'Tắm rừng' như người Nhật

Khám phá Thứ 3, 18/02/2020 21:43:02 PM Theo Vnexpress, Japan Travel

Dành thời gian trong rừng, lắng nghe tiếng chim và ngắm ánh mặt trời xuyên qua lá cây được coi là liều thuốc giải độc cho cuộc sống đô thị.

Shinrin-yoku, hay "tắm rừng" là một phương pháp trị liệu ở Nhật Bản, phát triển vào những năm 1980. Khi đó, chính phủ nhận thấy tác động tiêu cực của bùng nổ công nghệ đối với người dân như trầm cảm, mất tập trung và đau nhức. Các nghiên cứu cho thấy, đi bộ trong rừng giúp giảm huyết áp, cortisol (hormone căng thẳng), cải thiện sự tập trung và trí nhớ. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản đã thêm shinrin-yoku vào chương trình sức khỏe cộng đồng. Điều này đã tạo ra một lối sống lành mạnh hơn cho người Nhật ở mọi lứa tuổi.

Người dân thực hành tắm rừng bằng cách ôm cây hạt dẻ 800 năm tuổi trên ngọn núi Shichimen, Hayakawa. Ảnh: Close to Mount Fuji.

Người dân thực hành tắm rừng bằng cách ôm cây hạt dẻ 800 năm tuổi trên ngọn núi Shichimen, Hayakawa. Ảnh: Close to Mount Fuji.

Để thực hành "tắm rừng", người Nhật để điện thoại sang một bên và đến khu rừng gần nhất. Họ không cần phải đi bộ đường dài, chạy, hay leo núi, thậm chí có thể ngồi nếu muốn. Việc cần làm là hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí sạch sẽ, thơm mát và đắm mình trong khung cảnh của đất trời; chạm vào những mảng rêu mềm xanh lá cây đang trải thảm trên viên đá hoặc vỏ cây xù xì. Sự tĩnh lặng xung quanh lan vào tâm trí giúp họ quên đi sự chuyển động không ngừng của cuộc sống thị thành.

Du khách cũng dần chú ý tới phương pháp trị liệu này. Họ có xu hướng đến với thiên nhiên để thư giãn, cân bằng cuộc sống. Nếu bạn không biết cách tự trải nghiệm "tắm rừng" thế nào, Nhật Bản đã có các tour du lịch cung cấp dịch vụ này dựa trên nhu cầu cá nhân của khách. Với sự trợ giúp của hướng dẫn viên hoặc nhà trị liệu, du khách sẽ học cách dừng lại và cảm nhận thiên nhiên xung quanh, sau đó có thể kết thúc bằng việc thưởng thức trà đạo.

Theo bài chia sẻ trên tạp chí du lịch Afar, năm 2018, khoảng 2,5 đến 5 triệu người tham gia đi bộ đường mòn trong những khu rừng trị liệu ở Nhật và 1.200 hướng dẫn viên có giấy chứng nhận. Tại đây, hướng dẫn viên hái lá cho du khách ngửi và truyền đạt những kiến thức về hệ động thực vật độc đáo của khu rừng trên đường đi.

Trong trường hợp du khách muốn tự mình "tắm rừng", Nhật Bản có những vườn quốc gia đẹp. Nếu thích leo núi, bạn có thể đến dãy Alps của Nhật Bản ở tỉnh Nagano. Nếu muốn trải nghiệm hành trình tâm linh, vườn quốc gia Yoshino-Kumano, bán đảo Kii, phía nam Osaka là nơi nổi tiếng với những khu rừng thiêng. Nếu là người thích phiêu lưu, bạn hãy đi về phía nam để đến với vườn quốc gia Yakushima. 

Nghiên cứu cho thấy cây cối và thực vật tỏa ra một chất gọi là phytoncides sẽ giúp con người tăng cường hệ thống miễn dịch. Ảnh: Chottozeitaku.

Nghiên cứu cho thấy cây cối và thực vật tỏa ra một chất gọi là phytoncides sẽ giúp con người tăng cường hệ thống miễn dịch. Ảnh: Chottozeitaku.

Theo Tiến sĩ Qing Li, bác sĩ tại Trường Y khoa Nippon ở Tokyo, chủ tịch Hiệp hội Trị liệu rừng Nhật Bản và tác giả sách "Tắm rừng: Làm thế nào cây có thể giúp bạn tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc", con người thường dành khoảng 93% thời gian trong nhà. Nghiên cứu của ông chỉ ra, điều đó sẽ gây ra cảm giác tiêu cực về cuộc sống, song có thể được cải thiện đáng kể chỉ sau vài giờ thực hành tắm "rừng".

Ý kiến bạn đọc