Gameshow có phát ngôn "bỏ vợ nếu không sinh con trai": Hời hợt và phi văn hoá

Chuyện 24h Thứ 6, 03/12/2021 22:42:22 PM Theo Hoàng Văn Minh (Lao động)

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu văn hoá Huế cho rằng, Gameshow “Hành lý tình yêu” cùng với phát ngôn bỏ vợ nếu không sinh con trai của người chơi Công Hoàng là chương trình hời hợt, thiếu chiều sâu về văn hóa, gần với dạng “phi văn hóa”.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, liên quan đến phát ngôn về chuyện mâm dưới, mâm trên và sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai của Công Hoàng trong  Gameshow “Hành lý tình yêu” phát trên Truyền hình Việt Nam gây bão dư luận mấy hôm nay.

Công Hoàng đưa ra quan điểm chọn vợ bị “ném đá” tại “Hành lý tình yêu“. Ảnh: NSX.

Công Hoàng bị “ném đá” tại “Hành lý tình yêu“ sau khi đưa ra quan điểm chọn vợ . Ảnh: NSX.

Thưa ông, mạng xã hội và báo chí mấy hôm nay đang “dậy sóng” chuyện phát ngôn của Công Hoàng trong  Gameshow “Hành lý tình yêu” phát trên Truyền hình Việt Nam liên quan chuyện mâm trên, mâm dưới của người Huế, cũng như tuyên bố sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai.  Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, đây là một kịch bản hời hợt về văn hóa: Sự kiện được nêu ra mang tính cưỡng cầu, vì trong thực tế không còn là một hiện tượng đang tồn tại trong xã hội, cả trong quá khứ, vấn đề cũng không diễn ra cực đoan như kịch bản nêu.

Tệ hại nhất là ý tưởng đó lại gán ghép vào một vai diễn là người Huế, sử dụng giọng Huế với một vài ngữ điệu gây cười như muốn châm chọc. Toàn bộ câu chuyện không nói thẳng ra, nhưng lại hàm ý như Huế vẫn là vùng đất còn tồn tại những suy nghĩ lạc hậu...

Thưa ông, đồng ý là chuyện mâm trên, mâm dưới, hay người vợ phải sinh con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng thời điểm này không phải là “bản chất” nhưng nếu nói là “hiện tượng” cũng không sai. Bởi trong thực tế đời sống, đâu đó ở Huế vẫn còn phảng phất nhưng suy nghĩ như vậy trong nếp sống của từng gia đình. Quan điểm của ông thế nào?

- Thật ra, hiện tượng mong “sinh con trai để nối dõi tông đường” hay “mâm trên mâm dưới” đã từng tồn tại trong xã hội cổ truyền của người Việt, và không phải chỉ diễn ra ở Huế. Hiện tượng này vẫn còn rơi rớt và tiềm ẩn trong một số người, nhưng đã có những đổi khác.

Trong đời sống gia đình, những khi kỵ giỗ, tiếp khách vẫn còn “mâm trên, mâm dưới”, nhưng đó là lễ nghi kính trọng người cao tuổi, khách quý hay người “có vai vế” trong xã hội; làm gì có con trai mâm trên, con gái mâm dưới, làm gì có mâm dưới ăn thức ăn thừa của mâm trên.

Tôi nghĩ, không thể viện cớ vẫn còn một vài ý tưởng cá biệt mang tính lạc lậu cần nêu ra để phê phán vì ý tưởng đó không mang tính đại diện, kể cả đại diện cho sự lạc hậu.

Càng không được gán ghép ý tưởng đó cho bất cứ một vùng đất nào, chưa nói là không nên gán cho Huế vì vùng đất cố đô còn là vùng văn hóa đang gìn giữ khá tốt những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nên lưu ý kỳ thị vùng miền cũng là một ý tưởng lạc hậu cần phải phê phán.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Ảnh nhân vật cung cấp

Thưa ông, trọng nam khinh nữ là một phần tất yếu của chế độ phong kiến bởi ảnh hưởng của Nho học và Khổng giáo. Nhưng câu chuyện này ở Huế cũng có những điều rất đặc biệt, ví dụ như Huế là nơi đầu tiên của cả nước có hẳn một trường học dành riêng cho nữ sinh (Đồng Khánh). Hay trong thời phong kiến và cả bây giờ, Huế vẫn còn rất, rất nhiều phụ nữ nổi danh trên mọi mặt từ văn học, văn hoá, chính trị... 

 - Tôi không nghĩ rằng trọng nam khinh nữ là một phần tất yếu của chế độ phong kiến Việt Nam do ảnh hưởng của Nho học và Khổng giáo. Thời quân chủ, người Việt có phân biệt nam - nữ khác với “trọng nam khinh nữ” của Trung Hoa.

Chẳng hạn, các vua triều Nguyễn đặc biệt nổi tiếng về kính trọng mẹ, rất trọng thị chị em gái, có chính sách đãi ngộ các mệnh phụ vợ của bá quan. Nhiều người Huế trước đây có quan niệm “nam ngoại - nữ nội”, vợ là “nội tướng” lo việc nhà (vì vậy đàn ông Huế ngày trước ít người phụ vợ nấu ăn, giặt áo quần), nhưng việc xã hội, việc nặng nhọc đàn ông phải lo (phụ nữ Huế ít người chẻ cũi, cắt hàng rào).

Trong việc họ, kỵ giỗ ở Huế, con cháu ngoại (con cháu của các người con gái) còn được trọng thị hơn con cháu nội (được ăn trước, khỏi rửa chén bát)...

Huế là một trong những trung tâm tiếp biến với văn hóa phương Tây sớm, nên hơn trăm năm trước vua đã lập trường nữ Đồng Khánh, đã có một tầng lớp phụ nữ trí thức sánh ngang với đàn ông; Bà Đạm Phương đã sáng lập Nữ công học hội từ năm 1927;  bà Trần Như Mân (sau nầy là phu nhân cụ Đào Duy Anh) đã ra báo Phụ Nữ Tùng San từ 1929; bà Lê Thành Tường ra báo Phụ Nữ Tân Tiến từ 1932 (các “cây bút” đều là nữ giới).

Nhiều khuôn mặt phụ nữ Huế nổi bật khắp cả nước (như bà Nguyễn Đình Chi, Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời, các nhà văn nữ Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Minh Đức Hoài Trinh, Trần Thùy Mai, Thái Kim Lan...). Phụ nữ Huế cũng rất “sáng giá”, đâu có gì là “trọng nam khinh nữ” (nếu có cũng rất ít, không phổ biến như một vài vùng).

Liên quan chuyện trọng nam khinh nữ, có một câu tổng kết, vui thôi, nhưng không phải không có lý, đại ý “đàn ông Huế thích làm quan và sợ vợ”. Câu này có vẽ không ăn nhập gì đến “truyền thống” trọng nam khinh nữ, cũng như đề cao vai trò “nội tướng” của người phụ nữ Huế. Ông nghĩ sao về tổng kết vui này?  

- Quan đâu mà nhiều để đàn ông Huế đều làm, nhưng “sợ vợ” thì đúng là hơi nhiều! Con trai Huế thường có “phương ngôn”: “Dại chi (ngu chi) mà không sợ vợ!”. Còn nữa, đã là đàn ông thì nên tâm niệm hai điều: “1. Vợ luôn luôn đúng. 2. Nếu vợ sai, hãy nhớ điều thứ nhất”.

Thưa ông, một trong những yêu cầu đề ra tại Hội nghị văn hoá toàn quốc vừa kết thúc là loại bỏ những hình thức phi văn hoá. Tuy nhiên, có vẽ như chương trình truyền hình với những lùm xùm đang diễn ra là một ví dụ về “phi văn hoá”?. 

- Đây là chương trình hời hợt, thiếu chiều sâu về văn hóa, chạy theo lối câu khách, “câu view”, gần với dạng “phi văn hóa”.

Đáng tiếc là lại được phát trên kênh truyền hình lớn, ngay sau hội nghị văn hóa toàn quốc! Một hội nghị mà giá trị văn hóa đang được kêu gọi đề cao; truyền thống văn hóa dân tộc đang đòi hỏi có sự chấn hưng; các hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa cần phải tránh.

Xin cám ơn ông!

Ý kiến bạn đọc