Thời trang Thứ 3, 28/09/2021 22:47:28 PM Theo Vnexpress
Trang phục tối giản đem tới vẻ đẹp kinh điển, tiện dụng, phù hợp mọi thời.
Tối giản (minimalism) được coi là xu hướng dẫn đầu ngành thời trang trong bối cảnh dịch bệnh. Theo Vogue, khi mọi người đang tìm cách đơn giản hóa lối sống, họ thường chọn trang phục tiện dụng. Các bộ cánh trên sàn diễn năm 2020, 2021 và 2022 là một minh chứng rõ nét. Khách hàng quan tâm hơn đến các loại vải và kỹ thuật cắt may cổ điển có giá trị lâu đời, nên sự tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ được xem xét rất cao, thay vì để ý tới những chi tiết trang trí hào nhoáng.
Thiết kế Xuân Hè 2022 của Jil Sander. Ảnh: Gorunway
Elle nhận xét phong cách này chưa bao giờ ngừng hot trong hơn 100 năm qua. Cây bút Barry Samaha của Harper's Bazaar viết: "Xu hướng thời trang đến và đi, nhưng chủ nghĩa tối giản tồn tại mãi". Vogue khẳng định: "Tối giản là tương lai của thời trang".
Chủ nghĩa tối giản là loại bỏ những chi tiết thừa thãi, rườm rà, phức tạp, hạn chế tối đa việc sử dụng các chi tiết mô tả, tập trung vào tính đơn giản, tiện lợi. Phong cách này tôn hình dáng cơ thể con người bằng những đường cắt may tinh xảo, mang đến vẻ tinh tế, sang trọng và thoải mái cho người mặc. Trang phục minimalism được xem là vượt thời gian, toát lên vẻ đẹp của đường nét, hình khối trên bảng màu đơn sắc.
Tối giản không đồng nghĩa với đơn giản. Các nhà thiết kế mất nhiều thời gian để tìm tòi, tính toán sao cho trang phục cắt may ít nhưng vẫn phải tôn dáng người mặc, gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Điểm nhấn này có thể đến từ sự sắp xếp các lớp màu sắc hoặc một chi tiết rất nhỏ ở eo, cổ, lưng... Nhà tạo mốt thường xuyên áp lực khi vẫn với tinh thần đó, các sáng tạo của mùa sau không lặp lại mùa trước.
Một thiết kế theo trường phái tối giản của Pierre Cardin. Ảnh: Pierre Cardin/Vogue
Minimalism bắt đầu xuất hiện từ những sáng tạo của Coco Chanel ở thập niên 1920. Bà tiên phong trong cuộc cách mạng tối giản váy áo, đem tới sự tự do và thoải mái cho phụ nữ với quan niệm: "Sự thanh lịch được thể hiện qua vẻ uyển chuyển của đường nét nhiều hơn là họa tiết, chi tiết khâu đính kim sa". Sau Chanel, Cristóbal Balenciaga, Pierre Cardin và Yves Saint Laurent tiếp nối phong cách này với những thiết kế mang tính hình học.
Váy cưới màu trắng năm 1967 của Balenciaga gây ấn tượng về phom dáng đậm nét hình học. Ảnh: Balenciaga
Tới thập niên 1960, thuật ngữ "chủ nghĩa tối giản" mới ra đời trong một phong trào nghệ thuật ở New York. Một nhóm nghệ sĩ gồm Donald Judd, John McCracken và Agnes Martin thể hiện hội họa và điêu khắc theo phong cách giản lược tối đa, tạo nét độc lạ thời bấy giờ. Những năm 1970, Halston theo đuổi những thiết kế mỏng, ôm nhẹ, hạn chế tối đa đường cắt, khâu và khóa kéo nhằm nổi rõ đường nét cơ thể phái đẹp mỗi khi chuyển động.
Phong cách này lên tới đỉnh cao trong những năm 1990. Hàng loạt nhà thiết kế như Calvin Klein, Miuccia Prada và Donna Karan đề cao trang phục thiết yếu dễ phối, không chạy theo mốt, phù hợp cuộc sống công sở hiện đại. Calvin Klein nói với Vogue: "Tôi đam mê những nét cắt được thực hiện tuyệt vời, những pha phối màu toát lên vẻ trầm tĩnh". Michael Kors quan niệm: "Những đường nét gọn gàng có khả năng hấp dẫn phụ nữ cao hơn". Tom Ford lăng xê trang phục ôm với những đường cut-out táo bạo phô bày da thịt, tạo điểm nhấn ấn tượng.
Theo Lookstyler, thời kỳ hoàng kim của minimalism kết thúc vào cuối thập niên 1990. Từ những năm 2010 đến nay, một số tên tuổi như Phoebe Philo, Bottega Veneta, The Row hay Jil Sander đưa phong cách này bùng nổ trở lại. Khi Philo rời cương vị giám đốc sáng tạo Celine năm 2017, nhiều người hâm mộ bày tỏ tiếc nuối. Triết lý thiết kế đơn giản, nữ tính của cô ảnh hưởng tới nhiều người yêu thời trang trên thế giới, đặc trưng bởi sự tiện lợi, sang trọng cùng những điểm nhấn nhá phá cách.
Tin cùng mục Thời trang
Tin mới nhất