Starlight Chủ nhật, 17/10/2021 23:28:50 PM Theo Zing
Showbiz Hàn Quốc, Trung Quốc không thiếu trường hợp rơi vào tình huống phải chỉnh sửa cảnh quay hoặc ngừng phát sóng chương trình vì MC hoặc khách mời gặp lùm xùm đời tư.
Ngày 9/10, Sina đưa tin đài Hồ Nam không sắp xếp lịch phát sóng của chương trình Happy Camp (Khoái lạc đại bản doanh) trong suốt 3 tháng cuối năm 2021, dù đây là chương trình ăn khách bậc nhất tại Trung Quốc.
Đài truyền hình Hồ Nam cho biết Happy Camp và nhiều chương trình khác sẽ tạm dừng lên sóng để điều chỉnh về nội dung. Nhưng vì vẫn chưa có thông báo về ngày lên sóng trở lại, Sina cho rằng thực tế Happy Camp đang bị ngừng sản xuất do các MC của chương trình lần lượt gặp scandal.
Loạt show ăn khách của Trung Quốc bị dừng sóng
Happy Camp là chương trình đã phát sóng suốt 24 năm, là game show ăn khách và lâu đời bậc nhất Trung Quốc. Ngoài ra, đài truyền hình Hồ Nam còn là đơn vị sản xuất của một chương trình nổi tiếng có tuổi đời 13 năm, có tên Thiên thiên hướng thượng (Day Day Up).
Hiện tại, Happy Camp đã bị dừng sóng với lý do "điều chỉnh nội dung". Cùng lúc, Thiên thiên hướng thượng đã ngừng ghi hình được một thời gian, theo 163.
Động thái tạm dừng sản xuất hai show ăn khách lâu năm của đài Hồ Nam được cho là kết quả từ việc hàng loạt MC lâu năm của đài gặp rắc rối đời tư.
Ví dụ, khán giả biểu tình ngay cổng đài truyền hình, yêu cầu MC Lý Duy Gia của Happy Camp lên tiếng về việc làm người phát ngôn cho một nhãn hiệu trà sữa lừa đảo. Hà Cảnh - trụ cột của Happy Camp và là một trong những MC quyền lực nhất tại Trung Quốc - gặp rắc rối vì vướng scandal gian lận kinh doanh của cha ruột.
Đơn vị quản lý của Hà Cảnh ngay lập tức ra thông cáo báo chí, đính chính thông tin về việc công ty của cha nam MC. Tuy nhiên, danh tiếng của anh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một đạo diễn thậm chí lên tiếng yêu cầu Hà Cảnh giải nghệ.
Trước đó, MC Tiền Phong của chương trình Thiên thiên hướng thượng vướng scandal cưỡng hiếp phụ nữ. Đài Hồ Nam cũng ngay lập tức ngừng làm việc với Tiền Phong, tuyên bố sa thải anh vì đời tư không trong sạch.
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã ra thông báo về việc kiểm soát đời tư của nghệ sĩ, MC, kiên quyết tẩy chay những cá nhân vi phạm đạo đức hoặc có vết đen đời tư. Không tính tới yêu cầu của NRTA, việc đài Hồ Nam từng yêu cầu toàn bộ nhân viên (gồm cả MC, nghệ sĩ dẫn show cho đài) ký cam kết không có rắc rối đời tư, đồng thời sa thải Tiền Phong ngay khi scandal nổ ra đã cho thấy động thái quyết liệt của nhà đài.
Không chỉ đài Hồ Nam, nhiều đài truyền hình, hãng phim ở Trung Quốc đều giữ thái độ nhất quán, quyết liệt trước những nghệ sĩ gặp vấn đề đời tư, sự nghiệp. Họ sẵn sàng sa thải, hủy lịch phát sóng hoặc chỉnh sửa toàn bộ hình ảnh đã quay trước đó, tuyệt đối không có nghệ sĩ gặp vấn đề về đời tư, đạo đức lên sóng.
Chẳng hạn, bộ phim Thanh trâm hành của Ngô Diệc Phàm và Dương Tử đã đặt lịch lên sóng truyền hình, bộ phim cũng phải quay trong suốt 8 tháng liên tục, nhưng vì việc Ngô Diệc Phàm bị tạm giam nên bị "xếp kho" vĩnh viễn. Hay bộ phim Lang gia bảng (2015), khi được phát sóng trở lại trên đài truyền hình Sơn Đông, nhà đài đã cắt bỏ toàn bộ cảnh quay khách mời của Trương Triết Hạn dù toàn bộ thời lượng nam diễn viên xuất hiện chỉ vài phút.
Showbiz Hàn không cho nghệ sĩ vướng scandal lên sóng
Tương tự showbiz Trung Quốc, showbiz Hàn và người hâm mộ xứ kim chi không đồng tình với việc nghệ sĩ vướng scandal tiếp tục lên sóng truyền hình.
Vào tháng 3, Jung Yun Ho (DBSK) đã vi phạm lệnh giới nghiêm tại thủ đô Seoul (vì dịch Covid-19), uống rượu tại quán bar và tụ tập đông người sau 12h đêm. Sự việc không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng nam ca sĩ, mà còn khiến công việc của anh trục trặc.
Trưởng nhóm DBSK phải rút khỏi vị trí MC cho show âm nhạc Kingdom của đài Mnet, đồng thời xin lỗi khán giả cũng như những đơn vị truyền thông bị ảnh hưởng. Đài Mnet cũng điều chỉnh cảnh quay, hạn chế tối đa sự xuất hiện của Yun Ho trong 3 tập đầu show Kingdom đã ghi hình trước đó. Chẳng hạn, trong một cảnh quay, dù là tiếng nói của Yun Ho đang vang lên, đội ngũ biên tập đã "trám" cảnh bằng hình Shim Chang Min cười với các thí sinh.
10 năm trước, Kang Ho Dong - người được coi là đối trọng với "MC quốc dân" Yoo Jae Suk về độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng - bị phát hiện gian lận tiền thuế. Theo thông tin được lan truyền, nam MC có tổng tài sản khoảng 30 triệu USD, nhưng chỉ đóng mức thuế rất thấp, kém xa giá trị tài sản của mình.
Thời điểm đó, Kang Ho Dong đang là người dẫn dắt nhiều chương trình ăn khách như 2 Days and 1 Night, Strong Heart, Star Kings... Vì scandal, Kang Ho Dong chủ động rút lui khỏi ngành giải trí, ê-kíp sản xuất cũng lập tức tìm người thay thế vị trí MC của Kang và chỉnh sửa toàn bộ các số đã ghi hình trước, không để anh lên hình.
Mới nhất, Lucas Hoàng Húc Hi - thành viên nhóm NCT - vướng scandal tình cảm và bị người hâm mộ tẩy chay. Đài Mnet và SM Entertainment đã hủy lịch biểu diễn ca khúc song ca cùng Hendery. Quyết định đến từ hai phía đài truyền hình và công ty quản lý, nhưng cũng cho thấy động thái nhanh chóng, dứt khoát khi có nghệ sĩ gặp scandal.
Im lặng không phải là vàng
Ở hai ngành công nghiệp giải trí phát triển hàng đầu châu Á là Hàn Quốc và Trung Quốc, nghệ sĩ hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhỏ khi ở Hàn Quốc, các ca sĩ, diễn viên, MC đều chịu sự quản lý của một công ty. Trong khi đó, phần lớn nghệ sĩ Trung Quốc hoạt động theo mô hình phòng làm việc, tức là nghệ sĩ làm chủ một ê-kíp có đủ các bộ phận như marketing, truyền thông, vệ sĩ, stylist, designer...
Dù khác biệt về cách thức quản lý, nhưng nhìn chung nghệ sĩ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đi theo lối làm việc có hệ thống, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công việc cũng như ứng xử trước truyền thông.
Khi có vấn đề xảy ra với nghệ sĩ, công ty quản lý hoặc phòng làm việc (với nghệ sĩ Hoa ngữ) có trách nhiệm đăng tải thông cáo báo chí, đưa ra các văn bản đính chính vấn đề hoặc xin lỗi khán giả. Ví dụ trong trường hợp Hà Cảnh, phòng làm việc của anh đã đăng tải thông tin chính thức về vấn đề gian lận kinh doanh của cha MC, khẳng định anh không liên quan đến vấn đề này.
Hay như phòng làm việc của Tiêu Chiến, ê-kíp luôn cập nhật thông báo "tin giả" với mỗi tin đồn thất thiệt xoay quanh nam ca sĩ, không để người hâm mộ thắc mắc hay truyền thông đăng tải tin tức sai lệch. Phòng làm việc của Vương Nhất Bác cùng công ty quản lý gốc là YueHua Entertainment cũng thường đăng tải văn bản bác bỏ tin đồn sai sự thật về anh, đồng thời tuyên bố khởi kiện những người làm tổn hại danh tiếng nghệ sĩ.
Với trường hợp YG Entertainment, công ty này thường đưa ra thông báo với nội dung "không thể lên tiếng về đời tư nghệ sĩ" mỗi khi có tin hẹn hò hay vấn đề cá nhân của các nghệ sĩ như Big Bang, BlackPink... Thông báo trên luôn bị người hâm mộ đánh giá là "vô thưởng vô phạt", nhưng ít nhất thông báo này cũng chứng tỏ động thái chuyên nghiệp của một công ty quản lý lớn tại ngành công nghiệp giải trí Hàn.
Đôi khi, việc công ty quản lý hoặc đài truyền hình lên tiếng không hẳn là đủ khả năng đính chính hay xóa bỏ các nghi vấn về đời tư, nhưng ít nhất hành động lên tiếng cho thấy sự chuyên nghiệp và tôn trọng của nghệ sĩ (và ê-kíp quản lý) với khán giả.
Bởi không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, đặc biệt trong trường hợp nghệ sĩ vướng vào lùm xùm đời tư.
Tin cùng mục Starlight
Tin mới nhất