‘Thưa mẹ con đi’ - chuyện về những người đàn bà

Hậu trường Chủ nhật, 18/08/2019 14:30:24 PM Theo Ngôi sao

Phim chiếu rạp ‘Thưa mẹ con đi’ khắc họa những chân dung phụ nữ Việt điển hình với nhiều nghĩ suy về phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ.

Bộ phim đặt trong bối cảnh của một vùng quê ngoại ô Sài Gòn, xoay quanh một gia đình ba thế hệ. Câu chuyện bắt đầu khi anh chàng Việt kiều Văn (Lãnh Thanh đóng) đưa bạn trai Ian (Võ Điền Gia Huy đóng) về nước thăm nhà.

Bằng sự nhạy cảm của một người mẹ, bà Hạnh (Hồng Đào đóng) - mẹ của Văn lờ mờ đoán ra mối quan hệ của hai chàng trai trẻ. Bà nội (NSƯT Lê Thiện đóng), thím Ngọc (Kiều Trinh đóng), cô Út (Hồng Ánh đóng) cũng có những phản ứng khác nhau khi biết về mối quan hệ này. Từ đây, nhiều mâu thuẫn, ganh đua ngầm giữa các thành viên gia đình dần lộ diện.

Từ poster và chiến dịch quảng bá trước ngày ra rạp, Thưa mẹ con đi đánh lừa công chúng rằng đây là một bộ phim về đề tài đồng tính. Song thực tế, cuộc tình đồng giới chỉ là một yếu tố trong phim, là căn cớ để khơi ra những xung đột, còn gia đình mới là chủ đề thực sự. Trong đó, nhiều mối quan hệ muôn thuở của người Việt được tái hiện lên màn ảnh: mẹ con, bà cháu, mẹ chồng - nàng dâu, chị dâu - em chồng, chị em dâu, anh chị em họ. Một vài chân dung phụ nữ Việt Nam cũng nhẹ nhàng bước từ đời vào phim.

Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng

Người ta hay bảo, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Nếu mà vậy, những người phụ nữ trong gia đình này có vẻ thiệt thòi.

Mẹ Hạnh (Hồng Đào) tâm sự: "Đời mẹ làm vợ thì ít, làm dâu thì dài". Chồng mẹ - ba của Văn là người thế nào không ai rõ. Nhưng bằng câu nói ấy và nhiều tình huống trong phim thì biết, mẹ Hạnh gánh vác lo toan cả nhà chồng từ chuyện thờ cúng, làm ăn tới bếp núc. Sống giữa gia đình hay gặp người quen, mẹ lúc nào cũng cười nói, xảy ra chuyện gì mẹ cũng nói để mẹ lo, nhưng ánh mắt mẹ không khi nào vui trọn vẹn, luôn ẩn chứa nhiều lắng lo khó tỏ thành lời.

Mẹ Hạnh nhiều suy tư qua sự hóa thân của nghệ sĩ Hồng Đào. 

Mẹ Hạnh nhiều suy tư qua sự hóa thân của nghệ sĩ Hồng Đào. 

Thím Ngọc có nhiều tính xấu, hay soi mói mẹ Hạnh và Văn, lại tham vọng giành giật gia tài. Nhưng rốt cuộc, thím ấy cũng là người đàn bà đáng thương, mà cái tội nhất của thím là lấy phải một ông chồng nhu nhược, ăn không nên đọi, nói không nên lời, làm việc gì cũng thiếu quyết đoán và ỷ lại vợ.

Riêng cô Út thì không có chồng, cô đơn đến nỗi khóc nấc mà trách mình bạc phận, không có ai để nương tựa nhờ vả.

Sống chung dưới một nếp nhà truyền thống, ba người phụ nữ không ai hoàn hảo về tính cách, lại mang những sầu muộn riêng, song cuộc đời họ không hẳn quá bi lụy bởi ở họ có sự chủ động vun vén cho đời sống của chính mình và người thân của mình. 

Mẹ Hạnh tự đưa mình vượt qua cú sốc khi biết con trai đồng tính, vui vẻ đón nhận những điều mới. Thím Ngọc mắng chửi chồng con xong vẫn lo lắng chứ không nỡ rời bỏ. Cô Út sống trẻ trung, cất tiếng hoan ca mỗi ngày. Nhờ họ, truyện phim Thưa mẹ con đi chạm đến sự xúc động, đồng cảm của khán giả một cách vừa đủ, đồng thời nhen nhóm lên nhiều nguồn năng lượng tích cực và tiếng cười trong trẻo.

Từ phải qua: Hồng Ánh, Thanh Tú, Kiều Trinh đều để lại nhiều ấn tượng đẹp trong phim. 

Từ phải qua: Hồng Ánh, Thanh Tú, Kiều Trinh đều để lại nhiều ấn tượng đẹp trong phim. 

Ba người đàn bà, không cần con vịt nào cũng thành cái chợ

Gia đình trong Thưa mẹ con đi mang tính nữ quyền lớn, phụ nữ lấn át đàn ông về tiếng nói. Vì vậy, các tuyến vai nữ cá tính mạnh hơn, rõ hơn cánh đàn ông, mối quan hệ giữa họ cũng được khắc họa nhiều màu sắc và rất thú vị.

Mẹ Hạnh, thím Ngọc và cô Út không giấu được một vài mối ngờ vực, đố kỵ dành cho nhau một cách lặng lẽ. Những chi tiết này được miêu tả tinh tế qua ánh mắt, câu hỏi trong một thoáng chốc nào đó giữa bữa cơm, cuộc chuyện trò của cả gia đình.

Sự trở về của Văn với chuyện tình yêu đặc biệt là dịp thổi bùng mạch mâu thuẫn ngấm ngầm thành cuộc xung đột bằng lời nói. Ba người phụ nữ ấy với những nghĩ suy và lý lẽ riêng, chẳng cần thêm con vịt nào cũng đủ làm thành cuộc khẩu chiến ồn ào như chợ vỡ.

Mâm cơm là nơi những mâu thuẫn ngầm dần lộ diện. 

Mâm cơm là nơi những mâu thuẫn ngầm dần lộ diện. 

Bà nội của Văn vốn đứng ngoài cuộc xung đột này, lại là người hóm hỉnh, dễ mến. Thế nhưng có đôi khi, tình yêu thương thiên lệch của bà đối với những đứa cháu vô tình làm những đố kỵ thêm sâu sắc. Bà cưng Văn như cục vàng, hứa cho Văn thừa hưởng gia sản, nhưng đối xử với các con của thím Ngọc có phần khắc nghiệt.

Sự thiên vị của bà nội khiến Văn và Ian bị gia đình thím Ngọc đố kỵ. 

Sự thiên vị của bà nội khiến Văn và Ian bị gia đình thím Ngọc đố kỵ. 

Đảm nhận những tuyến vai quan trọng của phim, dàn diễn viên nữ của phim đều ghi dấu đẹp đẽ về diễn xuất dù đất diễn ít hay nhiều. NSƯT Lê Thiện mang đến nhiều tiếng cười duyên dáng. Hồng Ánh rũ bỏ hình ảnh phụ nữ đa đoan trong nhiều phim trước để trở thành cô Út hồn nhiên – vai diễn hài hước nhất trong phim. Kiều Trinh làm thím Ngọc trở nên sống động, đáng thương nhiều hơn đáng trách. Và xuất sắc trong phim là nghệ sĩ Hồng Đào với cảm xúc dồn nén trong từng ánh mắt, giọng thoại, được xem là linh hồn của cả bộ phim.

Các nhân vật, câu chuyện trong Thưa mẹ con đi đều thân quen và thuyết phục. Bộ phim vì thế mà tiệm cận với đời sống, làm nên một câu chuyện gia đình rất Việt Nam trên màn ảnh rộng. Phim trình chiếu tại các rạp từ 16/8.

Ý kiến bạn đọc