Khám phá Chủ nhật, 16/01/2022 20:04:47 PM Theo Bảo Đàn (Lao động)
Một chuyến đi, dù bằng bất cứ phương tiện gì, trong bất cứ khoảng thời gian nào đều mang lại sự trải nghiệm. Nhất là sự trải nghiệm ấy lại gắn với dòng sông nổi tiếng của Huế. Những mảng màu văn hóa như ẩn hiện, tiềm khuất và đổi thay trong suốt dọc hành trình, từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn...
Quốc tự Thiên Mụ - ngôi chùa soi bóng bên dòng sông
Dòng Hương và xứ Huế
Chuyện kể rằng, từ rất xa xưa khi đón nàng công chúa Huyền Trân nhà Trần về làm vợ, vị vua Chàm Chế Mân (Jaya Simhavarman III) đã đưa nàng du ngoạn trên dòng sông hoang sơ miền Ô, Lý. Và rồi, trong mối tình lãng mạn, nàng đã ưu ái đặt tên Hương cho dòng sông, bởi hương thơm tràn ngập không gian của loại cỏ Thạch Xương Bồ phủ kín đôi bờ. Dòng sông Hương thơm từ đó mang tên gọi và mỗi ngày, mỗi ngày làm đẹp thêm cho Huế bằng làn nước êm ả, trong xanh.
Người Huế thường ví dòng sông như tâm tính của con người xứ Huế, thoạt trông hiền hòa, trầm lặng, bình thản, tĩnh tại... pha lẫn chút huyền bí, nhưng luôn chứa đựng sự dữ dội. Rồi dưới một giác độ nào đó, sự dùng dằng, lưỡng lự trong suy nghĩ cũng gần như là thuộc tính, tựa câu viết của Thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Cứ thế, trải bao cuộc bể dâu, vật đổi sao dời, dòng sông cứ lặng lờ trôi như ôm hết vào lòng tâm tình của người dân xứ Huế.
Sương sớm trên dòng sông.
Xuôi hạ nguồn...
Trong suốt 143 năm là kinh đô dưới thời quân chủ, Huế đã làm nên hình ảnh riêng có cho mình với những lăng tẩm, lầu, đài, cung điện, phủ đệ vàng son một thủa dọc đôi bờ. Những sắc màu cổ kính của kiến trúc, sự huyền bí của những cổ vật nhúng đậm màu thời gian, nét sang trọng của những khu vườn Ngự, vẻ đài các của những phủ đệ, hoa viên... từ rất sớm đã hòa lẫn vào cuộc sống của người dân xứ Huế. Họ nhìn thấy, họ quan sát và chiêm nghiệm mỗi ngày, để rồi, có thể nói không ngoa, mỗi một người Huế chính là di sản.
Một chuyến đi dọc dòng sông trên chiếc đò Chằm (đò dọc) - phương tiện hiện chỉ còn là lưu ảnh trong ký ức của phần đông người Huế, hiển hiện trong tầm mắt là nối tiếp những ngôi miếu thờ sát bên những khúc quanh của dòng sông. Miếu Bà Đá/Mệ Nằm, điện Hòn Chén/Huệ Nam, chùa Thiên Mụ..., hay miếu thờ Mẫu Thoải ở khu vực cồn Hến là những ví dụ tiêu biểu. Có lẽ như để phòng hờ, và có thể cũng là để ứng phó mỗi khi dòng sông trở nên trái tính, những địa điểm thiêng đã được nhiều thế hệ tiền nhân tạo dựng làm nơi kết tụ tâm linh cho cộng đồng.
Những câu chuyện ly kỳ về hòn đá mỗi ngày một phình to ở miếu Mệ Nằm; về vị Ngọc Trản sơn thần, Thiên Y A Na thánh mẫu ở ngọn Hương Uyển; về Bà Trời Áo đỏ mang nhiều dấu ấn bản địa trên ngọn Hà Khê... cứ thế lan truyền qua nhiều thế hệ người dân Huế về những địa điểm linh thiêng trong mạch sống tinh thần.
Xuôi về hạ nguồn, trước khi hòa mình với sông Bồ ở ngã ba Sình làm nên dòng Linh giang sâu và rộng, dòng sông là nền cảnh, là nguồn sống cho những làng quê yên ả. Ngược phía thượng nguồn, chen lẫn giữa không gian phố thị, giữa những vùng cư trú gò đồi là những ngôi cổ tự mái ngói rêu phong, ngày ngày mang tiếng chuông chùa buổi sớm, hòa lẫn vào màn sương bàng bạc, vọng xuống dòng sông, va vào mặt nước và lan tỏa thanh âm đi khắp nẻo vùng Huế.
Cứ như thế, Huế đẹp và thơ mộng từ ban sớm mỗi ngày.
Rồi từ ngã ba Bằng Lãng, ngược về phía Tây theo hai dòng Tả và Hữu trạch, hình ảnh những bản làng miền Thượng sẽ hiện lên trong tầm mắt. Hình ảnh con người với hành trang văn hóa khác lạ, với cuộc sống khá dị biệt so với miền châu thổ, như những sắc màu điểm xuyết cho bức tranh sinh động của đôi bờ.
Và rồi, người Huế thường kể cho nhau nghe về bài vè của cư dân thủy diện - những cộng đồng người cư trú trên mặt nước dòng sông, sống bằng nghề bán buôn tre nứa. Cứ mỗi buổi chiều, trên chiếc xe đạp cùng với cặp lồng cơm, nước, họ đi đến các bản làng miền Thượng, sau khi mua lấy những thứ mình cần, họ sẽ kết thành bè và chống về thành phố giữa đêm tối mịt mù. Những tri thức đúc kết bởi nhiều thế hệ trong bài vè thủy diện sẽ giúp họ tránh được những vực nước hiểm nguy, những bãi bồi, hay những rạn đá ngầm tiềm ẩn.
Hoàng hôn trên sông Hương.
... về miền đất Cố Đô
Với Huế, dòng sông đôi lúc được ví như một con đường, một lối đi, một không gian mở, lan tỏa những ảnh hưởng của chốn cung đình đến hầu khắp các làng xã dân gian. Nếu có thể, hãy dành chút thời gian để đi dọc dòng sông khi đến Huế. Có thể bằng chiếc thuyền xuôi dòng đến vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, chiêm nghiệm và cảm nhận vùng sinh cảnh nước lợ. Có thể bằng chiếc xe đạp hoặc xe máy, trong một biên độ thời gian nhất định, bạn sẽ nhìn thấy những sinh hoạt ở các làng quê giàu truyền thống, nơi vẫn còn đây đó nét mộc mạc, dung dị bên cạnh sự nhộn nhịp của phố thị; hình ảnh những khu phố cổ đậm dấu ấn thời gian... Những lúc như thế, nghỉ ngơi đôi chút dưới mái chùa tĩnh lặng, ngẫm suy về cõi vô thường trong rừng thông nơi lăng tẩm, hoặc bạn sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người miền Thượng, lạ lẫm, nhưng không kém phần lý thú.
“Đò về Đông Ba đò qua Đập Đá/Đò về Vĩ Dạ thẳng ngã Ba Sình...” câu hò Mái Nhì thường vọng lại trên dòng sông cùng với tiếng mái chèo khua nước, rồi những Bao Vinh, Thanh Hà, Địa Linh, Tiên Nộn; rồi những Cồn Hến, Dã Viên, Nguyệt Biều, Kim Long, Phường Đúc, Vọng Cảnh, ngã Ba Tuần..., những địa danh cứ như tiếp nối, cứ mãi sinh tồn với dòng chảy dòng Hương.
Cứ như tự nhiên đã sinh ra dòng sông ấy để xứ sở này thêm đẹp, thêm thơ mộng, thêm phần sâu lắng. Men dọc theo dòng sông Hương, bạn đã đặt bước chân của mình lên một phần lịch sử, khi những cung đường bạn trải bước hôm nay chính là con đường triều cống, là tỉnh lộ, huyện lộ, là hương lộ kết nối với con đường thiên lý một thời ở kinh đô dưới thời quân chủ.
Ảnh: Văn Đình Huy
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất