'Mẹ ơi! Đừng giết con' - chiến dịch chĩa mũi lao vào phụ nữ?

Chuyện 24h Thứ 5, 13/12/2018 09:08:52 AM Theo Zing

"Tại sao lại chỉ là mẹ, trong khi việc tạo ra đứa trẻ là kết quả của cả hai người", đó là thắc mắc của rất nhiều người khi biết đến chiến dịch "Mẹ ơi! Đừng giết con".

Đầu tháng 12, một chiến dịch mang tên "Mẹ ơi! Đừng giết con" đang phát đi lời kêu gọi 100.000 chữ ký để kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành “Luật cấm nạo phá thai” tại Việt Nam. Video cùng thông tin của chiến dịch nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận với 440.000 lượt xem, hơn 3.000 chia sẻ cùng hàng nghìn bình luận tranh cãi. 

"Mẹ ơi! Đừng giết con" được thực hiện bởi Quỹ từ thiện HTBC Foundation, do Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988, TP.HCM) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990, Phú Yên) sáng lập.

Trong video phát động chiến dịch, ngoài việc đưa ra các dẫn chứng về tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam, Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà nhận định việc nạo phá thai là thảm họa nhân đạo đã giết chết 300.000 sinh mạng mỗi năm ở Việt Nam và đó là tội ác man rợ.

Video phát động chiến dịch có hơn 440.000 lượt xem trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.


Lê Huỳnh Hà khẳng định: "Việt Nam đã đứng thứ 3 trên thế giới về việc nạo phá thai, tôi nghĩ chính bản thân phải hành động và lên tiếng. Tôi tin mình và nhóm sẽ lan tỏa được thông điệp ý nghĩa của chiến dịch”.

Trong khi đó, Lê Hoàng Thạch cũng khẳng định bản thân sẽ đi đến cùng với chiến dịch “Mẹ ơi! đừng giết con”.

Sau hơn 10 ngày phát động, chiến dịch này thu được hơn 23.000 chữ ký.

Thông điệp ý nghĩa sao chỉ chĩa mũi lao vào phụ nữ?

Theo Nguyễn Khánh Linh (một nhà hoạt động xã hội tại Singapore), đây là một chiến dịch không giải quyết triệt để từ gốc, đó là giáo dục về sức khỏe sinh sản và tình dục. Người lớn vẫn không cởi mở khi nói về chủ đề này, rất ít người có hiểu biết về các biện pháp phòng tránh thai. Một chiến dịch chỉ giải quyết phần ngọn sẽ có rất ít hiệu quả.

Cô cũng đưa ra dẫn chứng, theo thống kê của VYAC (Vietnam Youth Action for Choice), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc giảm tỷ lệ bỏ thai qua từng năm. Theo số liệu của ngành y tế, số ca phá thai từ 800.000 ca năm 1988, tăng lên 1,2-1,3 triệu ca trong giai đoạn 1993-1997, giảm xuống 600.000 ca trong giai đoạn 2006-2010 và 400.000 ca trong giai đoạn 2011-2013. Nếu tuyệt đối cấm phá thai ở bất cứ hình thức nào, điều này sẽ dẫn đến việc phụ nữ đối mặt với nguy cơ tiếp cận đến dịch vụ phá thai không an toàn. Vì vậy, tỷ lệ phá thai đã giảm mà không cần đến một luật cấm.

Hơn thế, từ cách đặt tên chiến dịch, nhà hoạt động xã hội này nhận định: "Đây là hành vi tàn nhẫn nhắm vào phụ nữ. Chiến dịch có tên "Mẹ ơi đừng giết con", họ chỉ đề cập đến mẹ mà không nhắc tới người cha, để sinh ra một đứa trẻ cần cả hai bên. Vậy trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người phụ nữ mà không nhắc đến người đàn ông nào ở đây?".

Về vế sau của tên chiến dịch: "Đừng giết con", cô đặt câu hỏi: "Thế nào là giết? Giết ai?". Bào thai dưới 12 tuần tuổi còn rất nhỏ (dài khoảng 2-5 cm, một số thậm chí chỉ nhỏ bằng hạt đậu, không khác gì một tế bào), trong tiếng anh đó gọi là fetus. Fetus không có khả năng cảm nhận đau đớn hay cảm xúc, nhất là dưới 12 tuần tuổi. Việc coi phá thai là "giết" là một sự đánh tráo khái niệm rất lớn. Đó là hành động công kích bằng cách đặt tên "Mẹ ơi! đừng giết con" trong khi bào thai chưa có cảm thụ, cảm xúc lên những người phụ nữ là nạn nhân của bạo hành, hiếp dâm, nghèo đói, thiếu giáo dục, biến họ thành người tội lỗi.

Đồng quan điểm, bạn Tăng Văn Nhân bày tỏ: "Cứu 300.000 sinh linh hay tạo ra 300.000 đứa trẻ bị ruồng bỏ, không được quan tâm, yêu thương? Chỉ vì bộ luật mà bắt buộc phải sinh chúng ra sao? Hai bạn đảm bảo các em sẽ có cuộc sống tốt hơn không? Nếu như nghèo khổ, không đủ khả năng nuôi một đứa trẻ thì thà phá thai, tốt cho cả mẹ và con, hạn chế những gánh nặng cho xã hội. Tôi từng gặp đứa trẻ nói rằng: Ước gì em không được sinh ra".

Tài khoản Nguyễn Thu Hằng đồng tình: "Trong trường hợp sức khỏe của người mẹ không đảm bảo, dị tật,... để nuôi dưỡng thai nhi mà nhất quyết giữ con lại, khi sinh sẽ có rất nhiều rủi ro cho cả mẹ và con. Hai bạn chưa đủ hiểu biết để có thể lên tiếng về vấn đề này. Có rất nhiều lý do để một người đi đến quyết định không giữ, hoặc giữ con bằng mọi giá. Bạn không thể áp đặt chung cho tất cả để ban hành luật một cách cứng nhắc. Đó là quyền cá nhân của mỗi người khi đủ 18 tuổi". 

Nhóm sáng lập thay đổi nội dung chiến dịch sau khi bị chỉ trích

Trên Facebook của Lê Huỳnh Hà, một trong hai người sáng lập của chiến dịch, đưa ra rất nhiều luận điểm để kêu gọi ủng hộ "Luật cấm phá thai" như đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cần được chấm dứt, đất nước sẽ thiếu hụt dân số trầm trọng trong tương lai, sức khỏe sinh sản của phụ nữ bị ảnh hưởng, mang lại một quyền cho phụ nữ được yêu cầu nam giới dùng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn từ đó dẫn đến việc phá thai,... 

Với những luận điểm này, chiến dịch tiếp tục bị chỉ trích với phân tích từ phía cộng đồng mạng. Chuyện phá thai ở những tuần đầu tiên, về mặt sinh học là một nhóm tế bào, đây có phải vấn đề đạo đức hay không là quyết định cá nhân từng người.

Việt Nam đang đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Chúng ta nên nâng cao chất lượng trí tuệ và sức khỏe của người dân hơn lo sợ sụt giảm dân số.

Hay có ý kiến phản bác: "Sinh con là cả một sự vất vả nguy hiểm khi vượt cạn. Gánh nặng về kinh tế, tài chính khi họ phải lo cho con. Bạn không lo cho họ nên không có quyền cấm". 

Bên cạnh đó, không ít người đưa ra quan điểm, nếu luật phòng chống nạo phá thai được ban hành, các cơ sở làm dịch vụ phá thai chui sẽ bùng nổ.

Đầu tháng 12, trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí, nhóm truyền thông này không đưa ra những trường hợp "đặc biệt", được "đặc cách" không bị phạt khi phá thai. Sau khi bị chỉ trích về những điểm chưa hợp lý, hai người sáng lập đã thay đổi nội dung chiến dịch. Cụ thể, trong đề xuất kiến nghị với Quốc hội, nhóm sẽ loại trừ các đối tượng gồm các phụ nữ trong các trường hợp ngặt nghèo như bị hãm hiếp, hôn nhân cùng huyết thống, gặp các vấn đề cấp bách phải bỏ thai.

"Khi dự luật được chính thức thành luật, nó sẽ có một lộ trình thực hiện, trong lộ trình thực hiện sẽ có việc đánh giá, xét lại các tiêu chuẩn của các phòng khám để cấp phép lại một số ít nơi được phép phá thai trong các trường hợp loại trừ. Còn lại, tất cả các nơi sẽ không được phép phá thai, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm với pháp luật", Lê Hoàng Thạch, người sáng lập chiến dịch chia sẻ. 

Lê Huỳnh Hà cho biết khi luật được ban hành, anh tin mọi người sẽ phải chấp hành bằng cách tìm mọi biện pháp tránh thai ngoài ý muốn, không có thai ngoài ý muốn thì sẽ không có chuyện bỏ cốt nhục của họ ngoài ý muốn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định về quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai cho biết: "Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khỏe trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế".

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP, nghiêm cấm loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản", tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần và phá thai do lựa chọn giới tính đều là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… theo quy định chi tiết tại Quyết định 4620/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Như vậy, việc nạo phá thai vẫn được pháp luật Việt Nam đồng ý theo nguyện vọng của người phụ nữ, nhưng nghiêm cấm phá thai vì giới tính của thai nhi.

Những trường hợp người mẹ buộc phải đình chỉ thai kỳ

Theo BBC, khi một thai kỳ dường như không phát triển như bình thường, các bác sĩ sẽ đề nghị đình chỉ thai kỳ. Một thủ tục sớm sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng cho mẹ, như nhiễm trùng hệ thống hoặc tử cung. Nó bao gồm thai ngoài tử cung, thai chết lưu, vỡ ối sớm, bong nhau thai.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia NCBI (Mỹ), trường hợp buộc phải đình chỉ thai kỳ khác là dị tật thai nhi. Dị tật bẩm sinh và rối loạn nhiễm sắc thể di truyền ở thai nhi thường không được chẩn đoán cho đến tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ. Chẩn đoán sớm có thể giúp người mẹ dễ dàng đưa ra quyết định và tránh các thủ tục phá thai phức tạp hơn trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba. Những dị tật có thể bao gồm nứt đốt sống, rối loạn ống thần kinh, song sinh dính liền, tim thai hoặc thận bất thường. 

Trong khi đó, rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần của thai nhi, hoặc rút ngắn tuổi thọ của đứa trẻ sau này.

Chúng bao gồm:

- Bộ ba nhiễm sắc thể

- Loạn dưỡng cơ Duchenne

- Hội chứng nhiễm sắc thể Fragile-X và rối loạn đông máu Hemophilia

- Bệnh do rối loạn biến dưỡng Tay-Sachs

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị chấm dứt thai kỳ ngay lập tức nếu người mẹ có vấn đề sức khỏe bị biến chứng xấu hoặc phát triển trong thai kỳ. Những vấn đề đó có thể là bệnh tim mạch, bệnh thận, tiền sản giật, ung thư, nhiễm trùng tử cung, bệnh tiểu đường, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Ý kiến bạn đọc