Hậu trường Thứ 6, 31/08/2018 07:07:23 AM Theo Vnexpress
Đạo diễn Việt kiều muốn phim đầu tay thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của anh, không bị nhà sản xuất chi phối về mặt sáng tạo.
- Phim Song Lang sau thời gian ngắn ra rạp bị giảm suất chiếu, khán giả thưa thớt. Anh thấy thế nào?
- Khi làm về cải lương lấy bối cảnh thập niên 1980, tôi cũng lường trước phim khó ăn khách. Từ đầu, tôi với hãng sản xuất (đơn vị của Ngô Thanh Vân) xác định Song Lang không phải kiểu "bom tấn" doanh thu cao. Chúng tôi chỉ muốn thực hiện một tác phẩm mới mẻ, góp thêm sắc màu cho điện ảnh Việt. Đọc bình luận của khán giả và người trong giới, tôi vui vì phim chạm tới cảm xúc của một số người. Tuy nhiên, nếu doanh thu cuối cùng không như ý, tôi cũng thấy hơi chạnh lòng cho nhà đầu tư.
- Anh đấu tranh với nhà sản xuất ra sao để làm tác phẩm mang ngôn ngữ điện ảnh khác phim nhiều tính giải trí của hãng Ngô Thanh Vân?
- Khi làm phim, tôi xác định nếu không được doanh thu thì phải thỏa mãn về đam mê, thể hiện được điều muốn nói. Tôi biết Ngô Thanh Vân là nhà sản xuất quyết đoán và đôi khi lấn át đạo diễn ở các dự án. Từ đầu, tôi yêu cầu cô ấy không tham gia vào phim. Vân hầu như giữ đúng giao ước, ngay cả việc chọn Isaac - học trò cô - vào vai chính cũng là ý của tôi. Tuy nhiên, trong quá trình ghi hình, giữa chúng tôi có một số bất đồng. Ví dụ, Vân muốn có một số cảnh thân mật, gần gũi thể xác hơn giữa hai chàng trai nhưng tôi nhất quyết từ chối. Đến lúc ra rạp, chiến lược phát hành của Ngô Thanh Vân cũng có một số điểm khiến tôi không vừa ý.
Sự xung đột giữa nhà sản xuất và đạo diễn là bình thường ở các dự án, ngay cả ở Hollywood. Người làm phim nhìn dưới góc độ nghệ thuật, còn nhà sản xuất quan tâm đến các vấn đề kinh tế, phải tìm mọi cách để không lỗ. Phim này phía Vân bỏ ra đến 70% vốn, thời gian quay kéo dài, kinh phí đội lên. Thế nên, cô ấy sốt ruột, muốn can thiệp để phim dễ được khán giả chấp nhận. Nhìn lại tác phẩm, tôi thấy nó đúng ý mình khoảng 95%. Song Lang như đứa con tinh thần của tôi, không mất ngón này ngón kia đã là đáng mừng. Cực đoan đến mức tuyệt đối cũng không hay, nhất là khi tôi chưa có phim dài nào.
- Tại sao anh chọn cải lương cho phim đầu tay thay vì các câu chuyện giải trí?
- Tôi không nói không với dòng phim giải trí nhưng với tác phẩm đầu tay, tôi muốn có nét riêng. Khi còn ở Việt Nam, tôi hay cùng gia đình đi xem các môn nghệ thuật cổ truyền sân khấu như chèo, hát bội, cải lương. Tôi thích cải lương đến mức muốn làm kép hát nhưng không thành. Đến Mỹ, tôi tiếp xúc với nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhưng vẫn mê cải lương, nghe cả khi đi bộ, đi tàu điện ngầm.
Tôi ấp ủ giấc mơ về nước thực hiện một vở cải lương nhưng với tình hình sân khấu hiện tại, rất khó làm tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu. Vì thế, tôi chuyển qua ý tưởng phim điện ảnh về cải lương. Phim ảnh có sức lan tỏa mạnh và cũng là bộ môn mà tôi có thể kiểm soát yếu tố nội dung tốt hơn. Khi về nước chào mời, tôi nhận một số lời từ chối nhưng không nản lòng và hiểu đây là đề tài khó được duyệt kinh phí.
Leon Lê (phải) cùng Ngô Thanh Vân (nhà sản xuất) ở buổi ra mắt phim. |
- Ngưỡng mộ đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ, anh chịu ảnh hưởng phong cách làm phim của ông thế nào?
- Tôi luôn giữ các phim của ông trong máy tính bảng và đã xem hàng trăm lần. Thời gian, bối cảnh Song Lang với những con đường xưa cũ hay bức tường tróc dễ khiến khán giả liên tưởng đến Vương Gia Vệ. Tuy nhiên, tôi không bắt chước ông. Màu sắc, trang phục, hóa trang, khung hình của tôi đều có ý đồ chứ không phải bê nguyên từ Vương Gia Vệ.
Trong Song Lang, hai diễn viên chính là yếu tố quan trọng để truyền tải câu chuyện. Với thể loại này, tôi không muốn chọn ngôi sao do sợ hình ảnh ngoài đời của anh ta quá mạnh, khiến khán giả khó cảm nhân vật. Vai của Liên Bỉnh Phát (vốn là MC, chưa từng đóng điện ảnh) được quyết định nhanh chóng, còn vai chính còn lại khiến tôi đắn đo. Tôi không muốn chọn Isaac nhưng cuối cùng thấy cậu ấy là người duy nhất dung hòa được yếu tố điện ảnh và cải lương. Tôi bắt Isaac hát thật trong phim chứ không dùng diễn viên đóng thế, dù biết giọng cậu ấy không thể bằng nghệ sĩ cải lương thật.
- Là Việt kiều về nước làm phim, anh nghĩ thị trường điện ảnh Việt Nam còn yếu ở điểm nào?
- Nhà làm phim Việt Nam hay chạy theo trào lưu, ví dụ phim remake thắng thì đổ xô làm remake, phim về chủ đề tuổi thanh xuân ăn khách thì ai cũng làm thanh xuân. Mọi người không nhìn thấy tổng thể, thấy lợi cứ lao theo đến mức vắt kiệt đề tài. Về lâu dài, những phim kém chất lượng gây tác hại cho ngành điện ảnh, khiến khán giả mất niềm tin và mọi thứ rơi vào vòng luẩn quẩn. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng làm phim giải trí nhưng đa dạng về thể loại, chủ đề chứ không giống Việt Nam.
Nền tảng về diễn xuất của sao Việt yếu hơn thế giới rất nhiều, chỉ cần nhìn qua Thái Lan cũng thấy họ đã bỏ xa chúng ta. Diễn viên đa phần lại thiếu kỷ luật, thích nổi tiếng nhanh bằng chiêu trò chứ không muốn học tập, đầu tư lâu dài cho nghề. Không có kỷ luật, nghệ sĩ không thể đạt đỉnh cao dù tài năng có xuất chúng thế nào. Tình trạng này cũng có ở các nhân viên đoàn phim, dẫn đến thỏa hiệp dễ dàng, lười biếng trong từng khâu nhỏ, nước đến chân mới nhảy. Tại nước ngoài, ít nhất là trong môi trường tôi trải qua, họ làm việc kiểu "chết bỏ", có thể không đạt nhưng là do năng lực chứ không phải thái độ. Ở đó, người nghệ sĩ bị lòng tự trọng thúc đẩy phải làm ra thứ tốt nhất có thể.
Leon Lê sinh năm 1977, là diễn viên nhạc kịch tại sân khấu Broadway. Anh từng diễn xuất trong Những nụ hôn rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, sau đó thực hiện một số phim ngắn trước khi làm phim điện ảnh đầu tay Song Lang. Kịch bản được đạo diễn lên ý tưởng từ bảy, tám năm trước.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất