Hậu trường Thứ 4, 03/10/2018 05:37:01 AM Theo Vnexpress
Giọng opera nổi tiếng cho rằng các nghệ sĩ theo đuổi dòng chính thống vẫn có "đất" để tỏa sáng và cát-xê ổn định.
- Thực hiện liveshow riêng đầu tiên ở Hà Nội vào đầu tháng 11, chị gặp khó khăn gì?
- Khó khăn lớn nhất của tôi là sức khỏe. Cơ thể tôi vốn yếu, lại mắc bệnh viêm xoang. Từ nhiều tháng nay, tôi dành thời gian tập thể dục để nâng cao thể lực. Sức khỏe vô cùng quan trọng, giúp ca sĩ giữ được chất giọng, tinh thần thoải mái để thăng hoa.
Nhiều người thắc mắc tôi vào nghề đã lâu tại sao đến giờ mới chịu tổ chức liveshow riêng. Ngoài e ngại sức khỏe không tốt, những năm trước tôi chưa đủ vốn, chưa có ý tưởng đột phá. Vậy nên dù nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Tấn Minh nhiều lần động viên, tôi vẫn chần chừ. Năm ngoái, tôi là khách mời trong live concert Mặt trời của tôi của anh Đăng Dương. Đêm nhạc vô cùng thành công, được khán giả đón nhận và giành giải Cống hiến ở hạng mục "Chương trình của năm". Điều đó tiếp thêm động lực để tôi tổ chức liveshow. Khi chia sẻ ý tưởng với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, tôi được anh tin tưởng, ủng hộ và đồng hành.
- Chị lo lắng gì về vấn đề tài chính khi làm liveshow?
- Tôi nhận sự hỗ trợ lớn từ êkíp gồm nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Tất My Loan. Sau hai tuần công bố thông tin chương trình, tôi cũng được khán giả ủng hộ nhiều. Mỗi ngày, lượng vé bán ra đều đặn, làm vơi đi phần nào lo lắng ban đầu của tôi về chuyện tài chính.
Dù vậy, tôi xác định chấp nhận thua lỗ khi làm liveshow. Dù sao êkíp đều là những người thân thiết, tôi không phải trả tiền ngay.
Ca sĩ Lan Anh ở tuổi 42. |
- Thu nhập của chị từ ca hát ra sao?
- Sau nhiều năm đi hát, tôi cũng có khoản tích lũy. Trước kia, nhiều người cho rằng các ca sĩ hát nhạc thính phòng không có nhiều đất diễn, thu nhập không cao, kém xa ca sĩ hát Pop. Những năm gần đây, thị hiếu khán giả thay đổi, họ thích cảm nhận vẻ đẹp của nhạc thính phòng, tiền chiến, cách mạng ở góc độ hiện đại. Chúng tôi cũng cố gắng làm mới tác phẩm, truyền tải những cảm xúc tinh tế, mới mẻ hơn cho khán giả. Vì thế, những chương trình nhạc thính phòng có lượng người xem ổn định. Âm nhạc chính thống không còn bị mang tiếng "nặng nề, kén người nghe".
Nhiều tên tuổi của dòng nhạc thính phòng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Anh Thơ, Tân Nhàn... có thu nhập tốt, xứng đáng với nỗ lực rèn luyện của họ. Tôi nghĩ đó là dấu hiệu đáng mừng, chứng minh những ca sĩ nghiêm túc với nghề hoàn toàn có cơ hội có chỗ đứng cao trong thị trường âm nhạc.
- Chị làm thế nào để chương trình của mình khác biệt?
- Chương trình của tôi có 65 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời với sự chỉ huy của nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. Khách mời của tôi gồm NSND Quang Thọ, NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Đăng Long, nhóm Dòng thời gian, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Tôi là người dịu dàng, nữ tính, vì thế, các khách mời đều là nam giới, mỗi người mang đến màu sắc riêng.
Con trai tôi cũng sẽ song ca với mẹ. Cu cậu năm nay 12 tuổi, rất yêu văn nghệ. Tôi từng cho con học đàn, thanh nhạc từ nhỏ nhưng bị gián đoạn bởi cháu phải theo học văn hóa ở trường. Tôi không định hướng cho con theo đuổi nghệ thuật mà để cháu tự do phát triển. Khi con ca hát và được mọi người khen ngợi, tôi hạnh phúc vì cháu tự tin, vui vẻ hơn.
- Ông xã hỗ trợ chị như thế nào?
- Chồng tôi làm ngân hàng nên công việc cũng bận rộn. Chúng tôi may mắn có bố mẹ giúp chăm sóc con cái. Bù lại, anh là nguồn động lực lớn lao để tôi làm nghệ thuật. Chồng tự hào về tôi, thường hay khoe với đồng nghiệp những dự án của vợ. Anh cũng tạo mọi điều kiện để tôi theo đuổi đam mê.
Trước khi lấy anh, tôi cũng có nhiều người theo đuổi. Hầu hết họ là người cùng nghề, ăn nói khéo léo, hoa mỹ. Trước những lời tán tụng, tôi cảm thấy e ngại, sợ sệt. Tôi tình cờ quen anh qua bạn bè. Anh ít nói, tốt bụng, chân thành. Ở bên nhau, chúng tôi chia sẻ mọi chuyện, đồng thời bình đẳng về trách nghiệm, nghĩa vụ với gia đình. Tôi nghĩ với một phụ nữ làm nghệ thuật, người đàn ông lặng lẽ, trầm ổn như vậy là bệ phóng vững chắc để họ thăng hoa.
Lan Anh sinh năm 1976 ở Nam Định. Chị tốt nghiệp khoa thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (sau là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và được chuyển tiếp lên cao học nhờ thành tích xuất sắc, đồng thời được giữ lại trường làm giảng viên. Lan Anh từng đoạt giải nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội (1997), giải nhất cuộc thi Hát thính phòng và nhạc kịch chuyên nghiệp toàn quốc (2000).
Lan Anh đã ra mắt một số album như Bài ca hy vọng (2004), Hãy yêu nhau đi (2009), Khát vọng (2010), Tình ca xanh (2011), Quê hương tuổi thơ(2013), Tình ca cho anh (2013), Tình ca xanh vol 2 (2017). Live concert của chị mang tên Ánh trăng tình yêu, được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 3, 4/11. Ca sĩ sẽ thể hiện những nhạc phẩm gắn với 20 năm biểu diễn, giảng dạy của mình như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Người lái đò trên sông Pô cô (Cầm Phong), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), Tình ca (Hoàng Việt)... hay các ca khúc trữ tình như Hương xưa (Cung Tiến), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Yêu (Văn Phụng), Bóng chiều xưa (Dương Thiệu Tước)... Ngoài ra, chị cũng thể hiện một số bản opera kinh điển của nước ngoài như The Phantom of the opera, Music of the night, Canto Della Tera.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất