Hậu trường Thứ 6, 12/11/2021 21:12:38 PM Theo Người Lao động
Nhạc sĩ Hoài An cho biết hiện anh có khoảng 30 ca khúc mới chờ dàn dựng và đang làm album "Thơ ca" - nhạc phổ thơ hơn 12 bài...
Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ thẳng thắn về thị trường âm nhạc hiện tại
Tái xuất trong chương trình "The cover show" (phát sóng trên kênh VTV3) mới đây, nhạc sĩ Hoài An đã giải thích tin đồn rằng anh "mất tích vì hết thời". Phóng viên Người Lao Động đã trao đổi với nhạc sĩ Hoài Anh xung quanh chủ đề này.
+ Phóng viên: Đã khá lâu rồi, nhạc sĩ Hoài An không xuất hiện nhiều trên thị trường nhạc Việt. Có thay đổi nào trong công việc của anh?
- Nhạc sĩ Hoài An: "Thị trường" cũng có 5-7 hướng, tôi có con đường riêng của mình nên cứ thoải mái và bình tĩnh đi. Đến năm 2021, tôi có khoảng 700 bài hát đã phát hành, có lẽ 70% là tình ca đôi lứa, ngoài ra còn có các nhóm tác phẩm về thanh niên tình nguyện, thiếu nhi - tuổi hồng, sử ca, tình yêu quê hương - đất nước - con người, âm hưởng dân gian… 15 năm nay, bên cạnh các bài Ballad, R&B, EDM, Latin…, tôi có thêm nhiều bài có chiều sâu và bản thân cảm thấy hài lòng với điều đó.
Tôi có khoảng 10 năm (2006-2016) hầu như chỉ làm nhạc cho các ca sĩ hải ngoại, sau đó lại thêm 4-5 năm "cày" các gameshow âm nhạc trên VTV, HTV, THVL với vai trò giám đốc âm nhạc, giám khảo, huấn luyện viên… Vì vậy, nếu nói về thị trường với một Hoài An chuyên viết tình ca như đầu những năm 2000 thì công việc hiện nay của tôi rất khác, kể cả chủ đề sáng tác cũng khác nhiều. Quan trọng là tôi vẫn chủ động trong công việc của mình.
+ Âm nhạc vẫn là công việc chính của anh?
- Tôi tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành lập trình máy tính, nhiều năm gắn bó việc viết code. Tuy nhiên, kiến thức các nền tảng mới nhiều và thay đổi nhanh nên nếu giờ trở lại ngành, tôi chỉ có thể làm tốt nhất ở vị trí sales vì hiểu công nghệ và có kinh nghiệm "deal" với khách hàng. Cũng nhờ máy tính mà tôi có thêm nghiệp vụ làm báo khi lần lượt làm biên tập viên cho các tờ eChip, Sóng nhạc, Âm nhạc Việt Nam và một số trang tin điện tử khác. Nghe có vẻ không liên quan nhưng nếu thật bỏ hẳn nghề nhạc và máy tính, tôi vẫn có thể ra sân dạy võ kiếm sống và ổn.
Tuy nhiên, giữa 3 niềm đam mê máy tính, thể thao và âm nhạc, tôi đã chọn cái cuối cùng từ khi còn học đại học. Bởi lẽ, âm nhạc (sáng tác ca khúc, biểu diễn nhạc cụ, sản xuất chương trình…) cho tôi niềm vui trong cuộc sống, chủ động được thời gian và nhiều điều nữa
Hoài An khẳng định chưa từng "mất tích" và cũng không bận tâm đến khái niệm "hết thời"
- Trong âm nhạc, có sự lỗi thời không, thưa anh?
- Giữa các thế hệ luôn có văn hoá, môi trường, thậm chí là "ngôn ngữ", cách thức biểu lộ cảm xúc… rất riêng, nên khoảng cách giữa các thế hệ luôn ở đó. Âm nhạc (ca khúc) gồm hai yếu tố là âm nhạc và tư tưởng, thông điệp (lời). Các nhạc sĩ chuyên nghiệp có thể nói là muốn viết gì cũng được, quan trọng là họ có muốn viết hay không. Thế nên, một nhạc sĩ U50 sẽ hiếm khi viết về tình yêu tuổi mới lớn, và ngược lại một nhạc sĩ trẻ sẽ ít khi viết về sự trải nghiệm cuộc đời. Mà ít không có nghĩa là không có, như "Nếu chỉ còn một ngày để sống" tôi viết khi mới 29-30 tuổi, sẽ không lỗi thời.
Nhìn chung, âm nhạc cũng như cuộc sống luôn vận động và phát triển. Vườn hoa muốn đẹp thì nên đa dạng chủng loại, phong phú màu sắc. Nếu hát những bài "rên rỉ than khóc" hoài cũng không nên, mà "oh yeah" suốt ngày cũng mệt, nên hợp thời hay lỗi thời là tuỳ người, tuỳ thời điểm. Còn ưu điểm của nhạc sĩ là theo thời gian, trải nghiệm cuộc sống càng nhiều thì tác phẩm càng thêm sâu sắc.
Tâm cảnh, nội tại của tôi chỉ xúc động trước những điều xứng đáng (theo quan điểm cá nhân của tôi) như tình người trong hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh… Còn lỗi thời - hợp thời thật lòng là tôi không để ý luôn, nói gì tới buồn.
Điều quan trọng nhất là anh vẫn làm việc miệt mài và có những sản phẩm mới
+ Một thời, cái tên Hoài An là thương hiệu nhưng nay, anh không còn được nhắc nhiều hay là sự lựa chọn tuyệt đối của nhiều ca sĩ. Anh có buồn vì điều đó không?
- Chỉ trong khoảng 8 năm, từ 1998 đến 2005, tôi đã có rất nhiều hoạt động âm nhạc thuộc dạng "bề nổi". Sau đó, tôi thấy không cần thiết và không nên tiếp tục con đường đã qua (dù đã và đang thành công). Ngắn hạn hay dài hạn, thị trường hay chuyên môn, rất khó để cân bằng nhưng con đường tôi đi là: hướng tới chiều sâu thông điệp trong tác phẩm…
+ Nhận định của anh về âm nhạc thời hiện tại? Nhiều người ở thế hệ trước thẳng thắn bày tỏ sự e ngại với sáng tác mới. Riêng anh nghĩ thế nào?
- Điều tôi e ngại là câu từ một số bài nghe "căng" quá, không biết ảnh hưởng thế nào nếu con nít nghe được? Âm nhạc hiện nay nhìn chung phóng khoáng về tiết tấu, ít biến hoá về giai điệu. Có một số ca khúc pha chất liệu dân gian lạ tai, tôi thích nhưng hơi tiếc là chưa phát triển, khai phá hết các biến tấu… Tuy nhiên, tôi tin rằng với điều kiện tốt như hiện nay, các bạn trẻ sẽ sớm tìm ra con đường sáng tác riêng của mình. Nếu nói thị trường âm nhạc là tảng băng trôi thì phần nổi, tôi thấy có 3 hình tượng mới: hài hước đáng yêu, sống thật sống "chất", và… "bad boy".
Với nhạc sĩ Hoài An, âm nhạc của hiện tại hơi "căng"
+ Với anh, giá trị âm nhạc được định nghĩa như thế nào?
- Muốn đi rộng thì cần âm nhạc "bắt tai", muốn đi sâu và lâu dài thì cần thông điệp (lời) hay, ý nghĩa. Bài "hit" được là tốt rồi, tồn tại được bao nhiêu tháng hay 1 năm, 10 năm… thì chờ thời gian trả lời. Một số kênh của ca sĩ gần đây bị "sập" do "đua" view, like, subcribe… ảo. Rồi hiện tượng "đầu tư" cho các clip online nhưng khi hát thật trên sân khấu thì rất yếu, không đủ khả năng hát live với ban nhạc. Nếu đi hướng này thì giá trị ảo quá.
Tôi thường thích nghe các ca sĩ phòng trà, bar… vì họ có nội lực và kinh nghiệm thực tế, máu lửa. Tôi thấy phong trào ca sĩ hát live với nhạc cụ acoustic và full band đang phát triển tốt. Tôi rất mong khoảng 2 năm nữa, các chương trình đều dùng live band, lúc đó sân khấu ca nhạc mới thật sự sống lại.
+ Nhạc sĩ Hoài An có kế hoạch mới mẻ trong thời gian tới không?
- Trước dịch, tôi có một ca khúc rất tâm đắc là "Tiếng Việt" (Võ Hạ Trâm), với chất liệu dân gian và nhiều hình ảnh về quê hương đất nước. Khoảng tháng 3-2020, tôi viết "Áo trắng áo xanh" cảm tạ các y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch, được rất nhiều ca sĩ thể hiện, có nhiều phiên bản. Bên cạnh đó, tôi có thêm khoảng 30 ca khúc mới cũng đang chờ dàn dựng…Ngoài ra, tôi đang làm album "Thơ ca", nhạc phổ thơ hơn 12 bài của nhà thơ Lâm Xuân Thi.
Đến tuổi này, anh vẫn phải học online để "còn làm nghề"
+ Cuộc sống của anh hiện thế nào?
- Tôi dành nhiều thời gian online học hỏi thêm về âm nhạc và công nghệ. Giải trí thì tôi đọc truyện là nhiều nhất, ngoài ra còn xem film và tin tức…Tôi bắt đầu có lại cảm hứng chơi nhạc như cuối cấp 2. Khoảng năm 2019, tôi bắt đầu ôm lại cây guitar điện, sau khoảng 20 năm hầu như "bỏ bê".
Bên cạnh đó, tôi tìm hiểu nhiều về nhạc cụ dân tộc, qua 2 năm 2020-2021 thì tạm thời biết thêm đàn nguyệt, tỳ bà, và tranh. Thời gian tôi tập thật sự rất ít nhưng có lẽ nhờ tình yêu âm nhạc dân gian nên tôi học khá nhanh. Điều này giúp tôi nhiều trong việc sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian trong sáng tác, phối khí, và cả dàn dựng chương trình.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất