Khám phá Thứ 6, 18/09/2020 21:10:41 PM Theo Vnexpress, CNN
Có những vi quốc gia biến mất vì bán cho nước khác, có nơi số phận lại được quyết định nhờ một công chúa chào đời.
Bản đồ thế giới trông có vẻ cố định, trên thực tế những đường biên giới liên tục thay đổi do địa chất, chính trị, xung đột... Trong cuốn sách Bản đồ các quốc gia đã biến mất của nhà văn Gideon Defoe, lý do dẫn đến tình trạng hình thành - biến mất của các quốc gia không phải lúc nào cũng là kết quả của quan hệ ngoại giao, hiệp ước hòa bình... Chúng có thể là kết quả của một lý do ngớ ngẩn hoặc câu chuyện kỳ quặc.
"Khi còn nhỏ, việc khám phá ra rằng hình dạng các nước trên bản đồ không phải lúc nào cũng giống nhau khiến đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi từng nghĩ đó là những câu chuyện về vương quốc mất tích như Atlantis. Nhưng không phải vậy, có những câu chuyện còn ngớ ngẩn, bất ngờ hơn nhiều", Gideon nói trên CNN.
Cộng hòa Sonora là một ví dụ. Đó là vùng duyên hải rộng lớn của Mexico ngày nay. Mùa hè năm 1853, nhà thám hiểm Mỹ William Walker đến thành phố Guaymas xin trợ cấp từ chính phủ Mexico để thành lập một thuộc địa. Mảnh đất này sẽ là biên giới bảo vệ đất Mỹ khỏi các cuộc tấn công của người bản địa. Mexico từ chối, Walker dẫn theo một đội quân 50 người để tự lập quốc gia theo ý mình, tuyên bố khai sinh ra Cộng hòa Sonora.
Cuối cùng, đội quân của Walker tan rã khi chỉ còn 30 người vì bệnh tật, đào ngũ và biến thành... cướp. "Nhà lập quốc" Walker được đưa về Mỹ để xét xử. Walker được thả tự do sau 8 phút điều trần tại tòa. Nguyên nhân Sonora trở thành vong quốc, theo Gideon chính là "chẳng ai coi trọng nó".
Suốt chiều dài lịch sử thế giới, rất nhiều quốc gia mới xuất hiện, và bị loại bỏ chỉ trong vài năm, thậm chí vài ngày, sau đó hoàn cảnh lại thay đổi. Ảnh: CNN
Một câu chuyện thú vị khác là về quốc gia trung lập Neutral Moresnet (1816-1919), nước nhỏ nhất châu Âu với diện tích gần 3,5 km2. Nó hình thành khi hai nước láng giềng là Bỉ và Phổ không thống nhất được việc bên nào sở hữu vùng đất này. Do vậy, chính phủ hai nước quyết định biến nó thành vùng trung lập, nơi hai bên toàn quyền như nhau. Neutral Moresnet biến mất vào cuối Thế chiến thứ nhất, sau hơn một thế kỷ tồn tại vì được sáp nhập vào Bỉ.
Đề cập tới Neutral Moresnet, Gideon nói: "Đó là nơi mà một vài cậu bé tranh nhau và không thể thống nhất được ai là người sở hữu một dải đất. Vì vậy họ quyết định nó không thuộc về ai, và chẳng ai hỏi những người đang sống trên mảnh đất đó nghĩ gì".
Moresnet ngày nay là một phần của Bỉ. Ảnh: CNN
Một sự hình thành quốc gia thú vị khác là khoa phụ sản của bệnh viện Ottawa Civic. Tháng 6/1940, người thừa kế ngai vàng Hà Lan, Nữ hoàng Juliana và hai cô con gái nhỏ đặt chân tới Canada. Khi ấy, Hà Lan bị Đức chiếm đóng, họ phải chạy trốn.
Khi biết tin công chúa Juliana mang thai, chính phủ Canada tuyên bố phòng hộ sinh của bệnh viện là lãnh thổ tạm thời của Hà Lan, để em bé hoàng gia khi sinh ra ở đây có đầy đủ điều kiện để mang quốc tịch của mẹ. Ngày 19/1/1943, công chúa Margriet Francisca ra đời tại bệnh viện trong bối cảnh đặc biệt.
Có nhiều quan điểm trái chiều về hành động lịch sử này của xứ sở lá phong. Luật quốc tịch Hà Lan được lập chủ yếu dựa trên nguyên tắc huyết thống, con cái sinh ra mang quốc tịch cha mẹ. Do đó, việc biến phòng hộ sinh thành một phần thuộc lãnh thổ Hà Lan để công chúa Margriet được mang quốc tịch mẹ là không cần thiết.
Công chúa Margriet Francisca là em bé hoàng gia đầu tiên được ra sinh ở Bắc Mỹ và xếp thứ 8 trong dòng kế vị ngai vàng của Hoàng gia Hà Lan. Ảnh: Unofficial Royalty
Tuy nhiên, nhiều người phủ nhận ý kiến trên, cho rằng hành động của chính phủ là cần thiết. Luật quốc tịch Canada được lập dựa trên nguyên tắc nơi sinh, nghĩa là ai sinh ra trên lãnh thổ nước nào là công dân nước đó. Do vậy, việc tạm thời không công nhận lãnh thổ tại phòng hộ sinh là nhằm giúp công chúa Margriet không phải mang quốc tịch Canada.
Bất chấp cuộc tranh cãi về sự kiện này, không ai có thể phủ nhận ca sinh nở lịch sử của Nữ hoàng Juliana đã giúp mối quan hệ giữa hai nước Cananda - Hà Lan bền vững đến ngày nay.
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất