Hậu trường Chủ nhật, 16/01/2022 19:56:36 PM Theo Lao động
NSƯT Thanh Quý với vai diễn bà Nga trong phim “Thương ngày nắng về” đang lên sóng giờ vàng, thu hút người xem. Hình ảnh bà Nga bán bún riêu, tần tảo nuôi 3 con gái, chịu đủ thiệt thòi, vất vả... đã chạm đến trái tim khán giả.
NSƯT Thanh Quý. Ảnh: NVCC
Bộ phim “Thương ngày nắng về” đang lên sóng, vai bà Nga của chị được ngợi khen chân thực, đời sống, gần gũi. Đông đảo khán giả nhận xét, họ như bắt gặp hình ảnh của mẹ mình trong nhân vật bà Nga. Có lẽ, vì ai cũng có một người mẹ, ai cũng có gia đình... Nên đề tài mẫu tử như phim “Thương ngày nắng về” luôn dễ tìm được sự đồng cảm, dễ thành công?
- Tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng, nhiều cảm xúc, nên sẽ không bao giờ cạn kiệt góc khai thác trên phim ảnh. Đã rất nhiều bộ phim lấy đề tài này, nhưng chất liệu về đề tài mẫu tử vẫn luôn tràn đầy. Cũng có lẽ như bạn nói, vì ai cũng có một người mẹ, ai cũng có một gia đình, ai cũng có một trái tim yêu thương, hướng về người thân yêu máu mủ nhất của mình - nên phim về gia đình, về tình mẫu tử luôn chạm đến trái tim khán giả.
Khi xem bộ phim “Về nhà đi con”, tôi đã rất thích. Lúc ấy, tôi cứ ước ao, đã có một vai ông bố hay như của NSND Trung Anh, tại sao không có một vai bà mẹ hay như thế? Tất nhiên, lúc đó tôi chỉ ước có nhân vật mẹ thật hay trên màn ảnh, chứ không ước mình sẽ được lựa chọn vào vai đó.
Thật không ngờ, dự án “Thương ngày nắng về” lại xuất hiện, có vai bà mẹ hay như tôi đã ao ước và còn bất ngờ hơn khi tôi được mời vào vai bà mẹ. Tôi thực sự thấy mình may mắn khi nhận được vai bà Nga.
Vậy khi nhận được lời mời, cầm trên tay kịch bản “Thương ngày nắng về” như đã ao ước, cảm xúc của chị là gì?
- Tôi tràn đầy cảm xúc và khóc ngay từ khi đọc kịch bản. Trong suốt quá trình quay phim, tôi cũng khóc nhiều. Tôi còn nói vào đạo diễn, “có khi nào tôi đã khóc nhiều quá không?”, khóc nhiều quá cũng có thể gây phản tác dụng với khán giả.
Nhưng, vai bà Nga quá nhiều cảm xúc. Đến mức, nhiều khi tôi và bạn diễn còn chưa diễn, chưa vào cảnh, chỉ ngồi đọc thoại với nhau, chúng tôi đã khóc. Có lần, chuẩn bị vào cảnh quay, tôi và bạn diễn chỉ đang ngồi trò chuyện, tôi còn đang khen cái áo cô ấy đẹp, mà nước mắt đã lưng tròng, vì nghĩ đến cảnh sắp tới của bà Nga.
Tôi nhớ mãi một câu thoại của bà Nga, “Nếu cuộc sống này dễ dàng, người ta đã không đến với thế giới bằng tiếng khóc. Mẹ sống được đến giờ này thì con cũng làm được. Không sao đâu, có mẹ đây rồi”.
Ngoài đời, chị có phải là người hay khóc?
- Không, ngoài đời tôi rất ít khi khóc. Nhưng không hiểu vì sao, vào vai một người mẹ vất vả như bà Nga - tôi lại khóc nhiều đến vậy.
Tại sao chị ít khóc?
- Vì, như cách nói của nhiều người bây giờ, tôi là “mẹ đơn thân”. Tôi phải lo toan nhiều việc trong nhà, phải quyết định nhiều việc gia đình, nên tôi không cho phép mình yếu đuối, dễ khóc.
Liệu có phải vì mình đã phải gồng lên, phải mạnh mẽ quá lâu, nên khi đọc được những cảm xúc của bà Nga tảo tần, vất vả, cảm xúc trong chị mới vỡ òa và khiến chị khóc nhiều đến vậy?
- Tôi không cố gắng, không gồng lên, không cố tỏ ra mạnh mẽ. Tôi luôn biết rằng, cuộc sống không màu hồng. Ngày hôm nay khó khăn, nhưng chưa chắc đã phải là ngày khó khăn nhất. Những ngày khó khăn nhất còn ở phía trước. Trời thương ở mức nào, mình chấp nhận ở mức đó.
Tôi nghĩ vậy, nên cố gắng vượt qua mỗi ngày. Tôi chọn cách nghĩ, cách nhìn cuộc sống và sự khó khăn như thế, “hôm nay đã là gì, ngày mai có khi còn đen tối hơn”, hoặc tự trấn an mình, “những ngày khó khăn như thế mình còn vượt qua, thế này đã là gì”...
Bằng cách đó, mình có thể đi qua mọi sóng gió, mà không cần gồng lên.
Để vai diễn chân thực, sống động như cách chị đã xây dựng cho bà Nga ở “Thương ngày nắng về”, hẳn chị đã không chỉ diễn bằng kỹ năng, bằng kinh nghiệm, mà bằng chính cảm xúc, sự trải nghiệm của mình?
- Với người diễn viên, để nhập vai, phải có sự hiểu biết xã hội. Tôi không phải là nhà nghiên cứu về số phận phụ nữ, hay nữ quyền, nhưng tôi có sự quan sát. Tôi được dạy từ trong trường là phải luôn có sự quan sát cuộc sống, ghi lại trong đầu dáng vẻ, cách ăn mặc của mỗi nhóm người, mỗi thân phận, để đưa vào nhân vật của mình một cách phù hợp.
Xung quanh tôi, có rất nhiều phụ nữ như bà Nga. Tôi đi chợ, ra ngõ, đều bắt gặp những phụ nữ gồng gánh, buôn thúng bán bưng, tảo tần, mưu sinh, kiếm từng nghìn mỗi ngày để lo cho con cái. Tôi đã gặp những phụ nữ với gương mặt thất thần bên gánh hàng rong, khi cuối ngày, hàng bán chưa hết.
Tôi gom nhặt hết những thân phận ấy vào vai diễn của mình. Tôi cũng đi xin quần áo của các bà, các mẹ để về tạo dựng tạo hình cho bà Nga. Tôi còn đưa vào bà Nga chính hình ảnh của mẹ mình. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em. Mẹ tôi cũng đã phải tảo tần, vất vả, mưu sinh như thế để nuôi chúng tôi khôn lớn.
Vai bà Nga cũng vì thế mà khiến tôi xúc động và khóc nhiều.
Hình ảnh bà Nga với dáng chạy, dáng đi tất tả, với gương mặt chịu đựng, với áo quần cũ kỹ, tóc tai rối bời... là hình ảnh chị đã xây dựng từ mẹ mình?
- Từ rất nhiều những phụ nữ mà tôi đã gặp, từ mẹ tôi, từ chính những cảm xúc của tôi nữa. Bà Nga hy sinh hết thảy cho con cái, đến quan hệ với thông gia cũng phải chịu nhục, phải nhún nhường.
Tôi cũng có con gái, tôi rất hiểu cảm xúc của bà Nga, lúc nào cũng muốn làm đẹp lòng thông gia, muốn con rể được vui, để con gái mình được sống trọn vẹn với nhà chồng.
Có lẽ, vì sự chân thực ấy, mà mỗi khán giả xem đều thấy bóng hình của chính mẹ mình trong đó. Thông điệp sâu xa của “Thương ngày nắng về” là thông điệp về thân phận phụ nữ. Những người phụ nữ ở độ tuổi khác nhau, ở thế hệ khác nhau, phải gánh vác vô vàn những trách nhiệm với xã hội, với gia đình. Và họ đều đơn độc với những gánh nặng trên vai. Đã đi qua hành trình dài vất vả, góc nhìn của chị về thân phận phụ nữ giữa cuộc sống đương đại?
- Tôi khâm phục phụ nữ Việt Nam. Số đông phụ nữ Việt Nam đều vô cùng tần tảo, chịu thương chịu khó, hy sinh, bền bỉ... Họ đều quên mình, để sống vì chồng vì con. Sức chịu đựng của người phụ nữ là vô bờ bến.
Tất nhiên, tôi rất hiểu, đàn ông cũng có nỗi khổ riêng, có sự vất vả riêng. Đàn ông hay phụ nữ đều có sự vất vả, phải gánh trên vai áp lực theo cách riêng. Nhưng nếu như đàn ông nhìn thấy sự nỗ lực, hy sinh, chịu thương chịu khó đến quên cả cuộc sống riêng của hầu hết phụ nữ, thì “chị em” sẽ cảm thấy được san sẻ, được yêu thương, được an ủi biết bao nhiêu.
Tôi cũng nghĩ, thời đại đã thay đổi nhiều, giờ đây cuộc sống đã cởi mở hơn, thông tin được cập nhật, phụ nữ cũng nên mở những cuộc tranh luận, tìm ra giải pháp để giải phóng cho mình, vì trên tất cả, phụ nữ xứng đáng được hạnh phúc.
Chị có nghĩ, chị được mời vào vai bà Nga, vì hành trình dài vất vả và trải nghiệm sống mà mình đã có?
- Tôi không nghĩ như vậy. Là diễn viên phải đóng được nhiều dạng vai, nhiều thể loại phim, nhiều số phận nhân vật khác nhau. Tôi không muốn lặp lại mình. Và bà Nga là dạng vai tôi mới thử sức cũng như khai thác khả năng của mình.
Còn lý do đạo diễn chọn tôi? Có thể đơn giản chỉ vì tôi già và... béo (cười lớn).
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất