Chuyện 24h Chủ nhật, 10/06/2018 21:13:23 PM Theo Zing
Tự ý hủy đơn hàng, mua sản phẩm này giao sản phẩm khác, thủ tục đổi trả phức tạp là những phàn nàn của khách hàng về các trang thương mại điện tử trên thị trường.
Trong báo cáo gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết sẽ kết hợp với một số cơ quan kiểm tra hoạt động kinh doanh của Lazada do liên tục bị khách hàng "tố".
Tuy nhiên, không chỉ Lazada mà nhiều trang thương mại điện tử lớn hiện nay như Shopee, Sendo… cũng rơi vào cảnh tương tự khi hàng giao chậm, giao không đúng như quảng cáo, thậm chí sản phẩm còn hàng nhái, kém chất lượng.
Giao hàng không đúng quảng cáo, không cho bảo hành
Công việc bận rộn, anh Quốc Tuấn (24 tuổi, quận 5, TP.HCM) có thói quen lên Lazada mỗi khi cần mua một số phụ kiện điện tử có giá trị nhỏ như chuột máy tính, thẻ nhớ, tai nghe điện thoại... Gần đây, anh hầu như không dám đặt hàng từ trang này nữa vì bị hai lần liên tiếp giao hàng không đúng sản phẩm.
Anh Tuấn kể, lần đầu tiên anh mua USB có dung lượng 256 GB. Trước khi ấn nút đặt hàng, anh đã đọc rất kỹ thông tin giới thiệu sản phẩm bởi hệ điều hành laptop của anh rất kén USB. Thế nhưng sau vài ngày chờ đợi, sản phẩm anh nhận được lại không đúng như những gì quảng cáo.
"USB không phù hợp với hệ điều hành của máy tính. Tôi mang nó kiểm tra với máy các đồng nghiệp khác cũng không dùng được. Đã vậy tốc độ làm việc của USB này lại rất chậm, sao chép dữ liệu cả giờ đồng hồ mà chỉ gần 20% dung lượng", anh Tuấn phàn nàn.
Điều khiến anh thất vọng nhất là khi liên hệ đổi lại sản phẩm mới, nhân viên tư vấn của công ty này không chấp nhận vì cho rằng sản phẩm vẫn sử dụng bình thường và không bị lỗi kỹ thuật. Lần thứ hai, anh Tuấn mua một card màn hình máy tính từ một cửa hàng trên trang này và anh cũng không hài lòng về chất lượng.
Sai kích cỡ, tự ý đổi hàng của khách
Tương tự, các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép luôn khiến các tín đồ mua sắm từ các trang thương mại điện tử này phải đau đầu.
Chị Nga Phạm (28 tuổi, quận Bình Tân) cho hay để chuẩn bị đi tiệc cưới, chị đã đặt một chiếc đầm từ trang Sendo. Đã xem kỹ thông tin, hình ảnh về kích cỡ, màu sắc nhưng khi nhận hàng chị vẫn rất bức xúc.
"Do chồng tôi ở nhà nhận giúp nên không mở sản phẩm kiểm tra trước. Tôi đặt size XXL nhưng chiếc đầm bé xíu như dành cho trẻ con, vải thì mỏng tang thì làm sao mặc được. Tôi phải cuống cuồng đến cửa hàng gần nhà để mua gấp một chiếc cho an toàn", chị Nga nói.
Nữ nhân viên này nói thêm, câu chuyện đặt quần áo kích cỡ này nhưng khi nhận hàng là "big size" hoặc kích cỡ "em bé" vốn không lạ với các đồng nghiệp ở cơ quan, lần này là đến lượt chị.
Gặp trường hợp tương tự chị Nga, anh Hoàng Phúc (21 tuổi, quận Bình Thạnh) cũng bị giao sai sản phẩm và kích thước chiếc áo khoác đã đặt từ trang thương mại điện tử Shopee.
Anh Phúc cho hay phải tìm nhiều website khác nhau mới có được chiếc áo yêu thích và kích thước phù hợp dáng người. Đặt hàng thành công và chỉ chờ nhận hàng tại nhà, anh Phúc đã “bật ngửa” ở phút chót.
"Cửa hàng xác nhận đặt thành công, báo đã đóng gói và giao cho đơn vị vận chuyển nhưng hai hôm sau họ lại gọi cho tôi. Shop nói sản phẩm đó đã hết và thay thế bằng một chiếc áo khác. Chưa nhận được sự đồng ý của khách hàng mà đã tự ý như vậy thật không thể chấp nhận được", anh Phúc nói.
Vì giá trị chiếc áo không quá cao, thủ tục đổi trả lại rườm rà nên anh đành nhắm mắt làm ngơ, bỏ nó vào một xó trong tủ quần áo và hạn chế mua hàng từ trang này.
Mua phải hàng nhái còn bị cửa hàng tố
Không chỉ phàn nàn về sản phẩm nhận được không đúng quảng cáo, một số người tiêu dùng còn tố mỹ phẩm, đồ điện tử, linh kiện điện tử từ các trang thương mại điện tử này là hàng nhái, kém chất lượng.
Là khách hàng quen hơn một năm nay của một shop chuyên bán mỹ phẩm trên trang Shopee, gần đây, chị Khánh N. (24 tuổi, nhân viên văn phòng) mới tá hỏa phát hiện một sản phẩm đang dùng có dấu hiệu là hàng giả. Chị N. cho biết đã tham khảo thêm cách nhận dạng hàng thật từ các trang làm đẹp uy tín trước khi liên hệ lại shop để trả hàng.
"Tôi thật sự không tin nổi, trước giờ toàn đặt hàng ở shop này từ nước tẩy trang, sữa rửa mặt, son, kem dưỡng, mặt nạ… Đến khi xem được một số cách nhận dạng sản phẩm thật thì chỉ biết giật mình", chị nói.
Không chỉ vậy, nữ nhân viên này còn tố cửa hàng đổ thừa chị cố tình nói hàng giả để được không phải lấy hàng. Chị N. kể, trước khi trả trở về shop, chị đã nói cụ thể tình trạng lọ mỹ phẩm và đặt nghi vấn hàng giả. Chủ cửa hàng này vui vẻ chấp nhận thế nhưng, sau vài ngày họ phản hồi là lọ bình thường sau khi kiểm tra.
"Tôi để ý rất kỹ lọ tôi trả shop có dòng kẻ và chữ bên ngoài bị lem, trong khi lọ nơi này trả về rất sắc nét. Họ còn gửi kèm video cho rằng việc vặn nắp hoàn toàn bình thường nên không thể giả. Tiếc là tôi không quay một video trước đó để đối chứng", chị N. nói và cho biết mất và lòng tin với cửa hàng.
Nhiều khách khi sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh mua hàng từ các trang thương mại điện tử này cũng rất ái ngại về các sản phẩm điện tử hay linh kiện điện tử có giá rất rẻ, xuất xứ, nhãn mác thì không thể nào kiểm tra được.
Anh Hoàng Nam (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) bức xúc khi phải mua một cục sạc dự phòng điện thoại "rởm" từ một cửa hàng trên Lazada. Anh cho hay thấy được hình ảnh và thông tin giới thiệu của cửa hàng là sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng, giá giảm không quá nhiều nên mới chọn mua.
"Thế nhưng, sạc dự phòng chỉ dùng tốt được trong mấy hôm đầu tiên. Chỉ vài ngày sau là mau tuột pin kinh khủng, sử dụng làm gì khi vừa sạc cho dự phòng, vừa cắm trực tiếp điện thoại. Đã không có thời gian mà còn đổi trả thì coi như lỡ mua một lần rồi thôi", anh nói.
Anh Nam cũng cho biết thêm, trang thương mại điện tử này thường xuyên tự ý hủy đơn hàng, nhất là vào những dịp ưu đãi, giảm giá mạnh. Anh nói đến lúc cần nên kiểm tra lại giao dịch thì không biết sản phẩm mình đặt đang ở nơi đâu.
Cục Cạnh tranh cảnh báo
Trả lời PV gần đây về việc nhiều khách hàng tố Lazada tự ý hủy đơn hàng, tổ chức những đợt giảm giá mạnh nhưng không thể mua được, đại diện trang thương mại điện tử này cho rằng công ty và các đối tác, nhà bán hàng đã chuẩn bị cho các sự kiện giảm giá lớn nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông nói đây là sự cố ngoài ý muốn, công ty đã có nhiều cuộc họp nội bộ để rút kinh nghiệm, điều chỉnh các chính sách. Về phía nhà bán hàng, đơn vị này sẽ tổ chức nhiều hoạt động huấn luyện, cũng như các lớp học để nâng cao năng lực xử lý đơn hàng và chăm sóc khách hàng.
Trước xu hướng mua hàng qua các trang thương mại điện tử ngày càng nhiều, đồng thời, các bức xúc của người tiêu dùng về các sản phẩm nhận được từ hình thức kinh doanh này cũng ngày một tăng, Cục Cạnh tranh đã khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác, bởi sản phẩm có thể khác quảng cáo do chưa được nhìn thấy tận mắt.
Đặc biệt, với các sản phẩm có giá trị như trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm, nếu đơn vị bán yêu cầu trả tiền trước nhưng không được biết đầy đủ thông tin sản phẩm, người dùng cần từ chối nhận hàng, để tránh “tiền mất tật mang” và nhiều rủi ro khác.
Tin cùng mục Chuyện 24h
Tin mới nhất