Thế Anh - diễn viên hào hoa của màn ảnh Việt

Hậu trường Chủ nhật, 29/09/2019 23:27:07 PM Theo Vnexpress

Đôi mắt buồn, nụ cười răng khểnh, nhân vật Trung úy Phương của Thế Anh một thời là hình mẫu tiêu chuẩn của phái nữ thập niên 1960.

Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh qua đời sáng 29/9 ở tuổi 81, sau thời gian điều trị tai biến ở Bệnh viện Thống nhất (TP HCM). Nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng khi hay tin ông ra đi vì hồi tháng 4, ông trông vẫn khỏe mạnh đến dự lễ trao giải Cánh Diều. Nghệ sĩ Trà Giang lặng người một lúc khi nhận được tin báo từ đồng nghiệp. 

Dung mạo Trung úy Phương một thời làm khán giả say mê.
Dung mạo Trung úy Phương một thời làm khán giả say mê.


Sinh thời, Thế Anh đảm nhận nhiều dạng vai sau khi tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, nhưng đông đảo thế hệ khán giả thập niên 1960, 1970 vẫn nhớ đến ông nhất với hình tượng lãng tử, hào hoa. Vẻ thư sinh với đôi mắt nâu buồn, nụ cười răng khểnh giúp ông nhận được vai chính ngay phim đầu tay - Nổi gió (năm 1966, đạo diễn Huy Thành). Trong phim, ông vào vai Trung úy Phương - người lính có chị gái nằm ở phía bên kia chiến tuyến.

Phim tạo tiếng vang khi vừa ra mắt, giúp Thế Anh trở thành một trong những tài tử nổi tiếng miền Bắc chỉ sau một vai diễn. Ông từng kể sau khi phim chiếu, thỉnh thoảng đi dạo ở Hà Nội, ông lại được khán giả chạy ùa theo gọi tên. Một thời, Trung úy Phương trở thành tiêu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp của đàn ông Việt Nam thập niên 1960. Khán giả Phương Nguyễn (sinh năm 1965) kể: "Thế hệ của mẹ tôi mê Thế Anh chẳng khác gì các bạn trẻ bây giờ mê thần tượng. Cô nào thuở ấy có cái ảnh đen trắng của ông mà dán lên gương để hàng ngày ngắm là hãnh diện lắm. Lần đầu tôi nhìn thấy ông trong vai này đã tấm tắc vì nụ cười răng khểnh tỏa nắng. Tôi thấy ông là diễn viên Việt Nam đẹp trai, hào hoa nhất".

Vai diễn trong Nổi gió mở đường cho sự nghiệp diễn xuất của Thế Anh. Ông dần nổi tiếng ở cả mảng phim lẫn kịch. Hơn 50 năm, Thế Anh ghi dấu bởi hàng chục vai diễn kinh điển như: tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - Cô bé đánh trống trận, bác sĩ Hải trong Đôi mắt, chàng thủy thủ Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc...

Sự nghiệp diễn xuất của Thế Anh còn lưu dấu ấn bởi năng lực biến hóa. Không chịu bó buộc trong hình tượng thư sinh, nam diễn viên chinh phục thêm nhiều hình tượng trên màn ảnh. Nhân vật Ba Duy của Mối tình đầu (năm 1977, đạo diễn Hải Ninh) là cột mốc đáng nhớ. Ông vào vai Ba Duy, gã giang hồ nghiện ngập khét tiếng ở Sài Gòn. Để đóng vai này, Thế Anh dành trọn một tháng lê la, tìm hiểu các con nghiện. Tài tử hào hoa một thời phải ép xác hàng tháng, hạn chế ăn, chủ yếu uống cà phê để có thân hình còm cõi, dáng vẻ bệ rạc, thất thần. Một lần, vào chợ Bến Thành, Thế Anh bị nhiều người nhìn, tặc lưỡi rồi cảm thán: "Tội nghiệp, nhìn mày đẹp trai, sáng sủa vậy, sao lại để nghiện hả con?".

Thế Anh trong vai Ba Duy của Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh).
Thế Anh trong vai Ba Duy của "Mối tình đầu" (đạo diễn Hải Ninh).


Sau khi phim công chiếu ở Hà Nội, bộ phim đã gây cơn sốt lớn. Khán giả chen nhau xem phim ở các khu đất trống, có người bị thương tích, giật mất dây chuyền, đồng hồ. Ba Duy trở thành một trong những vai để đời của Thế Anh. Sau này, lý giải sự thành công của bộ phim, ông chỉ khiêm tốn cho rằng, lúc đấy khán giả miền Bắc còn tò mò và muốn xem một tác phẩm về đời sống người miền Nam.

Sau năm 1975, ông chuyển vào TP HCM công tác. Thập niên 1990, ông vẫn tham gia một số phim truyền hình như Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ, Xin lỗi tình yêu, Tiếng cuốc đêm khuya... chủ yếu cho đỡ nhớ nghề. Rời xa màn ảnh rộng, Thế Anh vẫn dốc lòng học hỏi. Vốn thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh ở mức nghe hiểu, khi rảnh rỗi ông lại nhờ con chỉ cách lên mạng với chiếc máy tính cũ kỹ. Ông mày mò tìm trên Google để xem các bộ phim nước ngoài, kiếm những diễn viên đặc biệt yêu thích. Ông luôn theo dõi các chương trình trực tiếp trao các giải thưởng để bổ sung kiến thức, kỹ năng diễn xuất.

Tâm huyết của Thế Anh dành cho phim Việt được ông gìn giữ trong chính ngôi nhà của mình. Nửa thế kỷ vào nghề, ông sưu tập hàng trăm poster, bản phim gốc. Khách đến nhà, ông thường mang ra khoe các đạo cụ như cung, tên, nỏ, tẩu thuốc... được ông lưu giữ từ hồi đóng phim Lưu lạc, Trở về Sam Sao. Những năm cuối đời, ông tâm nguyện lập được một phòng trưng bày mini để bảo quản các hiện vật về phim ảnh, cho khách đến tham quan và lưu trữ cho các thế hệ mai sau. 

Thế Anh (phải) bên tượng sáp của ông tại Nhà tượng sáp Nghệ sĩ Việt năm 2017.
Thế Anh (phải) bên tượng sáp của ông tại Nhà tượng sáp Nghệ sĩ Việt năm 2017.


Thế Anh là một trong những diễn viên gạo cội tích cực dự các hội thảo về phim ảnh. Ông đau đáu về tình trạng vực dậy phim Việt. Khi trò chuyện với truyền thông, ông băn khoăn vì sao nhiều nước trong khu vực luôn có phim hay dù kịch bản, trình độ diễn viên không hơn Việt Nam bao nhiêu. Nghệ sĩ tâm niệm, sáng tạo phải là yếu tố hàng đầu.

"Sự đầu tư cho vai diễn của mỗi diễn viên là cực kỳ quan trọng. Trên trường quay, đừng tự phụ rằng đạo diễn bảo 'khóc đi' mà nước mắt diễn viên rơi ra là diễn viên đó có tài, hoặc cho rằng chẳng cần học thoại mà vẫn diễn được là giỏi", ông từng nói. Gần đây nhất, ở Lễ trao giải Cánh diều, ông chia sẻ vẫn tự học hỏi, nghiên cứu phim ảnh vì với ông, vai hay nhất của một diễn viên vẫn luôn chờ họ phía trước.

NSND Thế Anh tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh ngày 3/4/1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung...


Năm 1966, Thế Anh ghi dấu ấn với vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim Nổi gió. Năm 1977, ông đóng vai một thanh niên nghiện hút trong phim Mối tình đầu. Sau phim này, ông quyết định để ria mép để trông nam tính hơn. Ở tuổi ngoài 50, ông tham gia phim Gánh xiếc rong, Điện Biên Phủ, Đêm hội Long Trì... Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm gần đây, ông tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh.

Ý kiến bạn đọc