Trà Việt trong dòng chảy văn hóa

Chuyện 24h Thứ 4, 04/09/2024 20:43:35 PM Kim Trang

Những buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời còn e ấp chưa kịp ló rạng, hơi sương còn bảng lảng giăng mắc khắp đất trời, hương trà thơm nồng đã nhẹ nhàng len lỏi tới từng giác quan, khơi gợi những ký ức xa xăm và đánh thức một ngày mới bắt đầu.

Thong dong mỗi tách trà

Tâm rỗng rộng bao la

Uống trà trong nắng sớm Vườn tâm đầy hương hoa

(Viên Ngộ)

Hương trà từ bản sắc

Theo sử sách ghi lại, cây trà đã hiện diện trên mảnh đất Việt Nam từ hàng ngàn năm trước, mang theo trong mình những câu chuyện từ xa xưa, như một chứng nhân lặng lẽ của lịch sử và văn hóa dân tộc.

Việt Nam - một đất nước đã lặng lẽ trầm mình trong bao cuộc bể dâu của thiên tai, binh lửa, nhưng vẫn rạng ngời phẩm chất hào sảng, kiên cường vượt lên mọi bão giông. Cũng giống như cây trà, trải qua nắng gió, gội rửa mưa sa, chịu đựng sự biến thiên khắc nghiệt của thời tiết, rồi qua quá trình phơi, sao, vò, sấy, đã thành phẩm lại tiếp tục trui rèn qua nước sôi lửa bỏng – từ ấy mà sản sinh tinh túy mang hương vị của đất trời.

Quả thực, trong lòng mỗi người Việt Nam, trà không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống, mà còn là một phần của ký ức, một phần của truyền thống từ thuở ông cha. Hương trà bốc lên nhè nhẹ, lan tỏa trong không gian, mang theo sự bình yên, không chỉ quyến rũ khứu giác, mà còn khơi dậy những câu chuyện từ ngàn xưa.

Chén trà là đầu câu chuyện. Uống trà từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Từ trong những nghi lễ trang trọng, hay trong các bữa cơm gia đình hoặc những dịp gặp mặt bạn bè,… trà luôn hiện diện như một biểu tượng của sự hiếu khách, tôn trọng và gắn kết tình cảm. Mỗi lần pha trà, người ta không chỉ chú tâm vào lá trà, nước sôi, mà còn quan tâm đến cảm xúc của người thưởng trà.

Những lá trà được chọn lựa kỹ, nước phải đạt độ sôi vừa đủ, thời gian ngâm trà cũng cần sự tinh tế. Tất cả tạo nên một tách trà, không chỉ để uống, mà còn để cảm nhận. Khi rót trà vào chiếc tách nhỏ, từng giọt trà lăn tròn như những chiếc bánh xe, lăn từ quá khứ đến hiện tại, nối liền những thế hệ. Chính vì thế, tục uống trà không đơn giản chỉ là một thói quen, mà đó là một nghệ thuật sống, một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với con người. Chẳng phải vì thế mà nhà văn Nguyễn Tuân đã phải thốt lên: “Trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý.”

Ngày nay, trong thế giới hiện đại, khi mà mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng theo guồng quay của cuộc sống thời kỳ hội nhập, tục uống trà vẫn tồn tại và vẹn nguyên giá trị văn hóa, tinh thần, tách trà vẫn là biểu tượng của sự kết nối, sẻ chia. Giữa những bộn bề hối hả của đời sống công nghiệp, con người ta rất cần những giây phút lắng đọng để tâm được an tĩnh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi uống trà là thiền trà. Có lẽ, chính từ những điều giản dị ấy mà trà trở thành tri kỷ và trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Nam.

Từ truyền thống đến tương lai

Trước kia, sản xuất trà chủ yếu diễn ra tại các hộ gia đình trồng trà nhỏ lẻ với phương pháp chế biến thủ công và người dân thường chỉ sản xuất trà để tiêu thụ nội địa. Ngày nay, với sự phát triển của thị trường và nhu cầu tiêu thụ gia tăng, ngành trà dần chuyển mình sang hình thức sản xuất quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn và mang lại sản lượng cao hơn, khiến cho ngành công nghiệp trà ở Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế của đất nước.

Với khí hậu và địa hình thuận lợi, Việt Nam sở hữu nhiều vùng trồng trà nổi tiếng, sản xuất ra những loại trà chất lượng cao, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện Việt Nam là quốc gia có trữ lượng trà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới và đứng thứ 7 về sản xuất trà. Trà được trồng chủ yếu ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi có khí hậu mát mẻ và đất đai màu mỡ. Bảo Lộc, Lâm Đồng được xem là địa phương có diện tích trà lớn nhất cả nước. Nơi đây có điều kiện lý tưởng để trồng trà Ô Long – một nhóm trà hảo hạng, nhiều giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp trà tại Việt Nam đang dần tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, không ngừng sáng tạo và cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn giữ được hương vị, bản sắc truyền thống. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sinh học cũng giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất và tăng cường sự bền vững trong sản xuất.

Thương hiệu trà Đôi Dép - đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được vinh dự tham gia World Tea Expo 2024 tại Mỹ, đồng thời cũng là thương hiệu trà duy nhất được UNESCO trao chứng nhận “Người tiên phong trên hành trình di sản” tại Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các hội UNESCO thế giới lần thứ 43 diễn ra ngày 5/8 vừa qua tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hiện là một trong những doanh nghiệp trà tiên phong trong việc sáng tạo và cải tiến theo một quy trình khoa học xuyên suốt, từ làm sạch đất, cải thiện giống chè, lịch trình chăm bón và thu hái để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh. Doanh nghiệp này sở hữu hai vùng chuyên liệu chủ đạo của Lâm Đồng với đa dạng giống chè nguyên bản và chất lượng tại King Lộ – Di Linh và Đambri – Bảo Lộc, cho ra các sản phẩm trà được các chuyên gia Đài Loan và Nhật Bản đánh giá là không hề thua kém oolong từ những vùng núi cao của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản.

Nghệ nhân trà đạo Meada Kazunari trong buổi đối ẩm Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thức Việt Nam đã chia sẻ: “Trà Việt Nam rất êm dịu, ngọt ngào và dễ uống, nó thực sự rất ngon. Sau buổi giao lưu này, tôi muốn giới thiệu với người dân ở thành phố Sakai là ở Việt Nam có loại trà như thế này đó và bản thân tôi cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn về trà của Việt Nam.”

Tuy trà được lên men sâu nhưng lá trà sau khi phá lại có màu xanh mướt mát như lá chè tươi còn trên cành. Trà có rất nhiều tầng hương từ nồng nàn của hương hoa cho đến vị nhẹ nhàng của trái cây chín. Vị thơm của trái cây và các loại hoa lan tỏa khắp hơi thở, thanh tao, mềm mại, béo, ngọt và hoàn toàn không có vị chát đắng. Một số loại trà như trà Đại Hoàng Bào, khi lưu trữ trong thời gian dài (từ 5 năm – 8 năm) không những không bị hư mà còn tự chuyển hóa nội chất tạo những hương vị đặc trưng nồng nàn mà không thể nhầm lẫn với các loại trà nào khác.

“Với một quốc gia có nền văn hóa trà được tích tụ suốt 5000 ngàn năm. Vì thế, trà gắn trong mình cái đạo, cái thần, cái hồn của văn hóa Việt Nam. Trà chính là sợi dây kết nối con người lại với nhau. Phương Tây có Tea Break thì Việt Nam có Tea Connect. Tôi mong rằng, trà Việt sẽ sớm trở thành quốc ẩm của Việt Nam. Chúng ta hãy chung tay để cùng nhau trình lên Unesco công nhận văn hóa trà Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hiện chúng tôi đang có một dự án làm những chương trình thực cảnh để tái hiện lại toàn bộ văn hóa trà Việt và chúng tôi mong muốn tặng lại dự án này cho để đưa đến một tinh thần văn hóa trà rất đẹp của người Việt Nam.” – Trà nhân Phạm Công Tuấn Hạ bộc bạch.

Có thể nói, sự đổi mới, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ của các doanh nghiệp trà Việt Nam đã và đang mang lại những bước tiến vượt bậc cho ngành trà, định hình được tương lai trà Việt trong nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp bảo tồn và phát triển văn hóa trà truyền thống mà còn mở ra những cơ hội mới, đưa trà Việt vươn xa hơn trên bản đồ thế giới. Trà Việt - sự kết hợp hài hòa giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại đang dần trở thành biểu tượng của sự sáng tạo và bền vững trong dòng chảy văn hóa Việt. Hãy để trà dẫn lối chúng ta trở về với bản sắc, về với những giá trị xưa đẹp đẽ, và cùng nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa này cho những thế hệ mai sau!

Ý kiến bạn đọc