Starlight Thứ 7, 01/02/2020 10:34:32 AM Theo Zing
Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp khống chế sự lây lan của virus corona. Trong đó, việc hạn chế các hoạt động vui chơi - giải trí đặc biệt được chú trọng.
Năm 2003, đại dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc đã tàn phá nặng nề nền công nghiệp giải trí Hoa ngữ. Theo TMT Post, chỉ tính riêng ở showbiz Hong Kong - nơi gần tâm dịch Quảng Đông, SARS đã khiến quá trình quay phim ngưng trệ trong 4 tháng, hơn 60 rạp chiếu phim hoạt động vỏn vẹn được 4 ngày vào những ngày đầu tháng 2 rồi đóng cửa im lìm trong 5 tháng, doanh số phòng vé cũng chỉ kiếm được 9 triệu NDT. Thế nhưng, đây chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, tổn thất do căn bệnh bí ẩn năm xưa gây ra còn nghiêm trọng hơn thế.
17 năm sau, cũng vào thời điểm giá lạnh, chủng virus mới có tên gọi nCoV bùng phát và một lần nữa làm cả Trung Quốc sống lại những ký ức kinh hoàng về dịch SARS 2003. Tính đến nay đã có gần 9.700 người bị nhiễm bệnh và 213 ca tử vong vì virus corona.
Vì sự lây lan mạnh mẽ của dịch viêm phổi lạ, chính phủ đất nước tỷ dân buộc phải ban bố lệnh "cấm vận" tất cả hoạt động vui chơi - giải trí, tập trung nguồn lực chống dịch trên mọi phương diện kể từ dịp Tết Nguyên đán.
Hạn chế tụ tập đông người, phim chiếu rạp bị cấm
Từ ngày 22/1, chính quyền Trung Quốc đã phát đi tin tức virus corona lây từ người sang người và thông báo tình trạng nhiễm bệnh "leo thang" ở Vũ Hán và nhiều tỉnh lân cận. Lời kêu gọi phòng chống dịch bệnh lây lan bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, giảm thiểu nơi tụ tập đông người xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông và được nhiều người hưởng ứng.
Một ngày sau, 7 ê-kíp phim Hoa ngữ có lịch khởi chiếu từ mùng 1 Tết (25/1) đều đồng loạt tuyên bố rút khỏi hệ thống rạp. Thông điệp lần lượt được các nhà sản xuất đưa ra: "Phòng dịch là điều quan trọng nhất, sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu hiện nay" hay "Nhân viên y tế đang chiến đấu ở tiền tuyến. Người dân cả nước cần có trách nhiệm và nghĩa vụ hợp tác với các biện pháp được Chính phủ đưa ra để chống lại sự lây lan của virus corona".
E ngại sự lây lan ngày càng rộng của chủng virus mới, ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc phát chỉ thị yêu cầu chủ đầu tư xem xét đóng cửa 70.000 rạp chiếu phim trên khắp cả nước. Riêng các cụm tại Vũ Hán và một số thành phố lân cận buộc phải đóng cửa hoàn toàn cho đến khi có lệnh từ nhà chức trách mới được hoạt động trở lại.
Ở các thành phố ít bị ảnh hưởng bởi corona, rạp chiếu phim vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên chủ rạp được yêu cầu phải treo poster và phát các đoạn phim hướng dẫn người dân đương đầu với dịch bệnh.
Dù vậy, chuỗi rạp hàng đầu ở Trung Quốc như Wanda, CGV, Bona, Lumiere Pavilions, Jinyi, Dadi... cũng đã chủ động thông báo đóng cửa khử trùng và tạm ngưng hoạt động toàn hệ thống cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Theo QQ, ngành công nghiệp điện ảnh ước tính sẽ chịu thiệt hại lên đến hàng chục nghìn USD do phim không thể ra rạp, còn rạp không thể bán vé vì virus corona.
Phim trường đóng cửa, ê-kíp giải tán
Sau lĩnh vực điện ảnh, đến ngày 27/1, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) chính thức "phong ấn" phim truyền hình. Trong thông báo được gửi đi, nhà chức trách yêu cầu "đóng cửa phim trường, tạm dừng các tổ quay phim để ngăn chặn sự lây nhiễm chéo của virus corona".
Nguyên nhân xuất phát từ việc số ca nhiễm corona ở Chiết Giang - nơi tọa lạc của phim trường lớn nhất thế giới Hoành Điếm - khi đó đã chạm mốc 30 người và đang có dấu hiệu lây lan diện rộng. Nhận được chỉ thị của Chính phủ, hai phim trường Hoành Điếm và Tượng Sơn đã ra thông báo tạm đóng cửa, ngừng mọi hoạt động quay phim, tham quan thắng cảnh.
Sau Chiết Giang, chính quyền các tỉnh Hải Nam, Thượng Hải, Trùng Khánh... cũng đưa ra thông báo cấm các đoàn phim hoạt động trong thời gian dịch tễ hoành hành.
Theo thống kê của Sina, tính đến hiện tại, đã có 20 dự án phải ngừng quay vì corona. Trong đó, các tác phẩm điện ảnh và truyền hình bị ngưng ở phim trường Hoành Điếm chiếm hơn 50% với 13 bộ phim. Giới chuyên gia nhận định sản lượng phim cả toàn ngành trong năm nay ước tính giảm ít nhất 1/4 so với tổng sản lượng năm 2019 là 646 bộ.
"Dừng quay đồng nghĩa với việc mỗi ngày đều đốt tiền một cách vô nghĩa. Áp lực tài chính sẽ đè nặng lên các nhà sản xuất. Thậm chí đến cả các công ty quản lý nghệ sĩ còn tuyên bố 'vô công rỗi nghề'. Nguy cơ cả showbiz thất nghiệp vì dịch đang hiện hữu trước mắt", Sina bình luận.
Giải trí ngoại tuyến bị đóng băng
Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động diễn ra các đại nhạc hội quy mô lớn ở Trung Quốc khi khán giả được nghỉ lễ dài ngày và có xu hướng đổ xô đi xem các show âm nhạc để giải trí. Nhiều nghệ sĩ, nhà tổ chức sự kiện cũng đánh vào tâm lý này mà tổ chức concert, live show phục vụ người hâm mộ.
Tuy nhiên, các sự kiện lớn nhỏ nói trên đều đã bị hủy bỏ hoàn toàn. Thái Y Lâm, Đới Bội Ni, Dương Thừa Lâm, Trần Dịch Tấn, Lê Minh, Lưu Đức Hoa, R1SE, Lương Tĩnh Như... đã tuyên bố hủy live show vì dịch bệnh. Trong đó, Thiên vương Lưu Đức Hoa hủy đến 12 buổi diễn ở cả Hong Kong và Đại lục.
Địa điểm tổ chức đại nhạc hội như Trùng Khánh NUST, Lan Châu Live house, Côn Minh MAO, Trung tâm Văn hóa Mercedes-Benz Thượng Hải... cũng tuyên bố đóng cửa để đảm bảo an toàn. Phía đơn vị tổ chức bán vé là Xiudong.com, Weibo Yinyue... phải hoàn tiền cho toàn bộ khán giả mua vé trước đó.
Chưa có thống kê cụ thể về số tiền thiệt hại của các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc. Tuy nhiên, con số này có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Đơn cử như show My Love Andy Lau Tour của Lưu Đức Hoa có giá vé dao động từ 680-2580 NDT, gần sát Tết giá vé bị đẩy lên 1.000-2.630 NDT giúp đơn vị tổ chức hốt bạc. Hủy show đồng nghĩa với việc phải huy động ngược trở lại nguồn tiền đã thu để trả về cho từng khách hàng. Điều này vô tình khiến việc xoay vòng vốn gặp khó khăn.
Không chỉ vậy, rất nhiều danh thắng, bảo tàng, hội chợ xuân, công viên tại Trung Quốc thậm chí còn thông báo đóng cửa địa điểm trước khi dịch lan đến khu vực như Vạn Lý Trường Thành, Thiên An Môn, Disneyland Thượng Hải và Hong Kong, Tử Cấm Thành...
Mới đây, khi 31/31 tỉnh, đặc khu hành chính và thành phố tự trị đều có người mắc corona, Chính phủ đã ban bố lệnh đóng cửa và khử trùng toàn bộ các địa điểm công cộng, có không gian kín như bar, quán karaoke, quán cà phê, tiệm Internet...
Theo Sohu, do hạn chế ra ngoài, nên người dân cũng đã chuyển sang chơi game giết thời gian hoặc quay video ngắn đăng Douyin. Chỉ trong 2 tuần dịch bùng phát, cổ phiếu của các công ty game tại Trung Quốc đã nhảy vọt trên sàn chứng khoán. Trong đó, doanh thu của Tencent Games - đơn vị nắm bản quyền 2 games có lượt DAU (lượng người dùng tương tác hàng ngày) là Honor of King và Anh hùng hòa bình đạt ít nhất 2 tỷ NDT/ngày.
Quyết liệt trong cuộc chiến đưa tin về dịch
Sau ngày 20/1, tình trạng hỗn loạn thông tin với không ít các tin đồn sai lệch về dịch viêm phổi corona xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Việc này càng gieo rắc thêm sự lo lắng và hoảng loạn cho người dân Trung Quốc. Ngay cả khi cơ quan cấp cao, nhân vật uy tín trong ngành y tế lên tiếng đính chính, tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Để đối phó với thực trạng trên, Tổng cục Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) đã ra thông báo tạm ngừng ghi hình, phát sóng các show giải trí và phải tăng cường các chương trình thông tin dịch bệnh viêm phổi corona. Trong đó, 36 đài truyền hình vệ tinh quốc gia bị bắt buộc phát sóng tiết mục, chương trình hướng dẫn phòng chống dịch bệnh 24/24h.
Thực hiện chỉ đạo từ phía Tổng cục, nhiều đài truyền hình vệ tinh quốc gia ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang, An Huy, Trùng Khánh, Sơn Đông... đã sản xuất hàng loạt chương trình truyền hình trực tiếp, cập nhật liên tục về tình hình dịch corona ở khắp nơi để thông tin đến người dân.
Một số đài chuyên sản xuất các show giải trí như đài Hồ Nam và Chiết Giang cũng đã hủy phát sóng và ghi hình toàn bộ các chương trình tạp kỹ, thực tế ăn khách như Happy Camp, Vương bài đối vương bài, Lãng du ký...
Riêng đài Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh - đã hủy phát sóng toàn bộ chương trình giải trí, kể cả phim, chỉ chiếu bản tin nói về corona trong cả một ngày. Theo ghi nhận của 163, kể từ khi chỉ đạo của Tổng cục ban hành, hơn 50% chương trình giải trí đã bị cắt sóng trên các đài.
Không chỉ truyền hình, các nền tảng ứng dụng trực tuyến như iQiyi, Tencent, Youku, Xigua, Bilibili... còn tạo hẳn một chuyên mục lớn trên trang chủ để cập nhật kịp thời diễn biến mới nhất tình hình dịch corona trong và ngoài nước.
Trước đó, do dịch bùng phát nhanh chóng, nhiều nhà đài cũng phá bỏ nguyên tắc truyền thống khi quyết định ghi hình trước toàn bộ chương trình mừng xuân để phát sóng vào đêm giao thừa, thay vì truyền hình trực tiếp và bán vé cho người dân xem đại nhạc hội.
Chỉ duy nhất CCTV là giữ lệ cũ, nhưng ở trong tình trạng vừa quay vừa phòng dịch. Trước ngày lên sóng, nhà đài này đã mời đội ngũ nhân viên y tế phun khử trùng khu vực hậu đài ghi hình Xuân Vãn và toàn bộ khán đài. Nhiều ngôi sao khi đến địa điểm ghi hình như Ngô Lỗi, Lý Hiện, Trần Vỹ Đình, Lý Vấn Hàn, Trương Thiên Ái, Châu Đông Vũ, Tống Tổ Nhi và nhân viên chương trình... cũng tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang y tế, che chắn kín mít.
Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ các show giải trí đều đã tạm ngừng quay hình chờ tin tức từ Chính phủ. Mới đây nhất, TVB cũng đã phát thông báo tạm hoãn cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Quốc tế Trung Quốc 2020 vì tình hình diễn biến phức tạp của dịch corona ở cả Hong Kong và Đại lục.
Tin cùng mục Starlight
Tin mới nhất