Người về từ hoang đảo giữa Covid-19

Khám phá Thứ 4, 01/04/2020 21:48:29 PM Theo Vnexpress, National Geographic

"Anh là hành khách duy nhất. Hãy tận hưởng nhé", nhân viên soát vé nói với Pete McBride trước giờ khởi hành.

Dưới đây là chia sẻ của Pete McBride, nhiếp ảnh gia của National Geographic.

Khi cả thế giới ngừng lại, tôi đã không nhận ra bởi đang ở gần Nam Cực, lạc giữa khoảng 200.000 con chim cánh cụt. Đâu đó cách xa hàng nghìn dặm, những đường cao tốc trống trải, máy bay đỗ đầy sân bay, hàng hiệu đóng cửa vì Covid-19. Nhưng lệnh cách biệt cộng đồng chưa có hiệu lực tại góc này của hành tinh.

Khi tôi bắt đầu hai tuần làm diễn giả trên con tàu thám hiểm National Geographic Explorer, trên đường đến Đảo Nam Georgia, chỉ có một số ít ca nhiễm nCoV được ghi nhận ở Argentina hoặc Chile. Khi đại dịch bùng phát, dường như chuyến đi đến vùng xa xôi hẻo lánh của chúng tôi là một lối thoát đúng thời điểm. Hành khách đã được kiểm tra thân nhiệt trước khi khởi hành ở Ushuaia, Argentina và chúng tôi nhanh chóng hướng về quần đảo Falkland. Tôi đã muốn tin, một cách lạc quan, rằng virus sẽ hoành hành suốt chuyến đi và chúng tôi trở về sau khi điều tệ nhất đã xảy ra.

Trước khi đến Falkland, chúng tôi ngạc nhiên trước những đàn hải âu màu đen có sải cánh khổng lồ. Chúng có thể dành đến năm năm trên biển, và bay quãng đường hơn 16.000 km một năm. Khi càng ra xa, chúng tôi đã nhận ra nCoV đang bắt đầu lây lan ở Nam Mỹ. Vài ngày sau, những đỉnh núi của đảo Nam Georgia hiện ra phía chân trời. Ngày 14/3, chúng tôi đặt chân lên bờ, tiến vào một miền đất hoang vu rộng lớn - dường như không bị ảnh hưởng bởi thế giới hiện đại.

Hiển nhiên chúng tôi không phải là những người đầu tiên đến đây. Những nhà thám hiểm, thợ săn hải cẩu hay cá voi đầu tiên đã neo vào hòn đảo này hơn một thế kỷ trước, mang theo những con chuột đã bị tiêu diệt kể từ đó. Quần thể cá voi đang dần hồi phục sau những màn săn bắn bừa bãi vào nửa đầu thế kỷ 20.

Ngày nay, phần lớn khu bảo tồn động vật hoang dã này đã trở lại như xưa. Một thành viên trong đoàn thám hiểm, đến đây vào lần thứ năm, ví hòn đảo như bức tranh cuối cùng của Chúa. Nếu vậy, hẳn nó là một bức tranh ồn ào. Những con cánh cụt hoàng đế, cánh cụt vua, hải cẩu con... cất tiếng kêu như một dàn hợp xướng hỗn loạn của tự nhiên.

Bình nguyên Salisbury trên đảo Nam Georgia là một trong những lãnh địa lớn nhất của cánh cụt hoàng đế - với khoảng 200.000 cá thể. Ảnh: Pete McBride.

Bình nguyên Salisbury trên đảo Nam Georgia là một trong những lãnh địa lớn nhất của cánh cụt hoàng đế - với khoảng 200.000 cá thể. Ảnh: Pete McBride.

Cuộc chiến sinh tồn không bao giờ ngưng nghỉ trong hệ sinh thái khắc nghiệt này, và đó không chỉ là cuộc đấu tranh của thế giới động vật. Chúng tôi theo dấu chân của nhà thám hiểm Ernest Shackleton (1874 - 1922), người nổi tiếng vì sống sót qua mọi thử thách khi con tàu Endurance của ông bị đắm giữa biển Weddell của Nam Cực. Thủy thủ đoàn trụ lại trên biển băng vài tháng, trước khi chèo thuyền đến đảo Elephant để lánh nạn. Cuối cùng, Shackleton và năm người khác đã chèo một con thuyền khoảng 6 mét, qua 1.321 km đến đảo Nam Georgia trong hai tuần. Chỉ hơn một tuần sau, họ tiếp tục vượt qua những dòng sông băng của hòn đảo để đến trạm săn cá voi, và tìm người giúp đỡ cho thủy thủ đoàn bị bỏ lại trên đảo Elephant.

Chúng tôi lần theo những dấu chân cuối cùng trong hành trình của Shackleton, đi qua lũ hải cẩu lông xù gần trạm săn cá voi rỉ sét. Trên một sườn núi đá, tôi kinh ngạc khi nghĩ về lòng quyết tâm sống sót trên hòn đảo biệt lập đến cùng cực của nhà thám hiểm lừng danh. Không chỉ Shackleton mà toàn bộ thủy thủ đoàn, bao gồm cả những người bị mắc kẹt trong bốn tháng trên đảo Elephant, đã vượt qua cuộc phiêu lưu vĩ đại.

Trở về tàu, chúng tôi lại cập nhật những tin tức đáng sợ: bàn tay lạnh lùng của nCoV đã vươn qua Nam Đại Dương. Hàng loạt quốc gia nhanh chóng đóng biên giới và cảng biển, và chúng tôi lo lắng rằng tàu sẽ về quá trễ để có thể neo đậu tại bất cứ đâu. Thật trớ trêu, Shackleton tìm mọi cách để thoát khỏi cô lập, còn giờ chúng tôi - cùng cả thế giới - đang tìm kiếm nó.

Tàu thám hiểm Explorer của National Geographic ra khơi 12 ngày trước khi bị gọi về, ngay khi Argentina và Chile đóng biên giới. Toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có thể cách ly trên thuyền và cuối cùng được xuống đảo Falkland. Ảnh: Pete McBride.

Tàu thám hiểm Explorer của National Geographic ra khơi 12 ngày trước khi bị gọi về, ngay khi Argentina và Chile đóng biên giới. Toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có thể cách ly trên thuyền và cuối cùng được xuống đảo Falkland. Ảnh: Pete McBride.

Ngày 17/3, Chile và Argentina đã đóng mọi cảng biển. Mặc dù Falklands thuộc Anh cũng có động thái tương tự, chúng tôi đến cảng Stanley an toàn. Từ đó, tôi đi một loạt các chuyến bay từ quần đảo Falkland đến São Paolo, Brazil, và sau đó đến Chicago để đón chuyến bay cuối cùng về Colorado. Đi qua những sân bay gần như trống không, tôi nhìn thấy ai nấy đều đeo khẩu trang và mang nước rửa tay. Khi tôi lên chuyến bay cuối cùng, nhân viên sân bay hỏi tên tôi và mỉm cười: "Anh là hành khách duy nhất. Hãy tận hưởng nhé!".

Phi hành đoàn, những người vẫn bay tới Colorado dù tôi có lên máy bay hay không, mời tôi ngồi bất kỳ đâu mình muốn, phục vụ thêm đồ ăn nhẹ vô tận và một bộ quà lưu niệm nhỏ cho trẻ em. Chúng tôi cùng chụp ảnh tự sướng.

Pete McBride là hành khách duy nhất trên chuyến bay đến Colorado ngày 20/3. Ảnh: Pete Mc Bride.

Pete McBride là hành khách duy nhất trên chuyến bay đến Colorado ngày 20/3. Ảnh: Pete Mc Bride.

Khi tôi rời khỏi nhà, thế giới vẫn đang bị chôn vùi trong nhịp sống bận rộn, và tôi rất háo hức tận hưởng nỗi cô độc giữa miền hoang dã của Nam Georgia. Ngày về, tôi trở lại một thế giới khác - nơi hoàn toàn yên tĩnh vì Covid-19. Lúc ấy, bản nhạc của đàn chim cánh cụt vang lên trong đầu tôi.

Giống như mọi người khác vừa đi xa về, tôi phải tự cách ly và cách biệt cộng đồng, gọi video cho gia đình và bạn bè. Thật mừng khi mọi người đều bắt máy. Chúng tôi trò chuyện về nỗi sợ hãi và hoang mang. Theo cách riêng của mỗi người, chúng tôi đều khám phá lãnh thổ mới và yêu sự tĩnh lặng.

Ý kiến bạn đọc