Producer 'Bạc phận': ‘Muốn tạo sản phẩm chấn động như Despacito’

Hậu trường Thứ 6, 07/06/2019 16:28:17 PM Theo Zing

K-ICM ấp ủ một bài hát có sự đồng bộ về hình ảnh, giai điệu đến câu chuyện để vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc như "Despacito" hay "Gangnam Style".

K-ICM (sinh năm 1999, tên thật Nguyễn Bảo Khánh) là nhà sản xuất âm nhạc tiềm năng khi sở hữu danh sách dày đặc các bản hit đứng top đầu #zingchart với Buồn của anh, Bạc phận, Sao em vô tình, Con trai cưng...

Trong buổi trò chuyện với PV, anh bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Việc có ca khúc đạt thứ hạng cao khiến tôi ăn ngon hơn. Còn nếu tụt hạng, tôi sẽ phấn đấu làm ra những sản phẩm đạt vị trí cao hơn vậy”.

"Tôi không dễ dãi"

- Từng nhiều lần chia sẻ về ước mơ trở thành nhà sản xuất chuyên nghiệp, anh đã đạt được dự định của mình chưa?

- Còn trẻ như tôi, nếu đã hoàn thành ước mơ từ bây giờ thì liệu có sớm quá không? Hay nói đúng hơn là không thể. “Chuyên nghiệp” với tôi là phải đạt đến kỹ năng làm ra những ca khúc cho cả thế giới nghe. Tôi không muốn các ca khúc của mình chỉ xuất hiện trên điện thoại hay máy tính đơn thuần, mà phải được trình diễn trên các sân khấu hay lễ trao giải lớn. Hiện tại, mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với tôi là chinh phục khán giả để cùng họ đồng hành trên con đường âm nhạc lâu dài.

Với K-ICM, định nghĩa “chuyên nghiệp” là phải
đạt đến kỹ năng làm ra những ca khúc cho
cả thế giới nghe được.

- Hãy quay về thực tế, con đường chinh phục khán giả Việt của anh đến đâu rồi?

- Tôi bắt đầu thực hiện kế hoạch này từ 2 năm trước. Đó là lúc tôi gặp được những bạn trẻ rất tài năng. Họ hội tụ tất cả yếu tố để toả sáng, nhưng không hiểu sao lại chỉ đi hát bằng cát-xê rất thấp và sống chật vật với nghề.

Vì thế, tôi nảy ra ý tưởng đi tìm và cộng tác với những bạn trẻ như mình để hai bên có sự cộng hưởng qua lại về khả năng. Tôi quan niệm, càng thành công thì càng phải có trách nhiệm với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Và như mọi người đã thấy, Jack (Hồng nhanBạc phận) chính là niềm tự hào lớn nhất của tôi với vai trò một nhà sản xuất âm nhạc.

- Có thông tin anh đã từ chối rất nhiều lời mời hợp tác từ những nghệ sĩ lớn?

- Tôi có chảnh gì đâu. Màu sắc âm nhạc của tôi mang tính dân tộc. Với 7 lời mời mà tôi từ chối, đa phần là vì các bài hát đó không phù hợp, phần còn lại vì tôi không đủ thời gian. Nhưng tôi vẫn giới thiệu nghệ sĩ đó tìm đến những đồng nghiệp mà tôi tin tưởng. Rõ ràng là tôi rất thiện chí và sòng phẳng.

Vài người trong số đó nói sẽ là một “ân huệ” nếu tôi được hợp tác với họ. Nhưng tôi không muốn cả nể rồi nhận bừa một ca khúc mà mình không đủ khả năng hoàn thành, để cuối cùng sản phẩm lại không như ý.

- Nhưng cơ hội đâu phải lúc nào cũng có sẵn, nhất là được làm việc với những người có tên tuổi?

- Dù với bất cứ lý do nào đi chăng nữa, tôi cũng không cho phép bản thân mình dễ dãi, làm việc theo kiểu nhận rồi tính sau. Tôi đã có quãng thời gian khủng hoảng trong nghề chỉ vì thiếu kiên định, ham chạy theo những thứ trào lưu.

Sau Buồn của anh đứng nhất #zingchart, do thấy EDM đang nổi nên tôi muốn chuyển sang làm DJ. Những khán giả trước đó yêu quý tôi vì chất nhạc ballad đã bỏ đi hết. Tôi mới vỡ lẽ, cái giá phải trả cho việc lựa chọn sai lại lớn đến thế. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc, tiếc cho thời gian mà mình đã bỏ ra.

“Tôi chỉ có sự chân thật, đam mê để khán giả yêu quý”

- Từ khi nào anh nhận ra mình cần thay đổi, phấn đấu có một ca khúc xuất hiện ở bảng xếp hạng thay vì nhận về những con số đếm trôi nổi từ mạng xã hội?

- Tôi bắt đầu con đường âm nhạc bằng việc đàn đám cưới. Nhờ sử dụng organ thành thạo nên tôi có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau. Đến khi nổi lên nhờ các chương trình truyền hình và video trên mạng, tôi mới chập chững làm quen với sự nổi tiếng với cái danh “thánh chơi đàn”. Tôi cứ nghĩ mình thành công lắm rồi. Cho đến khi tôi bất giác nhìn lại xung quanh mình. Vì sao có những kẻ suốt ngày lên mạng làm mấy trò vô bổ, điên khùng, còn mình thì đàn và làm nhạc mà lại bị gọi chung là “hiện tượng mạng”?

Nhờ mẹ nuôi định hướng, tôi sang Mỹ vài tuần để học về khâu mastering (việc làm cuối cùng để hoàn tất một bài nhạc). Khi trở lại Việt Nam, tôi gặp được B Ray và Masew.

Thế là Buồn của anh ra đời. Ca khúc đứng đầu #zingchart giúp tôi thoát khỏi cái mác “hiện tượng mạng”. Sau đó là giai đoạn khủng hoảng như tôi đã kể ở trên. Nhưng tôi cũng đã vực dậy được với Con trai cưng, đạt vị trí thứ 2 trên #zingchart. Giờ nhìn lại, tôi trân trọng những gì mình đã trải qua.

- “Buồn của anh” là ca khúc thứ 2, sau “Em gái mưa”, đạt 400 triệu lượt nghe trên Zing MP3. Nhưng phản ứng của khán giả là hoàn toàn đối lập. Anh có chia sẻ gì?

- Tôi không có gì để phản biện cho những tranh cãi đó. Cơ bản là Em gái mưa vốn quá chỉn chu, từ khâu sáng tác, ca sĩ thể hiện cho đến MV. Trong khi Buồn của anh lại được làm trong vòng 4 ngày với mục đích “cho vui”. Hình ảnh thì chỉ có hai đứa con trai mặc vest trên hình nền bản audio.

Tôi nghĩ, có thể khán giả cảm nhận được ở chúng tôi sự chân thành và đam mê với âm nhạc. Những gì được làm bằng cảm xúc bao giờ cũng dễ chạm đến cảm xúc.

- Để ý trên tiêu đề các bài hát, cái tên K-ICM bao giờ cũng xuất hiện bên cạnh ca sĩ thể hiện. Anh định hình thế nào về vai trò này?

- Các bài hát do tôi sản xuất đều mang rất nhiều cá tính của tôi trong đó. Cụ thể là âm hưởng dân tộc và các nhạc cụ truyền thống. Bởi nếu muốn đưa âm nhạc của Việt Nam ra thế giới, tôi cần xuất hiện cho người ta thấy và khiến họ tò mò về mình.

Ở nước ngoài, việc nhà sản xuất đứng chung với ca sĩ trên tựa đề bài hát là điều hết sức bình thường. Do tại Việt Nam, các ca khúc nổi tiếng đa phần là ballad nên vai trò của người thể hiện lời bài hát được đề cao. Còn với nhạc điện tử, yếu tố âm thanh đôi khi chiếm hơn 50% thời lượng của một ca khúc, chứng tỏ vai trò của nhà sản xuất là rất quan trọng.

- Cụ thể hơn, anh sẽ đưa âm nhạc của mình ra thế giới bằng cách nào?

- Tôi sẽ sử dụng giọng hát đặc trưng của Jack, kết hợp cùng những âm thanh và nhạc cụ truyền thống để cho ra những sản phẩm đậm chất Việt Nam. Mọi người tìm nghe nhạc của KSHMR - một producer đến từ Ấn Độ - để hiểu vì sao khán giả lại thích nghe những ca khúc có yếu tố văn hoá của từng vùng miền. Tôi có niềm tin rằng mình sẽ làm được.

- Có thể hiểu anh muốn có được những ca khúc như “Despacito” và “Gangnam Style”?

- Đây chính xác là điều tôi muốn. Để vượt qua mọi ranh giới về ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc, một bài hát cần có sự đồng bộ về mọi thứ, từ hình ảnh, giai điệu đến câu chuyện. Tôi vẫn đang trong quá trình khám phá đích đến cuối cùng của nó.

K-ICM với ước mơ tạo nên một sản phẩm mang yếu tố văn hóa địa phương lan tỏa đến thế giới.


Cái giá phải trả nếu mãi bám danh “hiện tượng mạng”

- Cách anh nói chuyện không có vẻ gì là của một chàng trai sinh năm 1999!

- Tôi ra đời từ rất sớm, năm 14-15 tuổi đã đi đàn ở nhiều đám cưới ở Sóc Trăng. Sau này lên Sài Gòn, cuộc sống cũng không dễ dàng hơn. Phải mất một thời gian dài, tôi mới nhận ra mình bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn nâng đỡ, hỗ trợ sự nghiệp từ vài người.

Đồng ý là tôi còn nhỏ và chưa có nhiều kinh nghiệm sống, nhưng tôi không thể làm ngơ khi công sức mình làm ra mà chỉ nhận về 1/100. Kể từ đó, tôi luôn mang theo bài học bên mình rằng đừng bao giờ tin vào những lời tâng bốc của người khác.

- Anh giải tỏa áp lực về tài chính khi làm nghệ thuật bằng cách nào?

- Hồi nhỏ, tôi được mẹ nhận làm con nuôi nhờ tài đánh đàn. Lớn lên, thấy tôi suốt ngày lên mạng livestream, nhìn gầy gò và ốm yếu, mẹ thuyết phục tôi ra Hà Nội để định hướng lại sự nghiệp cho tôi.

Thời gian gần đây, tôi bắt đầu kinh doanh nên áp lực tài chính cũng được gỡ bỏ. Có lẽ vậy, tôi làm nhạc cũng thoải mái hơn. Nếu có 100 triệu tiền tài trợ, tôi sẽ đổ hết vào sản phẩm, thậm chí trích thêm tiền túi. Không bao giờ có chuyện chỉ dùng 50 triệu, rồi cất túi riêng 50 triệu còn lại.

"Bất cứ thứ gì khán giả thích, tôi sẽ đáp ứng
ngay lập tức".

- Khán giả sẽ nhận được gì từ tinh thần làm nhạc đó?

- Bất cứ thứ gì khán giả thích, tôi sẽ đáp ứng ngay lập tức. Và tôi sẽ chờ đến khi nào bản thân vững vàng mới nghĩ tới chuyện làm nhạc phục vụ cho bản thân. Có những nghệ sĩ luôn muốn vươn lên tầm cao hơn, nhưng cũng có nghệ sĩ chỉ muốn đi dưới mặt đất cùng khán giả của mình. Tôi thuộc trường hợp thứ hai.

- Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là những trải nghiệm hay bài học làm anh nhớ mãi?

- Thứ nhất là cách đây 2 năm trước, khi cái danh “hiện tượng mạng” của tôi đã nguội, tôi nghèo đến mức trong túi chỉ có 5 nghìn đồng đủ để gửi xe.

Thứ hai là tôi bị ám ảnh bởi viễn cảnh đứng trên sân khấu lớn mà khán giả ở dưới thì chết lặng. Cuối năm 2016, tôi diễn chung sân khấu với anh Noo Phước Thịnh. Lúc anh bước ra, cả khán đài bên dưới hò hét, cổ vũ nồng nhiệt. Nhưng khi MC giới thiệu tên của tôi, không ai biết K-ICM là ai. Tôi tủi thân vô cùng. Nhưng nhờ vậy mà tôi mới thêm động lực phấn đấu có sản phẩm riêng và đi đến ngày hôm nay.

Ý kiến bạn đọc