Hậu trường Thứ 6, 11/06/2021 21:42:33 PM Theo Ngôi sao
Đại gia Đức An có cảm giác bị vợ - cựu người mẫu Phan Như Thảo - theo dõi suốt 24 giờ vì cả hai đã cách ly cùng nhau hơn ba tuần.
- Một ngày giãn cách xã hội của gia đình anh diễn ra thế nào?
- Vì Bồ Câu không phải đi học và Thảo đã tạm đóng cửa cơ sở kinh doanh nên chúng tôi thức dậy muộn hơn. Sau đó, cả nhà cùng ăn và ngồi xem TV. Mỗi người sẽ tìm một việc để làm cho thời gian mau qua. Tiếp đến lại lo ăn uống, tắm giặt trước khi cùng leo lên giường ngủ. Tôi tìm niềm vui khi nấu nướng còn Thảo nghiên cứu về công việc của cô ấy.
Rảnh quá, Thảo mang đồ của Bồ Câu ra thêu rồi dụ con mặc. Con thì miệng khen: "Áo đẹp mẹ làm cho con, con thích. Con yêu mẹ lắm đó" rồi chạy đến ôm và hôn mẹ. Nhưng lúc Thảo nói "mặc vào cho mẹ xem" thì con kêu "không thích". Thảo mê làm bánh nhưng tôi khuyên không nên vì làm thì lại phải ăn. Ăn trong thời gian này sẽ chẳng có gì tốt cho cơ thể. Tốt nhất ăn nhẹ, vừa đủ và thiền để đỡ căng thẳng.
May mắn là Bồ Câu đã lớn, biết chơi một mình và trò chuyện với cha mẹ nên chúng tôi cũng vui. Trẻ con cần sinh hoạt ngoài trời nhiều để phát triển toàn diện. Thật tội cho con vì phải cố nhịn trong thời gian này.
- Suốt nhiều ngày ở yên trong nhà, tâm trạng anh ra sao?
- TP HCM thực hiện giãn cách xã hội kể từ ngày 1/6, nhưng chúng tôi đã chủ động phòng dịch từ 21/5. Tính đến nay, tôi, Thảo và Bồ Câu đã ở trong nhà được 22 ngày.
Bồ Câu sau ba tuần không được ra ngoài chơi thì đòi hỏi về việc đó, nhưng Thảo giải thích rằng không nên ra đường vì đại dịch, con cũng đồng ý và vui vẻ quay lại với những đồ chơi có sẵn. Nhưng con thấy sung sướng lắm, ở nhà được ngủ dậy trễ và tối thức khuya để chơi, không bị quản lý giờ giấc như trước nên mỗi khi nhắc chuyện đi học, con đều nhanh nhẹn trả lời: "Không, con không muốn đi học".
Vợ chồng tôi thì cả ngày đi qua, đi lại và quay đâu đều nhìn thấy nhau. Hoàn cảnh ấy chắc nhà nào cũng gặp trong giai đoạn này, giống như cả hai đang bị theo dõi. Chúng tôi chán lắm mà không làm sao được. Đôi lúc hai vợ chồng muốn phát điên vì không dám ra khỏi cửa. Thỉnh thoảng, tôi thèm ly cà phê nhưng quyết không đi mua hay gọi giao hàng vì sợ lỡ con vi trùng nào "xâm nhập bất hợp pháp". Việc tiếp xúc với người giao hàng cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến cả nhà trở thành F1 hoặc F2. Chỉ vì ly cà phê mà bị "nhốt" trong khu cách ly 21 ngày thì thật đáng tiếc.
- Anh từng chia sẻ bản thân mắc hội chứng perfectionist - chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến người mắc trở nên quá sạch sẽ, cầu kỳ và khó tính. Điều này thể hiện thế nào khi đại dịch đe dọa?
- Lần này bên cạnh hội chứng quá sạch sẽ, tôi còn nhát gan và sợ chết nữa. Tôi nghĩ mạng sống không thể nào đem ra thử thách được. Từ dịp lễ 30/4 đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của việc bùng phát dịch trở lại. Vậy nên quyết định giãn cách chủ động từ 21/5 của gia đình tôi không phải là sớm.
- Là đầu bếp chính trong nhà, anh thường nấu món gì cho vợ con để đảm bảo dinh dưỡng mùa dịch?
- Thời gian này, chúng tôi ít hoạt động nên cũng hạn chế ăn. Bình thường tôi không thích ăn súp, gần đây chọn nấu súp mỗi tối để dễ tiêu hóa và giúp xử lý các rau củ không tươi do bảo quản lâu trong tủ lạnh. Bồ Câu thì ăn trứng chiên, trứng luộc và bánh ngũ cốc với sữa. Ngoài ra chúng tôi đổi bữa với hai món chính là cá một nắng chiên với cơm trắng hoặc gà chiên.
- Anh làm cách nào để có nguyên liệu tươi ngon khi không ra ngoài suốt nhiều tuần?
- Trước đó, tôi mua nhiều thực phẩm về chứa trong tủ lạnh, bao gồm một thùng rau củ đủ ăn cho cả tháng. Đồ ăn mang về, tôi chia thành các phần nhỏ dùng cho từng bữa trước cấp đông. Rau củ thì loại nào nhanh hỏng tôi sẽ ưu tiên nấu trước. Nếu cần thêm gì, Thảo sẽ đặt đồ ngoài chợ rồi kêu họ mang đến nhà hoặc bạn bè liên tục biếu món ngon. Mọi thứ trước khi đưa vào nhà, tôi ra tận ngõ để dùng cồn khử trùng nhiều lần. Tôi biết như thế hơi quá nhưng thà làm vậy để cảm thấy yên tâm.
- Anh nhớ điều gì nhất khi nghĩ về 'những ngày tự do' trước đây?
- Tôi nhớ phòng tập. Trước đây mỗi ngày tôi đều dành ít nhất hai giờ để tới phòng tập. Vì không thể đi tập, tôi lười vận động hơn do nhà tôi bé, không có chỗ trang bị máy móc phục vụ tập luyện. Vậy nên tôi xem thời gian này như dịp để dưỡng cơ thể. Nhưng hy vọng kỳ nghỉ dưỡng này không quá dài.
- Trải qua hai năm kinh tế trì trệ vì Covid-19, công việc của anh gặp khó khăn gì?
- Ai cũng chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch này. Người ta nói "thuyền lớn thì sóng lớn". Gia đình tôi chẳng ngoại lệ, cũng phải chịu chung số phân với mọi người. Chúng tôi đành ăn tiêu ít đi, lo tích trữ và chuyển đổi mục đích theo biến đổi của kinh tế toàn cầu.
- Anh sẽ làm gì đầu tiên khi dịch Covid-19 được kiểm soát?
- Tôi muốn đi khắp Việt Nam và cả những nơi đang dự định đi trên thế giới. Tôi sốt ruột trở lại công việc trước đây; được tự do và đặc biệt tới phòng tập; đi gặp gỡ, nhậu, trò chuyện với những người thân yêu. Tôi còn quá nhiều dự định xây cất cần phát triển mà hiện tại phải ngưng hết.
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất