Trà Xuân: “Uống trà đi”

Chuyện 24h Thứ 7, 21/01/2023 21:11:58 PM P.T

Uống trà – một thói quen, một sở thích vô cùng phổ biến, hiện diện trong mọi mặt đời sống của người Việt, từ Bắc chí Nam.

“Không đâu như ở Việt Nam, trà có mặt ở rất nhiều cung bậc, từ đơn sơ, giản dị, hồn hậu đến cầu kỳ, tinh tế. Trà có thể “ngự” từ dinh thự công quyền đến hang cùng ngõ hẻm, đâu cũng có trà” –  tác giả Trần Quang Đức đã chỉ ra tỉ mỉ các cách uống trà trong cuốn “Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt”.

Người Việt dùng trà như một thức uống giải khát hàng ngày. Việt Nam là dân tộc duy nhất uống trà tươi. Lá chè được hái xuống, rửa sạch và cho vào nước sôi. Tuỳ vào sở thích mà người uống có thể om chè hay nấu trực tiếp lá chè trong ấm. Và cũng tuỳ vào sở thích, mà có người uống đặc hay nhạt, uống nóng hay lạnh, uống từng chung nhỏ  hay cả ly đầy.

Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2020 – Nguyễn Trần Khánh Vân

Những quán nước ven đường có lẽ là hình ảnh đặc trưng cho văn hoá uống trà của người Việt. Dù thành thị hay nông thôn, là buổi trưa hè nắng gắt hay tiết đông buốt giá, gọi một cốc trà, ngắm nhìn cảnh vật và lắng nghe những lao xao, mới cảm nhận hết cái đẹp dung dị và vi tế của đời sống. Nhất là vào tiết trời se lạnh miền Bắc, hớp một ngụm trà ấm nóng, trong tâm tưởng lại văng vẳng câu hát đầy biểu trưng “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ”. 

Nhiều truyền thuyết dân gian và cả nghiên cứu công phu đã chứng mình rằng: Trà xuất hiện tại nước ta từ 4000 năm trước, vào thời các vua Hùng. Nhiều vùng trà lâu đời ở các đồi núi cao thuộc miền Đông Bắc và Tây Bắc. Đầu thế kỷ 20, 1927, người Pháp xây dựng “sở trà Cầu Đất”. Đây là đồn điền và nhà máy chế biến trà công nghiệp đầu tiên của VN tại địa danh Cầu Đất, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với tổng diện tích hơn 60ha và 1000 nông phu.

Đến giữa thế kỷ 20, cây trà được trồng khắp các miền quê ngoài Bắc và Trung, diện tích lớn nhất ở hai tỉnh Phú Thọ và Quảng Nam.

Lê Quý Đôn trong cuốn Vân Đài loại ngữ (1773) đã mô tả cây chè tại vườn một gia đình của người Kinh ở vùng Thanh Hóa, ghi chép cụ thể về phong tục dân gian uống chè tươi, hay chế biến chè đơn giản (băm giã, ủ, phơi khô) của làng nghề làm chè Bạng nổi tiếng.

Sau đó, trà nhanh chóng được ưa chuộng trong đời sống cung đình. Ấy là loại trà ngon đựng trong lọ sứ, lọ thủy tinh, bên ngoài bọc giấy bạc, giấy bóng kính như bằng chứng của sự giàu sang quyền quý, để phân biệt đẳng cấp với bậc thứ dân trong xã hội phong kiến. Nhiều sử sách còn chép lại thú uống trà đầy vẻ cầu kỳ của các quan xưa: phải đủ than hoa, hỏa lò, siêu đồng, chén tống chén quân, khay chạm khảm...

Đối với trà Việt, chúng ta phải thấy 2 đặc tính quan trọng. Thứ nhất là tính đạ dạng. người Việt uống trà cầu kỳ có, giản đơn có, bất cứ khi nào, bất cứ đối tượng nào. Người ta cũng không ý thức uống trà trở thành 1 thức uống, uống mỗi ngày. Chúng ta thấy những gia đình miền bắc đều có ấm trà, chưa cần nói gì là mời chén trà ngay. Những hàng quán vỉa hè đến cao cấp đều có trà. Ngay cả quán cà phê cũng có trà miễn phí. Chúng ta chấp nhận trà song hành cùng nước lọc. Trong ứng xử người Việt, trà mang vai trò cầu nối, kết nối con người với nhau. Thời điểm người ta thưởng trà là lúc thong dong nhất, thoải mái nhất, an nhiên tự tại nhất.

Chén trà là đầu câu chuyện. Với một đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, dòng nước tinh khiết và cỏ cây xanh tốt là những tặng phẩm vô giá của tạo hoá. Vậy nên, việc đãi khách một chén trà âu cũng là cách để không quên nguồn cội và cảm tạ đất trời đã nâng đỡ bao thế hệ người Việt.

Người Việt thưởng trà không cầu kỳ hoa mỹ như Kung fu trà của Trung Quốc, Đài Loan, cũng không nghiêm ngặt như trà đạo của Nhật Bản. Thưởng trà của người Việt có thể gói gọn trong 2 chữ: giản dị và tinh tế.

Ông PHẠM CÔNG TUẤN HẠ - Trà nhân

Các yếu tố tạo nên nghệ thuật uống trà Việt bao gồm: nhất thuỷ, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ trạch, lục nhạc. Trạch chính là không gian thưởng trà, thường thấy là bên mái hiên nhà, hòa hợp với thiên nhiên, không đóng kín trong phòng. Còn nhạc là âm thanh, không chỉ của tiếng đàn sáo ngân nga mà còn là tiếng nước sôi, tiếng chim hót, tiếng ngọn gió lao xao ngoài bụi tre. Trà cụ, tức đồ dùng pha trà đạt sự tối giản cần thiết, mọi thứ đều đủ, không hoa mỹ phô trương. Nhưng vẫn toát nên sự tường minh trong thưởng trà của người Việt.

Chính vị sự giản dị và tinh tế mà chỉ cần 4 bước để có được một ấm trà ngon: tráng ấm chén, đánh thức trà, pha trà và thưởng trà. 

Bà Nguyễn Thị Tam Dân - Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Rồng Vàng

Việt Nam là quốc gia có trữ lượng trà xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, và đứng thứ 7 về sản xuất trà. Cây trà hay cây chè, trở thành loại cây công nghiệp, được trồng chủ yếu ở miền núi và trung du Bắc Bộ (chiếm khoảng 70%), kế đến là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. 

Có tới 170 giống trà được trồng và phát triển tại nước ta, từ những giống lâu đời như: shan tuyết, móc câu, trà xanh, trà ướp hướng đến những giống ngoại nhập như Ô Long, kim xuyên, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc... 

Từ điểm bắt đầu Cầu Đất, Đà Lạt, cây trà đã có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau 1930, trở thành cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất B’lao. Lâm Đồng được xem là địa phương có diện tích trà lớn nhất cả nước. Trong các tỉnh thành VN, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng là nơi có điều kiện lý tưởng nhất để trồng Ô Long – một nhóm trà hảo hạng, nhiều giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao. 

Nằm ở độ cao trên 900m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm nên Bảo Lộc trở thành mảnh đất trù phú và phù hợp cho việc trồng trà Ô Long. 

Để có một sản phẩm trà Ô Long chất lượng, đạt tiêu chuẩn cao thì đầu tiên chúng ta phải hái một búp trà đạt tiêu chuẩn: 1 tôm 2 lá, 2 đến 3 lá non. 

Quá trình chế biến trà Ô Long chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm héo nắng tới héo mát, quá trình lên men và định hình cuối cùng, khâu sấy thành phẩm. Tất cả đều quan trọng.

Nghệ nhân làm trà 20 năm

Phải mất hơn 30 giờ để tạo ra một mẻ trà Ô Long, từ việc mang trà tươi về, làm héo, quay thơm, lên men, xào trà, vò, sấy sơ, tạo hình và làm khô. Việc quan trọng trong các giai đoạn phụ thuộc vào việc căn thời gian phù hợp cho từng công đoạn dựa trên các kỹ thuật máy móc tân tiến và kinh nghiệm lâu năm của người làm trà. Trà Ô Long là một loại trà có quy trình chế biến phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn và được kiểm soát một cách nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, thu hái đến chế biến. 

Thiết bị và con người – 2 yếu tố không thể tách rời. Thiết bị phải đi theo yêu cầu công nghệ. Công nghệ của nó là công nghệ lên men thì các thiết bị đi theo để làm điều đó phải đáp ứng được trà dạng lên men. Còn con người, nếu như anh có thiết bị tốt mà không có con người làm chủ thiết bị và làm chủ công nghệ thì anh cũng không có cách nào làm ra trà ngon.

Ông TRẦN DOÃN HẢI – Giám đốc công ty TNHH Trà King Lộ, Bảo Lộc, Lâm Đồng

Nhiều sử sách ghi lại hình thức uống trà của người Việt khởi nguồn từ chùa chiền. Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà để giúp tỉnh được mộng trần và rửa được lòng tục.

Trong kho tàng văn học nước nhà, trà là một chủ đề gợi nhiều cảm hứng cho các tao nhân mặc khách sáng tác nên những áng thơ thanh thoát, thiền vị.

Như bài Sau loạn về Côn Sơn cảm tác của Nguyễn Trãi, có câu:

“Bao giờ lều cỏ núi mây

Pha trà nước suối, gối say đá mềm”

Hay:

“Khi hương sớm lúc trà trưa

Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm” của đại thi hào Nguyễn Du

Hoặc chất thiền toả ra trong tác phẩm Động hoàng hôn của Quách Tân -  một trong Bàn thành tứ hữu của phong trào Thơ Mới.

Hương trà chưa cạn chén hàn ôn Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển Gác chuông thành cổ động hoàng hôn

Không phải ngẫu nhiên mà hình thức thiền trà ngày càng phát triển trong cuộc sống nhiều bộn bề và hối hả ngày nay. Giữa sự năng động, huyên náo, nhanh vội của đời sống công nghiệp, con người ta rất cần những giây phút lắng đọng, để não được nghỉ ngơi và tâm được an tĩnh. Sự hoà quyện giữa thiền và trà giúp con người dễ dàng đi vào sự định tâm, từ đó sống chậm lại và an trú trong hiện tại “Hạnh phúc, bây giờ và ở đây”.

Uống trà đi –  lời mời trà mộc mạc, chân thành, nhưng đó cũng là một công án thiền trứ danh mà người thưởng trà, yêu trà và ngẫm trà nào cũng biết đến.

Thượng toạ Trí Chơn - Trưởng ban Văn hoá Giáo hội Phật giáo TPHCM

Người xưa thường ví mỹ nhân tựa đoá trà my, bởi nét đẹp thanh tao, thuần khiết. Chính vì vậy, hình ảnh người con gái e ấp pha trà luôn gợi lên sự đài các, kiêu sa mà không nhuốm bụi trần.

Đồi trà Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Thời gian gần đây, VN liên tiếp ghi dấu ấn trên bản đồ nhan sắc thế giới. Những đại diện vẻ đẹp Việt tại đấu trường quốc tế đã chuyển tải hình ảnh người phụ nữ Việt tươi trẻ, cá tính nhưng không kém phần duyên dáng, sang trọng. Còn gì ý nghĩa bằng khi đại diện nhan sắc cho dân tộc lan toả những tinh hoa văn hoá bản địa đến bạn bè khắp năm châu, mà trong đó văn hoá pha trà và thưởng trà là một phần làm nên cốt cách con người Việt Nam.

Văn hoá trà hiện hữu trong tất cả các hoạt động đời sống của người VN, từ sinh hoạt thường nhật cho đến những ngày lễ tết trọng đại.

Chén trà kết duyên đôi lứa trong ngày vu quy

Chén trà dâng lên tổ tiên trong ngày giỗ chạp

Hay chén trà khởi đầu năm mới bên gia đình, người thân và bè bạn.

Mỗi chén trà được trao gửi như sợi dây kết nối các thành viên, các thế hệ thêm gắn chặt vào cội rễ quê hương, bản quán.

Nhấp một ngụm trà để biết ơn mưa móc đất trời và bàn tay con người đã vun trồng, chăm bóc

Và để cho từng giọt trà thấm sâu vào cổ họng để cảm nhận cái ngọt ngào sau mỗi đắng cay, để tin tưởng rằng: Gian khó nào rồi cũng kết thúc có hậu và tương lai luôn xán lạn phía trước.

Có lẽ, đó chính là cái đạo trong nghệ thuật trà Việt Nam.

VIỆT TRÀ THỨC - Tinh hoa văn hoá Việt

Ý kiến bạn đọc