'Chuyện tình nữ phạm nhân' kể nỗi đau người vợ lầm lỡ

Hậu trường Thứ 2, 03/06/2019 23:35:47 PM Theo Vnexpress

Trong vở kịch mới, Mỹ Uyên hóa thân tội phạm ma túy, phải đối diện với chồng cũ - một cảnh sát - khi bị áp giải.

Tác phẩm mới của sân khấu 5B được làm lại từ kịch bản nước ngoài có tên gốc Áp giải nữ phạm nhân (biên kịch Trần Tuấn, dịch giả Hồ Thi). Qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Trần Minh Ngọc, kịch xoáy vào chuyện đời ẩn khuất đằng sau những tội phạm ma túy, nỗi đau của gia đình có người thân buôn bán "cái chết trắng" và sự cương trực, liêm chính của những chiến sĩ công an trên con đường đấu tranh chống cái ác, cái xấu.

Mỹ Uyên trong vở chính kịch Chuyện tình nữ phạm nhân, suất diễn tối 1/6.

Mỹ Uyên trong vở chính kịch "Chuyện tình nữ phạm nhân", suất diễn tối 1/6.

Vở kịch dài khoảng 90 phút, bắt đầu với cảnh một chuyến xe đi từ vùng cao đến đồng bằng. Trên xe, chiến sĩ Đào (Lê Vinh đóng) - đội phó đội trọng án - đang áp giải một nữ nghi phạm ma túy. Anh không ngờ đó là Phương - vợ cũ của anh. Chuyến xe còn có hai nhân vật khác: Tài (Chánh Trực) - tài xế lớn tuổi vui tính - và một chiến sĩ cảnh sát địa phương. Họ buộc áp giải nghi phạm trong đêm và phải đến địa điểm bàn giao vào sáng mai. 

Giám đốc sân khấu 5B - NSƯT Mỹ Uyên đảm nhận vai chính của vở. So với các dạng vai chị từng đóng ở 5B, Phương là một vai thay đổi mạnh từ vẻ ngoài đến tính cách. Trong bộ áo khoác xám, đội chiếc mũ beret, Mỹ Uyên diễn tả vẻ ngổ ngáo, bất cần của một tội phạm lọc lõi, nhiều năm lăn lộn trong nghề. Kinh nghiệm hàng chục năm diễn sân khấu giúp Mỹ Uyên dễ dàng biến hóa trong từng biểu cảm. Nhân vật Phương có lúc thờ ơ, lãnh đạm khi biết mình sẽ bị xử tử; lúc bất ngờ tột độ và đau đớn khi gặp lại chồng cũ trên chuyến xe định mệnh. Cách Mỹ Uyên gằn giọng, văng tục trong nhiều câu thoại khiến người xem ấn tượng về một nữ phạm nhân cố tạo ra vỏ bọc xù xì, thô ráp để che giấu nỗi đau dai dẳng bên trong. 

Ở nửa sau của vở, khán giả đồng cảm hơn khi thân phận nhân vật chính dần được gợi mở. Phương lún sâu vào con đường buôn ma túy vì cha mẹ mất sớm. Thiếu sự bảo bọc của gia đình, cô rơi vào vòng xoáy kim tiền. Để lo tương lai con gái, cô bỏ con ở quê cho người khác nuôi và trở thành một nhân vật quan trọng trong đường dây buôn bán chất trắng. Án tử với Phương đã được báo trước và cô chấp nhận, nhưng cô không nghĩ nó đến quá sớm, khi con gái cô vẫn còn nhỏ.

Đối trọng với Phương là Đào, một công an gương mẫu trong nghề. Ngoại hình nam tính, gương mặt góc cạnh giúp Lê Vinh dễ dàng nhập vai chàng chiến sĩ cương trực. Phân đoạn then chốt trong vở là khi Đào phát hiện mình có con gái với Phương. Anh phải đấu tranh nội tâm khi vợ cũ năn nỉ xin thả cô ra để về chăm lo cho con. Một mặt, Đào thuyết phục Phương thành khẩn khai báo để được khoan hồng, mặt khác dằn vặt vì tình nghĩa của một người chồng, người cha. Quá khứ về cuộc hôn nhân của Phương - Đào không được khai thác kỹ, người xem chỉ có thể hình dung thông qua vài câu thoại và một phân cảnh hồi tưởng. Tuy vậy, sự hòa hợp giữa cặp diễn viên chính vẫn đủ để lôi cuốn người xem.

Lê Vinh vào vai chiến sĩ công an dằn vặt giữa tình và lý. Ảnh: Mai Nhật.

Lê Vinh vào vai chiến sĩ công an dằn vặt giữa tình và lý. Ảnh: Mai Nhật.

Nhân vật Tài - bác tài xế chuyên chở xe áp giải phạm nhân - cũng là điểm sáng khi giữ hầu hết mảng miếng hài của vở. Qua nét diễn hóm hỉnh của nghệ sĩ Chánh Trực, Tài hiện lên là một người xởi lởi, lạc quan, tận tụy với nghề. Thi thoảng, tiếng cười của nhân vật mang lại nhiều xót xa. Chẳng hạn, trong một cảnh, Tài kể mỗi lần gọi về cho gia đình, con gái hay hỏi: "Bố chết chưa?", bởi luôn nơm nớp về tính chất hiểm nguy trong công việc của ông. Nhân vật phụ còn lại là một công an địa phương (Hoàng Ngọc Sơn đóng) có lai lịch bí ẩn, giữ vai trò mấu chốt trong hồi kết của vở.

Chánh Trực (phải) lấy nhiều tiếng cười qua vai tài xế. Ảnh: Mai Nhật.

Mỹ Uyên và Chánh Trực trong một phân cảnh trên xe. Ảnh: Mai Nhật.

Sân khấu 5B tiếp tục có nhiều sáng tạo khi dàn dựng bối cảnh dù không gian nhỏ hẹp (khoảng 200 ghế ngồi). Với đạo cụ chính là một chiếc xe được sử dụng xuyên suốt vở, bằng cách quay ngang dọc, êkíp vẫn tạo được nhiều góc mới lạ trong bố cục sân khấu. Có lúc, chiếc xe biến thành vũ trường với ánh đèn chớp nháy. Bối cảnh chính của vở là chốn rừng sâu nên êkíp không tốn nhiều sức dựng phông nền.

NSƯT Mỹ Uyên cho biết thời gian qua, kịch TP HCM chịu cảnh đìu hiu. Theo xu hướng, sân khấu 5B dựng nhiều vở có tính giải trí cao, dễ xem, nội dung thư giãn. Tuy vậy, những kịch bản có chiều sâu, mang tính thể nghiệm như Chuyện tình nữ phạm nhân vẫn là nét đặc trưng của sân khấu này. Sắp tới, chị cùng các nghệ sĩ dựng lại nhiều kịch bản kinh điển. "Chúng tôi quyết tâm khôi phục sàn diễn 5B như thời đỉnh cao. Đó cũng là tâm nguyện mà anh Thanh Hoàng, Lê Bình - những người gắn bó với 5B - nhắn nhủ trước khi ra đi", Mỹ Uyên nói.

Ý kiến bạn đọc