Chuyên gia chê phim Việt thiếu bản sắc dân tộc

Chuyện 24h Thứ 2, 25/11/2019 23:40:36 PM Theo Vnexpress

BÀ RỊA - VŨNG TÀU - Ở sự kiện thuộc Liên hoan phim Việt Nam, một số nhà phê bình nói tác phẩm nội nhiều tính thương mại, chưa đậm bản sắc dân tộc.

Tại hội thảo Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tếvào sáng 25/11các đại biểu nêu điểm tích cực lẫn tồn đọng của phim Việt. Nhà phê bình Tô Hoàng nhận định gần 10 năm qua, những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam được nỗ lực đưa lên màn ảnh, từ con người, thiên nhiên, đến các giá trị văn hóa, như Cô Ba Sài GònSong Lang...

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, phim ảnh nên khai thác nhiều hơn các phẩm giá anh hùng, chuẩn mực lương tri, các vấn đề xã hội. "Dù lấy lượng vé bán được, tức nhu cầu thưởng thức của người xem làm thước đo, điện ảnh vẫn còn có nghĩa vụ dắt dẫn, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của người xem", ông nói..

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. Ảnh: Ân Nguyễn.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phụ trách Cục Điện ảnh từ ngày 28/10, sau khi Cục trưởng Điện ảnh Thu Hà thành phó Cục trưởng sau vụ duyệt phim có đường "lưỡi bò". Ảnh: Ân Nguyễn.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Tạ Quang Đông - nhận định phim không chỉ để giải trí mà còn là vấn đề văn hóa. Ông Đông nhận định chỉ khi có bản sắc văn hóa, phim nội mới có thể hội nhập và ra quốc tế.

Bàn về các phim trong nước tranh giải quốc tế, nhà báo Việt Văn nói một số đạo diễn hiện có "gu Tây", làm phim hướng đến việc chiều lòng những giám khảo ngoại quốc. Theo ông, họ lạm dụng cảnh "nóng", phơi bày cơ thể phụ nữ để phim được chú ý ở liên hoan phim quốc tế. Một số nhà làm phim có nỗ lực làm về đề tài bản địa nhưng lại chưa có kỹ thuật tốt. 

Nhà báo Cát Vũ cho rằng trở ngại cho chất lượng phim Việt nằm ở nhân sự. Theo chị, từ gần 10 năm qua, những người chiếm lĩnh làng phim chia làm hai nhóm là được đào tạo trong nước và Việt kiều. "Phim của các Việt kiều bước đầu ghi dấu ấn tốt nhờ cách kể hiện đại, mới mẻ, bắt nhịp với gu thưởng thức giới trẻ. Nhưng họ gặp trở ngại là nhanh chóng cạn kiệt đề tài bởi thiếu vốn sống gắn liền đất mẹ. Còn những người được đào tạo trong nước lại yếu tay nghề vì thiếu thầy giỏi và phương tiện học tập tiên tiến", chị nói. Nữ nhà báo nhận định các nhà làm phim đang chạy theo thị hiếu nhiều, bám theo "vệt" của một phim nào đó ăn khách nên đề tài na ná và nghèo nàn.

Phan Gia Nhật Linh (đạo diễn Cô gái đến từ hôm qua) là người hiếm hoi mang đến tham luận về vai trò kiểm duyệt phim. Theo anh Linh, nhà làm phim hiện nay phải đối mặt nỗi sợ kiểm duyệt rình rập với những nhận xét không rõ ràng như "thuần phong mỹ tục", "không đúng hiện thực xã hội". Anh nêu một ví dụ là phim Thưa mẹ con đi (của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) phải cắt cảnh con gà cúng nằm lăn lóc dưới đất sau trận cãi nhau của những người trong nhà, với lý do không hợp thuần phong mỹ tục.

"Để an toàn và dễ dàng ra rạp, các nhà sản xuất dần dà chỉ dám làm những thứ hời hợt, vô thưởng vô phạt, được gọt dũa tròn trịa, thiếu đi chiều sâu, cá tính, giọng nói riêng", đạo diễn nêu vấn đề trong bài viết. Anh đưa ra một số giải pháp, trong đó có việc tăng thành viên hội đồng duyệt, tăng tính minh bạch trong quyết định của hội đồng - công khai tên tuổi thành viên, công khai các yêu cầu chỉnh sửa hoặc nhận xét với lý do rõ ràng. Ngoài ra, anh nghĩ nên chấp nhận sự tự do sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà làm phim, xem điện ảnh là một ngôn ngữ hư cấu thay vì so sánh nó với "hiện thực xã hội".

Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn Hà Nội Hà Nội. Đường thư) cho rằng điện ảnh Việt nên học theo Hàn Quốc, đồng thời đang thiếu các nhà sản xuất giỏi. Ảnh: Ân Nguyễn.

Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn "Hà Nội Hà Nội". "Đường thư") cho rằng điện ảnh Việt thiếu các nhà sản xuất giỏi và nên học theo Hàn Quốc về cách làm phim". Ảnh: Ân Nguyễn.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng chương trình chưa có tiếng nói của những người làm nghề. Các đạo diễn, nhà sản xuất phim hàng đầu như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Đức Thịnh không tham dự. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mang đến tham luận nhưng chương trình không đủ thời gian cho anh phát biểu. Phần trình bày nhìn chung đơn điệu khi từng người đọc tham luận, không có tương tác, hỏi đáp ý kiến.

Sự kiện thuộc khuôn khổ Liên hoan phim lần 21 ở Vũng Tàu, từ ngày 23 đến 27/11. 16 phim điện ảnh, 29 phim tài liệu, 20 hoạt hình và chín phim khoa học dự thi. Ngoài giải thưởng, chương trình còn hội thảo, chợ phim, các buổi chiếu phim, giao lưu giữa ê-kíp và khán giả. Liên hoan phim do Cục Điện ảnh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hai năm một lần, nhằm biểu dương các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, vinh danh nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật.

Ý kiến bạn đọc