Nghệ sĩ ưu tú Dương Thùy Anh: Thong dong đàn nhị

Hậu trường Thứ 3, 07/05/2024 20:14:40 PM Theo Báo Phụ Nữ

Nếu được dùng một tính từ để diễn tả sự gắn kết cũng như niềm say mê của Dương Thùy Anh với đàn nhị (đàn cò), “thong dong” có lẽ là từ phù hợp nhất bởi nó diễn tả được trọn vẹn trạng thái từ tốn mà tha thiết, bền bỉ của chị với cây đàn dân tộc trước quá nhiều thử thách từ đời sống.

“Lắng” hay tiếng lòng của tình yêu?

14 năm, Nghệ sĩ ưu tú Dương Thùy Anh mới có album đàn cò thứ hai - Lắng. Không giống với album đầu tay - Ôi! Đàn cò gồm những ca khúc nổi tiếng để giới thiệu sự hòa điệu của đàn cò với nhạc cụ phương Tây, Lắng cho thấy sự tự tin và khát khao tìm tòi, thể nghiệm những điều mới mẻ của Dương Thùy Anh khi tung ra một album sáng tác. Chị “gặp” nhạc sĩ Võ Thiện Thanh ở việc chọn thể loại âm nhạc mở rộng - New Age & World Music - với mong mỏi hòa quyện nhạc cụ dân tộc và phương Tây, nhằm đem lại cảm nhận đa dạng cho người nghe. Mỗi ca khúc, vì thế, đều phảng phất chất dân gian vùng miền, vừa mới lạ, vừa quen thuộc. Ở một số bài, nghệ sĩ Bảo Lan - thành viên nhóm Năm dòng kẻ - đảm nhận phần hát và đàn bầu. Nghệ sĩ Hoàng Anh chơi sáo, Khánh Chung thể hiện đàn tranh, hòa quyện cùng tiếng đàn nhị.

Hỏi Dương Thùy Anh vì sao phải chờ đến chừng ấy năm mới có album thứ hai, chị tâm sự rất đỗi chân thành: “Là vì với một người theo đuổi việc biểu diễn nhạc cụ dân tộc như tôi thì tài chính để thực hiện một album là không hề nhỏ”. Minh chứng là album thứ hai cũng chỉ phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Ngoài yếu tố tài chính, Dương Thùy Anh còn hy vọng có thêm vài ca khúc nữa để tạo “độ dày” cho album khi người nghe cầm trên tay.

 

Một lý do khác, quan trọng không kém “là vì tôi vẫn tìm kiếm một điều gì đó thực sự mới mẻ và phù hợp với mình để người nghe, không chỉ ở Việt Nam, đón nhận tiếng đàn cò. Muốn như vậy thì cần kết hợp với nhạc cụ phương Tây. Song nếu chỉ chọn các ca khúc quốc tế để làm mới thì quen thuộc quá. Tôi muốn mình có thể mang vào đó những làn điệu địa phương độc đáo và đặc sắc. Chỉ có như vậy mới tôn vinh được tiếng đàn nhị và cũng là cách hiệu quả giới thiệu một Việt Nam đa sắc. Và cho đến khi gặp nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, ý tưởng đó mới thành hình” - Dương Thùy Anh say mê bộc bạch.

Album này còn mang đến cho chị những khám phá thú vị về cây đàn và về khả năng biểu diễn của bản thân. Chị chia sẻ, khi nhận bản phối của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, đôi lúc chị hoang mang. Chẳng hạn, ở ca khúc Vũ điệu bầy đom đóm, nhạc sĩ đã sử dụng những quãng nghịch, khó và những nốt cao, vốn không thuận với đàn nhị và thang âm ngũ cung của âm nhạc Việt Nam. “Tôi phải cố gắng tập luyện rất nhiều, có những lúc tay tôi run lên. Tuy nhiên, khi làm được, tôi chợt phát hiện ra, cây đàn nhị có thể chạm đến những quãng nghịch và những nốt cao của âm nhạc phương Tây. Điều đó thật sự thú vị và thôi thúc tôi thử sức với những điều mới mẻ khác”.

Chưa bao giờ có ý định rời xa tiếng đàn nhưng cuộc sống của một nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc trong vòng xoáy cơm áo gạo tiền vốn chẳng hề đơn giản. Trong muôn vàn nỗi lo ấy, cũng có không ít lần chị chạnh lòng. Thế nhưng, Dương Thùy Anh tâm niệm, mỗi khi bước lên sân khấu biểu diễn, đặc biệt là sân khấu tại các tụ điểm vui chơi, nhà hàng, chị đều giữ tâm thế trung dung. “Lúc ấy, chỉ có tôi và tiếng đàn, những thanh âm ồn ã chúc tụng khác đều biến mất” - chị nói. Tôi tưởng tượng đó là một thế giới thuần khiết đến vô thực, không mảy may một hạt bụi. Đẹp vô cùng. Chính nhờ thế giới đó mà chị chưa bao giờ mất lửa với cây đàn. Cũng nhờ vậy, mỗi lần bước lên sân khấu, chị đều thấy mới mẻ như lần đầu. Cảm xúc hồi hộp, lo lắng xen lẫn khát khao được đem tiếng đàn xoa dịu tiếng lòng ngổn ngang của người nghe. Nếu không “thong dong”, không “lắng”, làm sao Dương Thùy Anh có thể neo được tình yêu đó đến hôm nay?

Album này càng đặc biệt vì còn gói ghém tình thương của gia đình và niềm hân hoan của Dương Thùy Anh khi có sự ủng hộ, động viên tinh thần từ người thân. Chữ “Lắng” trên bìa album do cô con gái 13 tuổi của chị thức đến hơn 1 giờ sáng để viết tặng mẹ. Gia đình, với Dương Thùy Anh, luôn là bếp lửa ấm, đầy tiếng reo vui mỗi khi nghĩ về.

Tiếng đàn của ấu thơ

2 con của Dương Thùy Anh đều có khả năng cảm nhạc và chơi nhạc. Dẫu vậy, chị không ép các con theo nghề của mẹ. Vì hơn ai hết, chị hiểu nỗi nhọc nhằn, chông gai của một nghệ sĩ chọn ngách đi hẹp. Chị muốn con nếu thực sự yêu mới nên theo đuổi vì đứng trước thử thách, ngã rẽ, chỉ có tình yêu mới cho ta thêm đôi cánh bay đến những vùng trời rộng mở.

Tựa hồ như chị, thuở bắt đầu làm quen với cây đàn vừa khó để giữ thăng bằng, vừa khó nhớ các biên độ rung, đã chẳng thể yêu nổi. Ở tuổi lên 6, cái tuổi còn ham chơi ham ngủ, mỗi cuộc tập đàn với cô bé Dương Thùy Anh hiếu động là một “cực hình”. Ngồi im thôi đã khó với cái tính nghịch ngợm, đằng này còn phải chú tâm vào cây đàn. Những lần đòn roi không phải hiếm hoi. Song, Dương Thùy Anh biết ơn sự nghiêm khắc và kiên trì của bố - nghệ sĩ đàn nhị Dương Chưởng. Bởi khi bản nhạc đầu tiên chị kéo được đúng độ rung thì tình yêu cây đàn đã thành hình lúc nào không hay. Những giờ tập không còn ám ảnh mà trở nên tự giác và nghiêm túc.

Tình yêu ấy cứ thế lớn dần theo năm tháng, theo những ngày ngồi sau yên xe của bố, những lần xem bố biểu diễn. Tình yêu ấy còn được truyền lại từ bầu nhiệt huyết không bao giờ cạn của bố. Nghệ sĩ Dương Chưởng yêu đàn nhị đến mức ông để con gái đầu theo học violin - cây “nhị” phương Tây - và con gái út - Dương Thùy Anh - học đàn nhị Việt Nam. Có lẽ mong mỏi của ông là để 2 con tiếp nối, lĩnh hội được tinh hoa của 2 loại nhạc cụ này.

Dương Thùy Anh mong mỏi một ngày không xa, khi đủ duyên và tiềm lực, có thể kết hợp cùng chị gái để ra một album như món quà tặng bố. Còn hiện tại, sau 40 năm gắn bó với cây đàn, chị nhìn thấy tình yêu mãnh liệt đó ở các lứa học trò tại khoa nhạc cụ truyền thống. “Tôi thấy niềm vui trong đôi mắt các em. Các em thực sự say mê và muốn tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn nhị” - Dương Thùy Anh tâm sự. Mỗi ngày đứng lớp của chị, do đó, không chỉ là truyền dạy kiến thức mà còn tiếp tục thắp lên tình yêu với cây đàn cò, là kinh nghiệm biểu diễn để “làm sao có nhiều người trẻ biết đến cây đàn càng tốt. Chính các bạn là thế hệ kế thừa, có thể mang tiếng đàn nhị ra thế giới bằng ngôn ngữ thời đại của các bạn”.

Không chỉ người biểu diễn, ngay cả người thưởng thức ngày nay cũng bắt đầu quay lại nâng niu những giá trị thuộc về văn hóa truyền thống, đón nhận những thử nghiệm âm nhạc mới. Theo Dương Thùy Anh, đó là một tín hiệu đáng mừng. Chị bày tỏ hy vọng sản phẩm âm nhạc tiếp theo không phải chờ đến 14 năm nữa và “Có một điều chắc chắn là tôi sẽ tiếp tục bước trên hành trình này”.

 

 

Ý kiến bạn đọc