Nhân chứng giấu mặt vụ án Jang Ja Yeon: Người tạo 'hiệu ứng cánh bướm' chấn động Hàn Quốc

Starlight Thứ 7, 23/03/2019 21:26:17 PM Theo iOne, Insight

Sự dũng cảm của Yoon Ji Oh đã làm nên "kỳ tích" trong cuộc điều tra bế tắc, đồng thời dấy lên làn sóng chống tiêu cực mạnh mẽ trong giới chính trị và làng giải trí Hàn Quốc.

Nữ diễn viên Jang Ja Yeon (1980-2009).

Diễn viên Jang Ja Yeon tự tử ngày 7/3/2009, để lại bức thư tố cáo nhiều nhân vật quyền lực trong giới kinh doanh, chính trị từng lạm dụng tình dục cô. Cơ quan điều tra nhiều lần lật lại vụ án nhưng không ai bị kết tội vì thiếu chứng cứ.

10 năm trôi qua, trong tình thế vụ án sắp hết hạn kháng án (31/3), Yoon Ji Oh - một người bạn thân kiêm đồng nghiệp của Jang Ja Yeon khi còn sống - đã dũng cảm đứng ra làm chứng. Từ một cuộc điều tra đi vào bế tắc, hành trình đi tìm công lý cho Jang Ja Yeon có thêm nhiều hi vọng. Nhà báo Se Young của tờ Insight bình luận về "hiệu ứng cánh bướm Yoon Ji Oh": "Những lời nhận xét dũng cảm của một người đã mang đến một sự thay đổi cho Hàn Quốc". 

Yoon Ji Oh lộ diện

Yoon Ji Oh là nhân chứng giấu mặt từng 13 lần trình lời khai lên văn phòng công tố, nhưng nhiều năm qua lời khai của cô không được ghi nhận vì nhiều lý do. Ngày 5/3, trên một radio show của TBS, cô chính thức lộ diện sau gần một thập kỷ che giấu thân phận. Kể từ đây, cô công khai đấu tranh đòi công lý cho Jang Ja Yeon, dù thừa nhận rằng hành động của mình như "trứng chọi đá".

Ngày 15/3, Yoon Ji Oh đã cùng một nhóm bảo vệ phụ nữ Hàn Quốc tổ chức buổi họp báo tại Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Sejong, Seoul. Tại đây, Yoon khẳng định rằng cái chết của Jang Ja Yeon không phải là vụ tự tử đơn thuần, bức thư tố cáo cũng không phải là "thư tuyệt mệnh" mà là "sự thật được ghi chép lại". Yoon Ji Oh còn trực tiếp nhắc đến Kim Hak Eui, là cựu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, người có hành động cản trở điều tra vụ án Jang Ja Yeon. 

Các phóng viên đã cố gắng thuyết phục Yoon Ji Oh tiết lộ về những cái tên trong danh sách những "ông lớn" đã lạm dụng Jang Ja Yeon nhưng cô từ chối: "Tôi đã nói tất cả mọi thứ cho bên công tố. Như các bạn đã biết, tôi đã gặp nhiều khó khăn cho việc làm chứng trong suốt 10 năm qua. Tôi đã bị theo dõi và phải chuyển nhà nhiều lần, thậm chí tôi còn bị cưỡng chế phải ra nước ngoài. Tôi không phơi bày những cái tên đó trên báo chí không phải bởi vì tôi muốn bảo vệ họ mà là để chuẩn bị kỹ càng hơn cho những lời khai sắp tới cũng như cho cuộc chiến dài kỳ có thể kết thúc bất cứ lúc nào".

Sự xuất hiện của Yoon Ji Oh - trong tình cảnh bất chấp nguy hiểm tính mạng - đã khiến dư luận dậy sóng, gây sức ép đến các cơ quan chức năng. Cục Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc cũng nhanh chóng chấp thuận đề nghị từ Yoon và lập kế hoạch bảo vệ nhân chứng quan trọng. 

Hơn 680.000 người ký đơn kiến nghị

Yoon Ji Oh được ví như ánh sáng le lói nơi cuối đường hầm trong vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Khởi đầu của "hiệu ứng cánh bướm" cô tạo nên chính là sức mạnh đoàn kết khổng lồ, nơi hàng trăm nghìn người cùng đồng lòng đấu tranh với nhau.

Hàng trăm nghìn người đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi lên Nhà Xanh, thỉnh cầu chính phủ tiếp tục đưa vụ án ra ánh sáng, trừng trị đích đáng những kẻ gây tội. Trên thực tế, nhiều năm nay người dân Hàn vẫn đều đặn làm đơn kiến nghị yêu cầu điều tra lại cái chết Jang Ja Yeon. Tuy nhiên chưa có lần nào làn sóng kêu gọi lại mạnh mẽ như năm nay, lan ra cả một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Cho đến chiều ngày 22/3, đơn thỉnh cầu điều tra lại vụ án Jang Ja Yeon đã có hơn 684.000 chữ ký.

Công điện của Tổng thống

Nhận thấy sự nghiêm trọng của các bê bối gây rúng động làng giải trí Hàn Quốc, ngày 18/3, Tổng thống Moon Jae In đã có cuộc họp kéo dài 1 tiếng đồng hồ với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Park Sang Ki và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội vụ Kim Boo Gyum. Ngay sau đó, Tổng thống ra công điện khẩn, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra thật kỹ lưỡng cả những vụ việc chấn động đất nước: Burning Sun - Jang Ja Yeon - Kim Hak Eui.

Nhờ một câu nói của Tổng thống, ngay trong buổi chiều 18/3, tại cuộc buổi họp định kỳ được tổ chức tại tòa nhà chính phủ Gwacheon, Ủy ban các vấn đề quá khứ thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã chấp nhận bản kiến nghị gia hạn vụ án của Jang Ja Yeon do Văn phòng công tố tối cao đề lên. Như vậy, cuộc điều tra về cái chết nữ diễn viên quá cố sẽ hoạt động thêm 2 tháng, đến ngày 31/5. 

Đây được cho là động thái chính phủ trả lời dư luận khi đơn kiến nghị lên Nhà Xanh yêu cầu điều tra lại vụ án của nữ diễn viên quá cố đã đạt hơn 652.000 chữ ký (tới ngày 18/3).

Bộ trưởng tư pháp và bộ trưởng An ninh nội vụ cúi đầu xin lỗi vì những bê bối trong làng giải trí Hàn.

Tại buổi họp báo ngày 19/3, bộ trưởng Tư pháp Park Sang Ki cũng thừa nhận trong những năm qua, cơ quan công tố và cảnh sát làm việc không nghiêm minh, cản trở phơi bày chân tướng vụ án Jang Ja Yeon, gây phẫn nộ trong dư luận. Ông nhấn mạnh trong hai tháng mở rộng điều tra, công tố viên nhất định dốc sức làm rõ vụ án, đặc biệt là việc tìm ra các thế lực đứng sau cái chết nữ diễn viên xấu số.

Ông Park còn đề cập việc cựu thứ trưởng Tư pháp Hàn Quốc - Kim Hak Eui - bị cáo buộc từng nhận hối lộ tình dục, cản trở điều tra vụ án Jang Ja Yeon và khẳng định làm rõ vấn đề này.

Kim Hak Eui - cựu thứ trưởng Tư pháp

Cựu thứ trưởng Bộ tư pháp Kim Hak Eui bị điều tra lại vụ bê bối tình dục. Ông cũng là người đã cản trở cuộc điều tra vụ án Jang Ja Yeon năm 2010.

"Hiệu ứng cánh bướm Yoon Ji Oh" khiến dư luận vô cùng phẫn nộ trước những tình trạng tiêu cực của giới chính trị và giải trí, trong đó có vụ bê bối tình dục của chính trị gia Kim Hak Eui. Theo Yoon Ji Oh, nhân vật này cũng là người đã dùng quyền lực của mình gây cản trở cuộc điều tra vụ án Jang Ja Yeon, bao che cho nhiều nghi phạm khác vào năm 2010.

Kim Hak Eui được chính quyền cựu Tổng thống Park Geun Hye bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ tư pháp vào tháng 3/2013. Ngay sau đó, Kim Hak Eui vướng phải bê bối khi nhận cáo buộc "hối lộ" cho các quan chức cấp cao bằng một "bữa tiệc sex" và phải từ chức. Theo các báo cáo, có khoảng 30 phụ nữ bị đánh thuốc mê và bị các quan chức cưỡng hiếp trong một biệt thự tại tỉnh Gangwon năm 2009. Ông Kim cũng từng bị tố cáo quấy rối tình dục nhiều lần, thậm chí có cả video đang gợi dục nạn nhân. Tuy nhiên, năm 2013 công tố viên đã xóa bỏ cáo buộc và khép lại vụ án.

Nhân chứng (mặc áo đen) trong vụ án quấy rối tình dục của Kim Hak Eui.

Tháng 4/2018, cuộc điều tra Kim Hak Eui được lật lại trong bối cảnh làn sóng đầu tranh #Metoo bùng nổ mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Đến tháng 3 năm nay, sự can đảm của Yoon Ji Oh đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều nạn nhân năm xưa từng bị Kim Hak Eui lạm dụng. Trong cuộc họp báo của Yoon Ji Oh ngày 15/3, cô A, một nạn nhân của cựu thứ trưởng Bộ tư pháp, cũng xuất hiện trong diện mạo trùm kín mít nhằm không bị nhận diện và bảo toàn tính mạng. A. nói rằng bây giờ cuộc sống cô vẫn rất khó khăn sau nhiều năm bị Kim Hak Eui cưỡng hiếp: "Mối đe dọa và sức mạnh đáng sợ của họ đến mức tôi đã chọn chết một vài lần nhưng lại sống sót. Không nên tha thứ cho họ".

Với sự thúc giục của Tổng tống Moon Jae In cùng lời hứa từ bộ trưởng tư pháp Park Sang Ki, người dân Hàn hi vọng vụ án Kim Hak Eui sẽ được điều tra "đến nơi đến chốn". Báo Hàn đưa tin, ông Kim đã được gọi lên Văn phòng công tố Seoul để thẩm vấn vào tuần trước nhưng không xuất hiện. Cũng như vụ án Jang Ja Yeon, vụ án Kim Hak Eui sẽ được gia hạn thêm 2 tháng.

Cái chết bí ẩn của cảnh sát Lee

Cảnh sát Lee Yong Jun của sở cảnh sát Gangnam.

Trên thực tế, vụ án Jang Ja Yeon và vụ án Burning Sun không hề có mối liên quan trực tiếp nào. Tuy nhiên, điểm chung lại là những vấn đề tiêu cực về tình trạng lợi dụng chức quyền, bao che cho kẻ gây tội - gây nhức nhối dư luận. Trước khi Yoon Ji Oh lộ diện, nỗi oan khuất của Jang Ja Yeon gần như có nguy cơ bị "chìm xuồng" trước cơn bão bê bối Burning Sun của Seung Ri, Jung Joon Young.

Nhà báo Se Young của Insight cho rằng, sự lên tiếng của Yoon Ji Oh đã khiến công chúng dậy sóng, gây sức ép khiến Tổng thống, chính phủ vào cuộc. Qua đó, vụ án Burning Sun cũng được ra lệnh điều tra kỹ lưỡng, nghiêm ngặt hơn. 

Báo chí và công chúng cũng đặt nghi vấn về những "thế lực ngầm" đứng sau giới giải trí và ngành kinh doanh hộp đêm ở Gangnam. Phải chăng các quan chức, chính trị gia, cảnh sát cũng nhúng tay bao che cho những hoạt động phạm pháp tại khu ăn chơi "khét tiếng" Seoul?

Từ đây, cái chết bí ẩn của cảnh sát Lee Yong Jun năm 2010 cũng được người Hàn nhắc lại. Tháng 7/2010, cảnh sát Lee thực hiện cuộc điều tra độc lập về nạn ma túy - mại dâm tại các cơ sở giải trí người lớn ở Gangnam. Anh nghi ngờ có sự bảo kê từ chính nội bộ cảnh sát cho ngành công nghiệp khổng lồ này. Ngày 29/7 năm đó, Lee Yong Jun được phát hiện đã chết tại một hồ nước ở Chungbuk. Mặc dù cảnh sát kết luận là tự tử nhưng phía gia đình vẫn cho rằng con trai mình bị ám sát.

Vụ án hình sự này tưởng như đã bị lãng quên, bỗng được thổi bùng lên trước sức ảnh hưởng của vụ án Jang Ja Yeon và Burning Sun. Nhiều người nghi ngờ cái chết của Lee có liên quan đến tình trạng cảnh sát thông đồng bao che cho ngành buôn ma túy - mại dâm ở Gangnam. Đến nay, đơn kiến nghị "Xin hãy làm sáng tỏ cái chết của thám tử Lee" gửi lên Nhà xanh đã nhận được gần 40.000 chữ ký.

Ý kiến bạn đọc