NTK Trương Thanh Hải từ chối cho thuê váy cưới

Thời trang Thứ 5, 05/11/2020 23:28:12 PM Theo Ngôi sao

Trương Thanh Hải muốn từng váy cưới mình làm ra là tác phẩm nghệ thuật độc nhất, được cô dâu gìn giữ trong tủ áo và mỉm cười hạnh phúc khi nhìn lại sau nhiều năm.

NTK Trương Thanh Hải xuất thân từ nhiếp ảnh gia, từng cộng tác với nhiều tạp chí hàng đầu Việt Nam khi mới 18 tuổi. Năm 2000, anh đánh dấu vai trò mới - NTK qua bộ sưu tập đầu tiên trong khuôn khổ Vietnam Fashion Week lần 1/2001. Năm 2004, anh sang Pháp học về chuyên ngành Kỹ thuật cắt may và nghiên cứu về nhiếp ảnh của Pháp. Các bộ sưu tập thời trang, đặc biệt là váy cưới, áo dài cưới của anh đều được giới mộ điệu đánh giá cao và công chúng đón nhận rộng rãi.

Trương Thanh Hải luôn hướng tới việc thiết kế, may đo theo nhu cầu của cô dâu. Với các yêu cầu đặc biệt, anh sẽ cùng cô dâu trao đổi, từ đó tạo nên thiết kế mới và độc nhất, hiện thực hóa "váy cưới trong mơ" của cô dâu.

'Tôi muốn áo cưới vượt khỏi giới hạn của nó, trở thành tác phẩm nghệ thuật'

- Trong một năm ảm đạm với ngành cưới nói chung và thời trang cưới nói riêng vì Covid-19, thương hiệu của anh đã làm gì để đứng vững?

- Thương hiệu của tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì một bộ phận khách hàng là người Việt sinh sống ở nước ngoài, các lễ cưới bị hoãn do dịch bệnh. Với kinh nghiệm 20 năm trên thị trường thời trang nên chúng tôi đã có những dự đoán từ trước và cố gắng tập trung đến những khách hàng sẽ cưới vào dịp cuối năm tại Việt Nam. Cũng may mắn vì tình hình dịch được kiểm soát tại Việt Nam, chúng tôi có thể may những chiếc áo cưới thật nhanh, thay vì mất 60 ngày như trước đây để các cô dâu bắt kịp kế hoạch tổ chức của mình.

- Ở bộ sưu tập váy cưới vừa mới ra mắt, anh muốn truyền tải các thông điệp gì?

- Bộ sưu tập tôi vừa ra mắt đầu tháng 10 có tên Eternity, lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc La Mã. Đây là bộ sưu tập tôi muốn chiếc áo cưới vượt ra ngoài giới hạn của nó và trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Một bộ sưu tập dành riêng cho đam mê thời trang của tôi và mong mọi người hiểu được ngôn ngữ của tôi qua thời trang.

Bên cạnh đó tôi vẫn có nhiều chiếc áo ứng dụng, vẫn từ ý niệm điêu khắc vải và kiến trúc, tôi hy vọng bộ sưu tập đã cho công chúng xem được những điều thú vị.

Các váy cưới tạo hình điêu khắc trên vải thuộc bộ sưu tập Eternity vừa ra mắt tháng 10 của Trương Thanh Hải:

1DNG1521-7717-1604465567.jpg

1DNG0728-2377-1604465567.jpg

1DNG1204-2710-1604465568.jpg

IMG-2620-JPG-2392-1604465568.jpg

Rất nhiều NTK chọn cách tạo nhiệt cho bộ sưu tập (BST) mới bằng việc mời người nổi tiếng trong showbiz, tuy nhiên bộ sưu tập mới nhất của anh đều được trình diễn bởi người mẫu chưa nhiều tiếng tăm. Vì sao anh có lựa chọn này?

- Tôi tôn trọng tính sáng tạo và sự nghiêm túc của thời trang nên tôi ít khi chấp nhận mang người nổi tiếng và những chiêu trò lên sàn diễn. Hoặc việc một cô hoa hậu hay vedette yêu cầu được đi riêng mở màn hay kết thúc cũng làm tính mạch lạc của BST mất đi. Tôi muốn người xem tập trung 100% vào thời trang đúng nghĩa và tôi cũng hy vọng trong tương lai điều này được coi trọng hơn là việc sau một buổi diễn, các tít bài chỉ nhắc về việc cô A cô B nào đấy xuất hiện như thế nào, thay vì bàn luận về thời trang và bộ sưu tập.

- Tuy vậy, trong một số sưu tập từ trước đến nay của anh có bóng dáng của Anh Thư, Bằng Lăng - những nghệ sĩ đã có tên tuổi. Anh lý giải điều này thế nào với quan điểm trên của mình?

- Họ là bạn thân của tôi, đã đồng hành cùng nhau hai thập kỉ nên hiểu ý nhau. Đó là lý do trước đây tôi thường chụp ảnh và mời họ diễn. Chính vì hiểu nhau nên họ không đòi hỏi cần xuất hiện như nào mà lúc nào cũng chịu chiều ý của tôi, để thời trang là ưu tiên.

Anh Thư, Bằng Lăng trong các thiết kế váy cưới phá cách của Trương Thanh Hải:

DSC01610-2482-1569555691-1662-1604465568

DSC05525-6056-1584695820-6314-1604465568

- Mỗi năm, anh đều ra mắt các bộ sưu tập váy cưới chiếm sóng làng thời trang cưới rất lâu. Vậy anh làm thế nào để luôn dồi dào ý tưởng sáng tạo, làm nên những tác phẩm váy cưới đạt tới vẻ đẹp vượt thời gian?

- Tôi làm việc nhiều nhưng vẫn dành thời gian để đầu óc được cân bằng. Đó là những lúc được xem phim hay, nghe những bản nhạc tạo cảm hứng, đi xem triển lãm nghệ thuật hoặc đi du lịch tới những vùng đất mới. Bởi tất cả những điều đó kích thích được trí sáng tạo trong mình, nuôi dưỡng nhiều ý niệm, để khi cần mình sẽ có ngay thứ để áp vào. Nôm na đó là vốn sống, những thứ được tích góp trong nhiều năm làm nghề.

'Tôi phải từ chối rất rất nhiều nhu cầu được thuê váy cưới'

- Một điều thú vị là cách đây khoảng 20 năm, anh vốn là nhiếp ảnh gia, vậy vì sao anh quyết định chuyển mình từ công việc nhiếp ảnh gia sang nhà thiết kế thời trang?

- Khi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, tôi đã mê nhiếp ảnh thời trang. Đó là mảng rất mới lạ ở Việt Nam năm 2000. Lúc đó, cũng không có nhiều nhà thiết kế có bộ sưu tập như tôi mong muốn để chụp. Thế nên tôi mày mò làm thử các bộ sưu tập, ban đầu chỉ phục vụ để chụp ảnh. Sau dần nghề chọn mình, khách hàng ủng hộ, có dịp được trao dồi thêm kiến thức và tôi chuyển hẳn sang thời trang chuyên nghiệp.

- Những ngày đầu làm nghề, anh tiếp cận với lĩnh vực thiết kế váy cưới như thế nào?

- Từ những bộ sưu tập đầu tiên tôi đã gắn bó với màu trắng. Cửa hàng đầu tiên của tôi cũng có toàn màu trắng từ trang phục đến decor, nó là như niềm đam mê lớn trong thời trang cá nhân. Tôi đã theo sắc trắng này 20 năm nhưng vẫn tìm được cái mới để phát triển.

Từ những cô dâu đầu tiên thuyết phục tôi làm áo cưới cho họ cho đến những bộ sưu tập lớn và áo dài, việc kinh doanh và định hướng phù hợp bản thân nên tôi đã theo mảng cưới hơn 10 năm nay. Thời tôi bắt đầu làm áo cưới, thị trường áo cưới nhập khẩu vẫn có lợi thế hơn. Vì thế, tôi phải gây dựng lòng tin và gu thẩm mỹ của khách hàng đến với những sản phẩm chất lượng và sáng tạo cộp mác Made in Vietnam. Và như bạn thấy, hiện giờ thị trường áo cưới trong nước đã lấn át được mảng ngoại nhập. Đó là điều tất cả chúng ta nên ủng hộ.

- Các trở ngại đầu tiên của anh và cách anh vượt qua điều đó?

- Có lẽ đó là thói quen thuê áo cưới của cô dâu và xem váy cưới là một thứ phục trang để ra mắt hai họ hơn là một chiếc áo kỉ niệm đời người để gìn giữ trong tủ. Mọi người vẫn có thói quen khoe sự hoành tráng, lộng lẫy mà quên đi chính mình. Tôi luôn muốn mỗi cô dâu của mình hiểu bản thân và tự tin khoe vẻ đẹp của mình với mọi người mà không cần nhờ hình ảnh của một ai khác. Điều đó cần có thời gian để định hướng khách hàng và tôi vẫn đang cố gắng qua từng bộ sưu tập.

- Qua các bộ sưu tập váy cưới từ trước tới nay, vì sao anh lựa chọn đề cao tư duy tinh giản, rất ít làm váy cưới đi theo xu hướng đầm dạ hội, phom dáng phồng to như số đông?

- Như đã nói ở trên, tư duy của tôi về chiếc áo cưới khác với số đông. Bạn thử nghĩ xem nếu một lúc nào đó khó khăn trong cuộc sống, bạn mở tủ áo, nhìn thấy chiếc váy cưới xinh đẹp của mình và nhớ lại kỉ niệm ngày đẹp đẽ ấy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn chăng?

Muốn như vậy, chiếc áo cưới cần được tinh giản về gần với một chiếc váy dạ hội. Đó không thể là chiếc áo nặng vài chục kg hay quá to để lưu trữ. Một cô dâu đẹp phải đến từ chính sự nhẹ nhàng, vui tươi của bản thân, chứ không thể từ chiếc váy quá lấp lánh được.

Trương Thanh Hải luôn khuyến khích mỗi cô dâu sở hữu váy cưới cho riêng mình thay vì đi thuê.

- Như vậy, anh khuyến khích cô dâu sở hữu váy cưới cho riêng mình thay vì đi thuê. Anh có cho rằng điều này sẽ làm giới hạn tệp khách hàng của mình vì một váy cưới luôn có giá không hề rẻ?

- Tôi một mình đi ngược lại dòng chảy của thị trường vì muốn người ta xem trọng váy cưới của mình hơn và từ từ loại bỏ ý niệm áo cưới là một costume (phục trang), làm mất đi ý nghĩa của một bộ trang phục kỉ niệm. Tôi vẫn nhận được rất rất nhiều nhu cầu được thuê váy của khách hàng nhưng đều từ chối và giữ vững hướng đi từ trước tới giờ. Nếu muốn mở rộng tệp khách hàng, tôi sẽ làm dòng áo cưới đại trà hơn với chất liệu và phom dáng phù hợp với nhiều người mà không cần may đo, chứ sẽ không muốn đầu tư vào mảng cho thuê.

- Với một hướng đi khác biệt cho đầm cưới, anh làm thế nào để sản phẩm của mình thực sự thuyết phục được khách hàng?

- Từ lâu tôi đã cố gắng tạo ra những chiếc áo để những cô gái nhìn vào sẽ ước ao một lần được mặc. Và chính vì làm được điều đó, thương hiệu của tôi mới tồn tại tốt ngần ấy năm. Tôi quan tâm đến chất liệu, tới những chi tiết nhỏ như thêu tay, đính hạt, đến chiếc lưng áo, đến tỉ lệ đẹp trên mọi tỉ lệ cơ thể người mặc và đến sự mơ mộng của kiểu dáng.

Tất cả những thứ ấy sẽ tạo nên nỗi khát khao mà cô gái nào cũng có trong mình.

- Chi tiết nào trong váy cưới mà anh thường nhấn mạnh và vì sao?

- Có hai điều trong chiếc váy cưới hiện đang là signature (dấu ấn đặc trưng) của tôi: chiếc lưng áo và chi tiết thêu tay.

Một chiếc áo đẹp cần phải có trước có sau, cả 360 độ đều đẹp, đó là sự hoàn mỹ tinh tế mà chiếc áo cưới cần đạt được. Bởi vì đó là chiếc áo quan trọng và có thể là duy nhất trong đời mình, vì thế không thể bỏ qua những điều nhỏ nhặt được.

Thêu tay vốn xa lạ với áo cưới vài thập niên gần đây, vì nó tốn công và không thể trải ở nhiều mảng đủ thu hút ánh nhìn. Nhưng giá trị bất hủ và sự nữ tính của nó, không ai có thể phủ nhận. Vì cảm hứng từ những chiếc áo cưới thời xưa thập niên 1920 - 1940 của phương Tây, tôi muốn dùng lại, cố gắng sắp xếp bố cục chỉn chu để cho mọi người chú ý vào những chi tiết đắt giá đó.

- Một số cô dâu thích váy cưới tối giản, tuy nhiên họ lại sợ đó là lựa chọn nhạt nhòa cho một buổi tiệc cưới. Vậy anh có lời khuyên gì dành cho họ?

- Hãy cứ là chính bạn, chỉ cần bạn đẹp là đủ. Tối giản không làm bạn nhạt nhoà, mà càng làm cho vẻ đẹp của bạn dễ được nhận thấy hơn.

'Tôi không quan trọng khách hàng của mình nổi tiếng hay không'

- Trong các bộ trang phục cưới mà anh thực hiện cho các cô dâu nổi tiếng như Hoàng Oanh, Stephanie Nguyễn - em chồng Tăng Thanh Hà, người mẫu Trang Lạ, Đỗ Hải Yến, Phan Như Thảo, người mẫu Ngọc Thuý; bộ váy nào làm anh ấn tượng hơn cả?

- Thật ra tôi không quan trọng khách hàng của mình có nổi tiếng hay không và họ là ai. Mọi người đến với tôi đều được chăm chút cẩn thận như nhau. Mỗi chiếc áo đều là những kỉ niệm đẹp, và khi được cô dâu gửi ảnh họ vui cười trong trang phục của tôi vào ngày hạnh phúc, đó là thứ không gì quý bằng.

Một trong những cô dâu đó là Stephanie Nguyễn, em chồng của Tăng Thanh Hà. Hà tin tưởng dẫn cô em đến giao cho tôi, Stephanie là người rất hiểu mình cần gì và kiên nhẫn. Chúng tôi đã cùng tạo nên chiếc váy trong nửa năm, thật tiếc dịp đó tôi bận việc nên không thể bay sang Manila theo lời mời để chứng kiến cô dâu trong thánh đường. Xem được hình ảnh sau đó, tôi rất hạnh phúc.

Stephanie Nguyễn vui mừng tới vỡ òa trong lần đầu thử váy cưới.

- Kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất trong quá trình làm váy cho cô dâu Stephanie Nguyễn?

- Khi cô dâu mặc thử váy cưới thì các cô em gái nhìn rồi xúc động tới khóc. Không lâu sau đó, cô em của Stephanie là Jennifer lại đến may áo cưới cho mình và hội chị em lại khóc khi thấy Jennifer mặc thử áo cưới. Họ dễ thương lắm với văn hoá gia đình của họ.

Mặt lưng váy mang đậm dấu ấn đặc trưng của Trương Thanh Hải, giống như một tác phẩm điêu khắc trên bề mặt vải, họa tiết, đường nét tinh xảo.

- Thách thức mà anh nhận thấy đối với bản thân mình nói riêng và các nhà thiết kế thời trang cưới trong nước nói chung?

- Thách thức riêng với cá nhân tôi là tiếp cận với khách hàng trẻ tuổi và các kĩ năng tiếp thị trong thời đại số. Hầu hết đó không phải chuyên môn của tôi nhưng lại cần thiết cho quản lí và vận hành một thương hiệu thời trang.

Việc chạy theo tâm lí và sở thích của thế hệ 10x luôn khó khăn với các nhà mốt lớn trên thế giới, vì họ luôn thích những điều mới mẻ. Đó cũng là sự thú vị của thời trang, luôn khiến người ta vận động và trẻ trung hơn.

Ý kiến bạn đọc