cá nhân. Nói như chính giới trong nghề, đó cách chia giải hòa cả làng, nhằm mục đích “mang đến niềm vui cho tất cả”, ai cũng được phần.
Giải thưởng chỉ ý nghĩa khi đúng người, đúng thời điểm
Năm 2014, Công Lý có một vai diễn gây bão màn ảnh, được đông đảo khán giả yêu thích là vai ông bố trong phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc. Nhiều người kỳ vọng, nam nghệ sĩ sẽ được giải Cánh Diều Vàng năm đó ở Hạng mục Nam chính phim truyền hình. Tuy nhiên, anh hoàn toàn bị bỏ quên.
Hai năm sau, Công Lý bất ngờ được trao giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai Tuyền trong Chiều ngang qua phố cũ. Vai diễn gần như chẳng có gì, Công Lý chẳng cần dụng công nhiều, nét diễn cũng mờ nhạt hơn nhiều các vai khác trong sự nghiệp của anh.
Công Lý chỉ là một ví dụ cho thấy Cánh Diều Vàng luôn có cách trao giải đầy lạ lẫm, không theo bất cứ một nguyên tắc nào. Với chính một diễn viên, đôi khi cũng vai hay chẳng được, vai bình thường lại được giải.
Như một nghệ sĩ từng là giám khảo Cánh Diều Vàng tiết lộ: “Chín người, mười ý, đôi khi hội đồng giám khảo cũng không giữ được quyết định cuối cùng của mình”.
Tương tự Công Lý, Doãn Quốc Đam có thể trong tương lai cũng sẽ nhận được một giải nam phụ phim truyền hình ở Cánh Diều Vàng, cho một vai không bằng vai Cảnh. Niềm vui có thể vẫn có, nhưng liệu nó có thực sự còn giá trị với nam diễn viên, và với những người yêu mến anh.
Có những diễn viên chỉ có một vai xuất sắc duy nhất trong đời. Đáng lẽ họ phải được nhận giải vào thời điểm đó, nhưng lại bị bỏ qua không thương tiếc. Có người sẽ vĩnh viễn bị bỏ quên, không bao giờ được tôn vinh, cũng có người sẽ được giải nhờ một vai nào đó, dù không xuất chúng và được yêu thích bằng vai mà họ từng gây bão.
Nhiều người đồng tình rằng một giải thưởng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thể hiện sự ghi nhận đúng vai, đúng thời điểm. Có vậy mới có tác động viên nghệ sĩ.
Như Cánh Diều Vàng năm nay, không ít người đặt câu hỏi: Tại sao lại phải trao cho những vai nhờ nhờ, mà diễn viên có thể còn có thêm hàng trăm vai na ná như thế trong đời… chỉ để “hòa cả làng”, để ai cũng có niềm vui.
Điều đó tưởng sẽ đem đến niềm vui cho tất cả, nhưng thực ra, lại rất nghiệt ngã. Cánh Diều Vàng sẽ ngày càng liêu xiêu, dần trở nên không còn giá trị với chính người trong nghề.
Và nếu cứ mãi như vậy, Cánh Diều Vàng một giải thưởng từng được ví như “Oscar của Việt Nam” sẽ mãi rơi vào tình trạng như hiện tại: Ban tổ chức phải thuyết phục đoàn phim gửi tác phẩm dự thi, tin đồn lộ giải trước ngày trao, nghệ sĩ thì phải biết có giải mới đến hoặc năm nay không có giải thì năm sau không dự thi,... Chuyện đúng thật bi hài.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất