Starlight Thứ 2, 02/07/2018 07:29:22 AM Theo Zing
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng trước đây muốn làm nhạc phải được học hành, đào tạo. Hiện nay, âm nhạc trở nên dễ hơn rất nhiều nhờ công nghệ nhưng mặt trái không phải không có.
Mới đây, nhạc sĩ Anh Quân nêu quan điểm trên PV về thực trạng quan hệ giữa Nghệ sĩ (Artist) và Thần tượng (Idol) trong nhạc Việt. Tác giả của Hương Ngọc Lan cho rằng, nghệ sĩ và idol ở Việt Nam thiếu sự đồng cảm, tương tác, thậm chí còn định kiến với nhau.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Huy Tuấn là người bạn thân thiết của Anh Quân lại không đồng tình với quan điểm này. Tác giả Chờ người nơi ấy khẳng định âm nhạc giải trí và âm nhạc thưởng thức rất khó song hành với nhau.
'Nhạc Hàn không chỉ có âm nhạc thị trường’
- Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng Nghệ sĩ (Artist) và Thần tượng (Idol) ở Việt Nam chẳng những thiếu sự đồng cảm, hòa hợp mà còn không ưa nhau. Anh thấy quan điểm ấy có đúng?
- Chúng ta là một thị trường âm nhạc mới phát triển nên sự nghi ngại của 2 đối tượng này dành cho nhau là điều dễ hiểu, quan điểm làm nghề của họ đã khác nhau và đối tượng khán giả càng khác nhau, sứ mệnh vì thế cũng sẽ khác.
Tôi tin trải qua thời gian, tỉnh táo hơn thì việc ai người nấy làm. Thị trường Việt Nam bây giờ đang phát triển. Mọi thứ, mọi quan niệm đều phải cùng nhau trưởng thành cùng thị trường âm nhạc.
- Khi nhạc sĩ Anh Quân và một vài nhạc sĩ khác nêu quan điểm về việc nhạc Việt hiện nay bị ảnh hưởng bởi nhạc Hàn, có ý kiến cho rằng tại sao 20 năm trước, thế hệ các anh bị ảnh hưởng bởi nhạc Tây, mang nhạc Tây về Việt Nam thì được đánh giá cao, được cho là sang, còn bây giờ nhạc Hàn lại bị chê?
- Tôi nghĩ mỗi thời có câu chuyện khác nhau của thời ấy. Hàm lượng về kiến thức âm nhạc của hai thời kỳ là rất khác nhau. Ngày xưa, mọi thứ đều mới mẻ nên việc theo đuổi âm nhạc đòi hỏi rất nhiều về khía cạnh nỗ lực cá nhân, trau dồi kỹ thuật.
Chúng tôi phải được học, được đào tạo mới đủ kiến thức để chơi cùng với các nhạc công khác hoặc đặt bút viết giai điệu thì phải hiểu nhạc lý nên các cá tính âm nhạc sẽ rõ ràng hơn. Hiện giờ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ sự trợ giúp của công nghệ.
Ngày xưa không học, không được đào tạo rất khó làm được công việc hòa âm. Nhưng bây giờ bạn không nhất thiết phải học, bạn vẫn có thể sản xuất được âm nhạc dựa trên những mẫu có sẵn đầy đủ và phổ biến trên mạng.
Việc sử dụng những thứ có sẵn thì bạn rất khó để tách mình ra khỏi sự nhang nhác, giống nhau. Bởi, những thứ anh đã sử dụng thì ở đâu đó trên thế giới cũng đã có người sử dụng trước đó rồi, tôi nghĩ đây là một bất lợi cho những người làm nhạc theo kiểu thế giới phẳng hiện nay.
- Nhưng liệu có hay không việc nhiều nhạc sĩ định kiến với nhạc Hàn?
- Tôi thì cho rằng khi chúng ta đưa ra khái niệm "nhạc Hàn" để nhận xét sẽ thành không rõ ràng và dễ bị tranh cãi. Nhạc Hàn không chỉ có âm nhạc thị trường, "thần tượng" như chúng ta đang biết.
Tôi chỉ chia: một là âm nhạc giải trí, hai là âm nhạc thưởng thức. Và hai phong cách rất khó, thậm chí không thể song hành với nhau. Âm nhạc thưởng thức đòi hỏi sâu hơn, kỹ hơn, trong khi âm nhạc giải trí là sự phát triển đồng hành với sự phát triển của công nghệ và đặc biệt là bám vào xu hướng mà xu hướng thì thay đổi hàng ngày.
Người trẻ vẫn nghe nhạc Hàn, vẫn nghe ngôi sao mới của K-pop, tuy nhiên âm nhạc thưởng thức vẫn tồn tại, và vẫn có công chúng riêng. Tôi cho rằng, chúng ta nên tách bạch rõ ràng hai điều ấy.
'Thảm hoạ giúp chúng ta nhận ra đâu là nhạc hay'
- Dù cho rằng nên tách bạch nhưng anh lại góp mặt trong cả âm nhạc thưởng thức lẫn âm nhạc giải trí. Huy Tuấn là một trường hợp ngoại lệ?
- Tôi nghĩ bản thân tôi cũng luôn tách biệt. Dù vậy, âm nhạc giải trí không vì thế mà trở nên kém cỏi. Mỗi thể loại có sứ mệnh khác nhau, không thể trộn lẫn được hai khái niệm ấy. Ở tất cả thị trường âm nhạc, âm nhạc giải trí có vị trí riêng của mình, và âm nhạc thưởng thức cũng có sứ mệnh riêng.
- Gần đây, nhiều người cho rằng nhạc Việt xuất hiện cả những âm nhạc dưới mức giải trí, tức là nhạc chợ và những giọng ca thảm họa?
- Khi phân biệt rành rọt chúng ta sẽ quan sát nó với con mắt bình tĩnh hơn. Thị trường nào cũng hình thành nên từ âm nhạc thưởng thức, và khi có thảm họa chúng ta sẽ càng nhận ra những cái hay thực sự.
Quan trọng, mỗi người có một gu thẩm mỹ khác nhau. Anh không thể đòi hỏi tất cả phải thưởng thức âm nhạc của mình vì anh cho rằng mình cao siêu. Đôi khi, chúng ta còn phải làm quen với các thảm họa.
- Qua chia sẻ của anh, dễ thấy anh và nhạc sĩ Anh Quân là bạn thân nhưng dường như… rất khác nhau trong những quan điểm âm nhạc?
- Khác nhau là đúng vì trước hết chúng tôi là hai cá tính khác nhau. Điểm chung là cùng mong muốn cho thị trường âm nhạc được lành mạnh nhất có thể, chúng tôi đã lớn lên cùng nhau, có chung niềm yêu thích.
Nhưng chúng tôi xuất phát từ hai bản năng khác nhau, môi trường sống khác nhau, và đời sống cũng khác nhau.
Sự khác nhau ấy sẽ nảy sinh quan điểm làm nghề khác nhau. Nhiều người vẫn hay bảo tôi “thị trường”, còn Anh Quân là “hàn lâm” (cười). Nhưng khi làm chung, chúng tôi luôn là một team, và là Anh Em.
- Không thấy anh nói đến những bất đồng, chẳng lẽ hai anh khác biệt nhưng... hoà hợp?
- Làm gì có chuyện ấy. Chúng tôi luôn góp ý cho nhau. Sự góp ý với nhau trong làm nghề là rất nhiều. Nhưng như tôi đã nói, chúng tôi có tình bạn, có ban nhạc Anh Em. Đó là nơi rất thiêng liêng với tất cả thành viên ban nhạc.
Khác nhau về tính cách, làm những chương trình khác nhau, nhưng như tất cả anh em trong ban nhạc, chúng tôi tỏa đi muốn nơi nhưng vẫn có chỗ để quay về. Đấy là tinh thần ban nhạc Anh Em.
'Sáng tác hay nhất của tôi là Mỹ Linh hát'
- Cặp đôi Mỹ Linh – Anh Quân trong âm nhạc là lẽ đương nhiên, không phải bàn cãi vì trước hết họ là vợ chồng. Còn anh, lý do gì khiến anh đồng hành với diva “Tóc ngắn” tới 20 năm, và quá ư thân thiết?
- Tôi khẳng định ngay Mỹ Linh là vị trí đặc biệt nhất trong sự nghiệp của tôi. Tất cả sáng tác hay nhất của tôi, những bài hát mà tôi thấy hài lòng nhất, ưng ý nhất thì đều được viết trong thời kỳ hợp tác với Mỹ Linh.
Bài hát hit nhất của tôi là do Mỹ Linh mang đến khán giả. Bài hát được yêu thích nhất của tôi cũng là do Mỹ Linh cất giọng đầu tiên. Vai trò ấy là rất quan trọng, và có thể nói, những mốc son hiển hách nhất trong đời sống âm nhạc của tôi đều có bóng dáng của Mỹ Linh.
- Nhưng ngoài Mỹ Linh, anh cũng được cho là góp phần quan trọng trong giai đoạn “lập nghiệp” của Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP và rất nhiều các ngôi sao trẻ khác. Bằng cách nào, anh đa dạng được như thế?
- Một câu hỏi khó với tôi vì tôi nghĩ chẳng có quy tắc, nguyên tắc hay cách thức nào cả. Đó là sự quan sát, và có chăng là do tôi có một chút nhạy cảm về các xu hướng âm nhạc.
Bản thân tôi là người luôn muốn mình đi ra khỏi vùng an toàn, luôn muốn mình mới mẻ. Tôi không muốn gò bó trong những thể loại âm nhạc.
Tôi vốn có thế mạnh với R&B, Funk nhưng với những thể loại khác, tôi vẫn tiếp xúc và làm được. Nôm na, tôi là người muốn làm nhiều hơn một vai trò. Tôi không chỉ là người viết nhạc mà còn là người tổ chức, sản xuất. Tôi tham gia vào nhiều công đoạn của thị trường âm nhạc.
Mặc khác, việc hợp tác với những nghệ sĩ khác nhau, dù trẻ hay già, dù mới mẻ hay thành danh, tôi coi như một cơ hội. Cơ hội đó mang lại cho tôi cái nhìn thực tế về thị trường, và ít nhiều đã mang lại cho tôi những thành công nhất định.
- Mỹ Linh vẫn được cho là ca sĩ tiên phong trong R&B ở Việt Nam, sau đó nhiều ca sĩ cộng tác với anh như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP cũng đều có thời gian theo đuổi thể loại âm nhạc này. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này là do anh định hướng?
- Tôi không dám nhận mình là người có thể quyết định xu hướng âm nhạc cho ca sĩ mà mình hợp tác. Mỗi ca sĩ khi kết hợp với nhạc sĩ, theo tôi ngoài cơ duyên còn có yếu tố thời điểm. Mỗi thời điểm lại đặt ra những hướng đi khác nhau.
Nhưng công bằng mà nói R&B là thứ âm nhạc có bóng dáng ở hầu hết thể loại âm nhạc khác nhau.
R&B rất tinh túy, là miền đất mà bạn không bao giờ có thể khám phá ngay được trong một khoảng thời gian ngắn. Thế nên, các ca sĩ khi muốn chinh phục thể loại này là rất khó. Điều kiện cần là phải bị hấp dẫn bởi thể loại âm nhạc, và điều kiện đủ là có người đồng hành.
- Có ca sĩ anh đồng hành tới 20 năm, nhưng cũng có những giọng ca, thời gian hợp tác lại ngắn ngủi hơn rất nhiều. Tại sao?
- Trước hết là cái duyên. Như tôi với Mỹ Linh trước hết là quan hệ bạn bè, tôi và Anh Quân có duyên từ những ngày đầu, chúng tôi từng cùng học ở nước ngoài, cùng lập ban nhạc Anh Em. Chúng tôi có tình bạn ở ngoài đời chứ không chỉ là quan hệ sản xuất.
Tình bạn ấy không thể một sớm một chiều mà mất đi vì ngoài công việc vẫn còn có quan hệ. Điều ấy khiến tôi và Mỹ Linh có thể gắn bó lâu dài, tôi không chỉ sáng tác mà còn tham gia vào các khâu trong sản phẩm của Mỹ Linh. Tôi và Anh Quân lại có cùng chí hướng, cùng sự đau đáu về âm nhạc.
Mối quan hệ như thế thì đồng hành lâu bền là rất dễ hiểu. Với những trường hợp khác, tôi chỉ là nhà sản xuất, và chỉ đồng hành trong giai đoạn nào đó, không thể có sự gắn bó lâu dài.
Tin cùng mục Starlight
Tin mới nhất