Thời trang Thứ 2, 18/05/2020 13:38:39 PM Theo Zing
Quần jeans vừa vặn với cơ thể được xem như chuẩn mực quan trọng dành cho các chàng trai yêu thời trang.
Quần jeans là kiểu trang phục không thể thiếu trong tủ đồ của nam giới. Giống phái nữ, đàn ông cũng cần hiểu rõ lịch sử ra đời những chiếc quần jeans và nguyên tắc trong việc lựa chọn trang phục nhằm thể hiện vẻ sành điệu của bản thân.
Quần jeans bắt nguồn từ đâu?
Năm 1848 khi công cuộc đào vàng bùng nổ tại California (Mỹ), nhiều nhân công đến đây làm việc với mong muốn thay đổi cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, họ lại băn khoăn không biết có thể tìm ở đâu loại quần vừa bền, vừa phù hợp với thời tiết và điều kiện làm việc khắc nghiệt tại các mỏ vàng.
Năm 1853, một người đàn ông tên Levi Strauss rời khỏi New York để chuyển đến sinh sống tại San Francisco, California (Mỹ) nhằm tìm kiếm vận may như nhiều người khác. Tuy nhiên, ông đã không tìm được bất cứ thứ gì và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh một cách tình cờ.
Vào một ngày, người thợ than phiền với Strauss rằng anh ta không thể mua được loại quần nào đủ bền để phục vụ cho công việc đang làm. Từ đó, người đàn ông này suy nghĩ: "Tại sao không thử chế tạo ra mẫu quần nào đúng với ước nguyện của những người nhân công này mà vẫn kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày?".
Ông bắt đầu thiết kế chiếc quần jeans đầu tiên bằng tấm vải dựng lều trại. Chỉ trong một ngày, Strauss đã bán hết toàn bộ trang phục, cũng như kiếm được nhiều tiền hơn từ sự nhạy bén của mình.
Sau đó, Strauss mua một loại vải chéo mềm hơn nhưng có độ bền tương tự. Loại vải này có nguồn gốc từ Nîmes - một thành phố ở Pháp, còn được gọi là "Serge de Nîmes". Những người thợ mỏ thích loại vải này hơn và họ gọi nó là "denim" (từ de Nîmes).
Ông tiếp tục nhuộm vải denim thành màu xanh để tránh bị bám bẩn khi các nhân công làm việc. Những chiếc quần jeans huyền thoại ra đời từ đó.
Kiểu trang phục này dần phổ biến và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Ông bắt đầu biến tấu quần jeans phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thời bấy giờ cùng kiểu dáng sành điệu hơn.
Chúng bắt đầu được lăng xê nhiều hơn vào thế kỷ 20, khi Hollywood làm phim về những chàng cao bồi cùng hình ảnh chiếc quần jeans bụi phủi thể hiện tinh thần hoang dã miền Tây nước Mỹ.
Thập niên 80 là thời kỳ đỉnh cao của quần jeans, khi nhiều nhà thiết kế tên tuổi bắt đầu cho ra mắt các bộ sưu tập dành riêng cho nam và nữ.
Cho đến những năm 2000, quần jeans không còn "hot" như xưa nhưng vẫn luôn xuất hiện đều đặn trên sàn diễn thời trang với sự biến tấu và kiểu dáng mới lạ hơn.
Quần jeans phù hợp với vóc dáng
Một chiếc quần jeans phù hợp chính là trang phục khiến bạn cảm thấy thoải mái. Không nhất thiết phải được may đo riêng nhưng nên lựa chọn món đồ vừa vặn với cơ thể.
Đối với một chiếc quần jeans, có 4 điều mà nam giới nên chú ý như độ dài đáy quần, màu sắc, hình dáng và phần ống. Cần lưu ý kỹ đến độ dài của đáy quần (tính từ khoảng cách đáy cho đến thắt lưng). Đây được xem như bước quan trọng nhất để xác định trang phục có vừa vặn với bạn hay không.
Một chiếc quần jeans vừa vặn giúp phái mạnh cảm thấy thoải mái trong việc vận động. Đừng cố gắng gò bó bản thân bằng những mẫu quần skinny ôm sát đôi chân hay phần ống rộng thùng thình. Những kiểu dáng trang phục này phần nào khiến hình ảnh trông nữ tính và luộm thuộm.
Chú ý đến chi tiết nhỏ
Những mẫu quần jeans đính kết họa tiết luôn nhận được sự yêu thích của phái mạnh. Không chỉ thu hút ánh nhìn, trang phục này còn giúp nam giới trông cá tính, sành điệu. Tuy nhiên, chúng lại rất khó để kết hợp với trang phục hàng ngày cũng như dễ bị lỗi mốt.
Ngoài ra, một điều khác cần lưu ý chính là các chi tiết nhỏ như kích thước túi, độ dài ngắn của quần, đường cúp trên phần thân hay dòng chữ in nổi trên nút đồng. Nếu bỏ qua một trong những tiểu tiết này, chiếc quần jeans sẽ trở nên kém tinh tế khi kết hợp cùng trang phục.
Lưu ý cách giặt và bảo quản
Phái mạnh cần chú ý khi lựa chọn mẫu quần jeans với nhiều vết rách trên đầu gối. Với kiểu trang phục này, việc giặt giũ sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng sẽ dễ dàng xuống cấp, mất phom dáng ban đầu nếu không bảo quản kỹ càng.
Việc lật ngược mặt trái của quần jeans trong lúc giặt và phơi khô chính là nguyên tắc cơ bản để trang phục luôn bền đẹp cũng như giữ được phom dáng, màu sắc như ban đầu.
Tin cùng mục Thời trang
Tin mới nhất