Chuyện 24h Thứ 4, 29/09/2021 22:10:53 PM Theo Vnexpress
Gia đình Nguyễn Văn Tỵ cho rằng Sotheby’s Hong Kong bán tác phẩm sao chép bức "Nhà tranh gốc mít" của cố họa sĩ.
Chuẩn bị cho phiên đấu giá Ngày giảm giá nghệ thuật hiện đại vào ngày 10/10, Sotheby’s đăng trên website bức bình phong sơn mài gỗ L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 HKD (2-2,9 tỷ đồng). Ở phần ghi chú, họ viết: "Tác phẩm này tương đương bức Nhà tranh gốc mít (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội".
"L'image traditionnelle d'une maison de paysan" kích thước 90x118,5 cm do Sothebys đấu giá. Ảnh: Sothebys
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định tác phẩm do Sotheby’s đấu giá là giả. "Bố tôi không làm bức bình phong tranh gốc mít nào như vậy cả. Họ chép lại rồi lấy tên ông gắn vào là không được phép", chị nói. Họa sĩ cho biết bố chị chỉ sáng tác Nhà tranh gốc mít, kích thước 67x105 cm, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Gia đình mong muốn nhà đấu giá gỡ tác phẩm hoặc không đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết bảo tàng mua tác phẩm năm 1960, sau khi bức sơn mài đoạt giải A tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Hiện bức này được lưu giữ, trưng bày tại đây. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét bức tranh mang vẻ đẹp đằm thắm, sâu sắc và có đường nét sắc sảo. Trong khi tác phẩm do Sotheby's rao bán khá mới, màu sắc rực rỡ, cách làm sơn mài vụng về.
Tác phẩm "Nhà tranh gốc mít" được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Ghi chú "tương đương" (Comparable to) của nhà đấu giá được ông Khôi gọi là "lập lờ đánh lận con đen". Còn ông Minh nói: "Trong nghệ thuật không có khái niệm tương đương, chỉ có tranh gốc, tranh giả và tranh nhái. Họ viết như thế là đánh tráo khái niệm, lừa đảo. Ngoài ra, bản gốc chỉ gồm một tấm, không phải ba tấm như Sotheby's đăng tải".
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng gia đình có quyền nhân thân, vì vậy, họ có thể viết thư phản hồi, cung cấp bằng chứng xác thực cho Sotheby's. Nhà đấu giá có thể gỡ tác phẩm để bảo vệ danh tiếng. Ông nói: "Nhiều đơn vị họ cứ mặc kệ, để đó thì mình cũng không làm gì được. Ở Việt Nam không có tổ chức hay các điều luật chặt chẽ, rõ ràng để bảo vệ tác quyền cho các họa sĩ. Đó cũng là lý do tranh thời kỳ Đông Dương bị giả rất nhiều. Sàn đấu giá chỉ như cái chợ, có tiền là họ bán thôi". Trước đó, ông Pierre Lê Tân - con trai họa sĩ Lê Phổ - nhiều lần lên tiếng khi thấy tranh giả của cha.
Hiện nhà đấu giá chưa phản hồi. Gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho biết không có ý định liên hệ Sotheby's, chỉ muốn thông tin sự việc để công chúng biết. Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói chỉ có trách nhiệm xác thực tác phẩm gốc, không liên hệ, phản hồi với nhà đấu giá.
Vấn nạn tranh giả của các danh họa Việt Nam tại sàn đấu giá thế giới tồn tại lâu nay. Gần đây, khi theo dõi loạt tác phẩm chuẩn bị cho phiên đấu giá ngày 16/10 của Linda Trouvé, ông Kim Khôi phát hiện nhiều tranh giả của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông đã phản hồi với bên nhà đấu giá, hy vọng họ gỡ xuống. "Mấy bức đó xấu lắm, không thể nào tưởng tượng được là của danh họa Bùi Xuân Phái. Tôi không thể chấp nhận nên đã phản hồi với ban tổ chức", ông cho biết. Ông mong muốn Việt Nam có các chuyên gia, hội đồng thẩm định các tác phẩm, có ý kiến phản hồi để dần loại bỏ tình trạng này.
Trước đó, hồi tháng 9/2019, Sotheby’s Hong Kong rút hai bức Lá thư (Tô Ngọc Vân) và Hai cô gái (Trần Văn Cẩn) khỏi phiên đấu giá vì bị cho là tranh giả. Bức Family Life (Đời sống gia đình) của Lê Phổ cũng bị giới chuyên môn nghi là tranh giả dù bán với giá 1,1 triệu USD.
Năm 2016, Christie’s bán bức Thuyền trên sông Hương của Tô Ngọc Vân với giá 57.000 USD và Lady of Hue của Lê Văn Đệ với giá 89.000 USD. Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng treo hai bức tranh giống hệt. Phía bảo tàng nói họ mua bức của Tô Ngọc Vân năm 1965 và bức của Lê Văn Đệ năm 1976. Ông Tô Ngọc Thành - con trai danh họa Tô Ngọc Vân - cho biết hai bức tranh trên được sao chép nhiều lần, rất khó để có thể xác định bức nào là nguyên mẫu.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917-1992), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các bức sơn mài: Nhà tranh gốc mít - 67x105cm (1958), Du kích Bắc Sơn - 86x121cm (1958), Bắc Nam một nhà - 86x56cm (1961).
Tin cùng mục Chuyện 24h
Tin mới nhất