Hậu trường Thứ 4, 02/01/2019 22:17:49 PM Theo Vnexpress
Ca sĩ liên tiếp bỏ hàng tỷ đồng cho các album, MV với mong muốn ghi dấu ấn bằng các dự án âm nhạc được đầu tư nghiêm túc.
- Anh vừa ra mắt album nhạc Phú Quang, ý tưởng của sản phẩm bắt đầu từ đâu?
- Cách đây vài năm, nhạc sĩ Phú Quang vào TP HCM làm chỉ đạo nghệ thuật cho một liveshow Phạm Duy - Văn Cao. Đây là lần đầu tôi làm việc trực tiếp với ông. Khi đó, ông đang tìm kiếm một giọng ca nam có lối hát ngang tàng, ngẫu hứng và ít tính học thuật. Nghe chất giọng của tôi, ông nói: "Con phải hát nhạc của chú".
Phú Quang giao cho tôi bài Hà Nội và em khi thu chớm đông sang trong một đêm nhạc của chú ở Hà Nội. Được khán giả đón nhận, tôi quyết định ra album theo phong cách symphony - thu âm với dàn nhạc dây, tuyển tập các bài hát mới lẫn cũ của Phú Quang. Tôi lấy tên ca khúc đó làm chủ đề album.
Hình ảnh Đức Tuấn trong look-book của đĩa nhạc mới. |
Thật ra, mối duyên với nhạc sĩ Phú Quang bắt đầu khi tôi còn học cấp ba ở trường chuyên Lê Hồng Phong. Khi đó, qua sóng radio và bảng xếp hạng Làn sóng xanh, những ca khúc như Em ơi Hà Nội phố, Điều giản dị... bắt đầu khơi dậy trong tôi niềm đam mê với âm nhạc của chú. Lên đại học, tôi vẫn thường xuyên thể hiện nhạc Phú Quang trong phong trào ca hát sinh viên.
- Vì sao anh đầu tư gần 2 tỷ đồng cho sản phẩm này?
- Tôi là người khi muốn đạt được điều gì sẽ ưu tiên nó trong cuộc sống. Có người ưu tiên mua nhà, xe, còn cuộc đời tôi chỉ xoay quanh âm nhạc. Tôi tin ở vị trí của mình, tôi có đủ sức, mối quan hệ để làm mọi thứ mình thích trong âm nhạc. Và chắc chắn, tôi phải đầu tư nghiêm túc cho nó. Ở album mới, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy - con rể nhạc sĩ Phú Quang, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji cùng tôi thực hiện đĩa nhạc này.
Tôi tự thấy bản thân không phải là người ồn ào về truyền thông. Trên Facebook, tôi không cập nhật lịch diễn như nhiều ca sĩ khác. Những năm gần đây, "sô chậu" của tôi không quá nhiều, nhưng tôi vẫn thấy mình làm việc có năng suất.
- Anh áp lực ra sao khi hát nhạc Phú Quang - vốn đã có nhiều người thành danh?
- Trước tôi, Hồng Nhung, Thanh Lam, Ngọc Anh 3A... đã đóng đinh với âm nhạc của chú. Về phái nam, các giọng ca gạo cội như Ngọc Tân, Quang Lý... đã ghi dấu ấn mạnh mẽ. Nhưng dù chọn các ca khúc nổi tiếng để thu âm, tôi không quá áp lực vì đã có quá trình làm việc chặt chẽ với tác giả. Với những bản thu của người đi trước, tôi chỉ nghe để thưởng thức rồi quên đi trước khi vào phòng thu. Tôi nắm bắt cách hướng dẫn từ nhịp điệu, hơi thở đến cách xử lý cao trào. Khi làm việc chặt chẽ với nhạc sĩ phối khí và hiểu rõ tinh thần ca khúc, tôi tự do vùng vẫy trong không gian sáng tạo của riêng mình.
Sau vài ngày phát hành, album đã bán được 2.500 đĩa trên 3.000 bản in và đứng đầu trang nhạc số iTunes. Tôi chuẩn bị ra mắt thêm phiên bản đĩa than (vinyl) và băng cassette chất lượng cao, phục vụ đối tượng thích sưu tập.
- Anh ấn tượng ra sao khi làm việc với nhạc sĩ?
- Ông là người kỹ tính đến mức bảo thủ. Ở khúc dạo đầu (intro) của mỗi ca khúc trong album mới, chúng tôi đều sử dụng lối hòa âm cũ, chẳng hạn bài Em ơi Hà Nội phố là tiếng đệm piano quen thuộc. Tiếp xúc với ông một thời gian, tôi cảm giác bên trong con người ông rất tự do, tự tại, thay vì hình ảnh chỉn chu, có phần gò bó mà khán giả hay thấy. Âm nhạc của ông chuẩn mực đấy, nhưng vẫn có sự bung phá bên trong. Nhiều ca sĩ khai thác nhạc Phú Quang theo phong cách chỉn chu vốn có từ trước đến nay. Riêng tôi tiếp cận với âm nhạc ông với một phong cách khác, ít kìm nén hơn, đôi khi có chút ngạo mạn, phớt đời. Phú Quang cần điều đó ở tôi.
Đó cũng là phong cách chung tôi hướng đến trong các dự án sắp tới: kết hợp sự chỉn chu của nhạc cổ điển và sự phá cách của nhạc hiện đại. Tôi không muốn giới hạn mình bằng những chuẩn mực người đi trước đã tạo ra.
- Anh chuyển hát nhiều dòng nhạc, nhiều tác giả, khó tập trung đối tượng khán giả của mình. Anh nghĩ sao?
- Tôi gắn bó với nhiều nhạc sĩ nhưng không có nghĩa là tôi chỉ khai thác âm nhạc họ giữa chừng rồi chuyển sang người khác. Chẳng hạn, trong quá trình ra mắt đĩa nhạc Phú Quang, tôi cũng chuẩn bị cho một dự án MV Ly rượu mừngcủa nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với quy mô đầu tư khoảng hai tỷ đồng, sẽ giới thiệu trước Tết. Vào tháng tư, tôi sẽ tham gia nhiều đêm nhạc tưởng niệm 18 năm Trịnh Công Sơn qua đời cùng gia đình cố nhạc sĩ.
Tôi không nghĩ mình đang ôm đồm, mà chỉ đưa tất cả dòng nhạc đó tập trung thành một thứ được gọi tên là nhạc của Đức Tuấn. Tôi đưa cá tính của mình vào các nhạc phẩm, kết hợp với tâm tư của các tác giả để tạo thành tổng thể chung giữa người viết và người hát.
Đức Tuấn sinh năm 1980, từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM năm 2000 khi theo học Ngoại thương. Các album tiêu biểu của Đức Tuấn là Tiếng hát Trương Chi, Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy, Trẻ mãi, Music of the Night... Anh hát lại nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, tổ chức thành công liveshow nhạc kịch Music of the night (2009)... Năm 2010, anh đoạt hai giải Cống hiến ở hạng mục Ca sĩ của năm và Album của năm. Năm 2017, anh ra album nhạc Trần Lê Quỳnh - 36.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất