Chuyện 24h Thứ 3, 16/02/2021 12:30:05 PM Theo Nhịp sống kinh tế
"Trong cuộc sống, nếu vợ chồng thấu hiểu nhau, cha mẹ thấu hiểu con cái và ngược lại, đồng nghiệp thấu hiểu lẫn nhau, bạn bè thấu hiểu nhau….chắc chắn sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho nhau. Trong kinh doanh cũng vậy..."
Cách đây tròn 1 năm, ông Ilya Koltygin, một quản lý cấp cao người Nga với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, hàng tiêu dùng tại châu Âu đã chia sẻ với chúng tôi rằng, ông chọn Việt Nam làm điểm dừng chân vì sức rất hấp dẫn trong văn hoá kinh doanh. Nếu như ở phương Tây, các doanh nghiệp được tạo ra hoàn toàn dựa trên các quy tắc và quy định, thì tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động lại dựa trên nhiều hơn các mối quan hệ, sự gắn bó và sẻ chia cùng nhau.
Chẳng hạn tại Đôi Dép - nơi ông đang làm Giám đốc điều hành, văn hoá của doanh nghiệp là trung thành với sứ mệnh "không thể thiếu nhau". Mỗi sản phẩm, dịch vụ ra đời là một phần không thể thiếu tạo nên hệ sinh thái và mang lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng – người bán và người mua không thể thiếu nhau để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Đến nay sau 1 năm nhìn lại, ông Ilya ngày càng cảm thấy những gì mình chọn là đúng, ngày càng thấy yêu mến và gắn bó với Việt Nam cũng như văn hoá kinh doanh của người Việt hơn. Đặc biệt, chính nhờ triết lý kinh doanh độc đáo mà ông và các cộng sự đang theo đuổi, Đôi Dép đã vượt qua năm khó khăn như 2020 một cách ngoạn mục và đang hướng về tương lai sáng hơn trong năm 2021.
Không thể thiếu nhau giữa người bán và người mua, giữa người làm chủ và nhân viên
Covid-19 đã "giáng" những đòn khá mạnh vào mảng du lịch trong năm qua, và một phần của hệ sinh thái này là Tea Resort cũng không là ngoại lệ.
Trong khi mọi năm, khách nước ngoài tự họ booking hoặc các đơn vị kinh doanh tour đều đặt kín phòng trong dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ, thì năm 2020, khi Covid-19 xảy ra, đặc biệt là giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội, các chuyến bay thương mại quốc tế tạm dừng, nhiều nước thực hiện đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các khách hàng đã huỷ tour hàng loạt. Có những thời điểm như dịp 30/4 – 01/5 ở Tea Resort - một điểm du lịch tắm bùn khoáng thuộc diện lớn nhất và "xịn" nhất khu vực Nam Trung Bộ - lại không hề có khách cho dù khu vực này không hề có ca nhiễm nào. Doanh thu của đơn vị vì thế bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhớ lại quãng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp làm du lịch đã phải thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ luân phiên để "tồn tại". Nhưng ở Tea Resort nơi ông Ilya đang trực tiếp điều hành, những người làm chủ đã đi đến quyết định đi ngược với số đông là không cắt giảm việc làm. Bởi họ hiểu, doanh nghiệp khó khăn, nếu bị hụt thu, thậm chí thua lỗ trong giai đoạn này thì các nhà đầu tư vẫn còn vốn và vẫn còn tương lai ở phía trước. Khi dịch bệnh qua đi, kinh doanh sẽ trở lại bình thường và sẽ tiếp tục có lãi. Nhưng người lao động thì không thế, họ sẽ vất vả hơn doanh nghiệp rất nhiều bởi đằng sau mỗi người còn gánh theo cả một gia đình, họ không có đồng vốn đầu tư nên cũng không thể trông chờ vào sự cải thiện ở tương lai. Trong lúc gian nan nhất, họ - người chủ và nhân viên – hơn lúc nào hết phải ở bên nhau để cùng nhau vượt qua, cùng nhau đi tiếp chặng đường dài phía trước.
Và bởi triết lý không thể thiếu nhau đã "thấm" vào tất cả mọi người trong hệ sinh thái ấy, nên những người lao động cũng tự nguyện cắt giảm phần nào thu nhập để chia sẻ khó khăn với ông chủ. Một tảng đá nếu chỉ một vài người khiêng sẽ nặng vô cùng, nhưng nếu tất cả cùng chung tay nâng đỡ, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và có thể đi được nhanh hơn, xa hơn. Với họ, giữ được công việc ổn định, cuộc sống của gia đình không bị xáo trộn nhiều trong lúc khó khăn chính là động lực để tiếp tục cống hiến.
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, những con người nơi đây ngoài duy trì hoạt động, còn ra sức góp phần cùng cộng đồng chống dịch bằng những hỗ trợ về vật chất và xây dựng các clip tuyên truyền vệ sinh chống dịch như vũ điệu rửa tay, kêu gọi mọi người đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, kết hợp với quảng bá du lịch Việt Nam và đưa lên trên các trang mạng xã hội để bạn bè thế giới biết đến đất nước, con người Việt Nam nhiều hơn.
Rồi khi làn sóng Covid-19 lần thứ nhất qua đi, du lịch nội địa phát triển nhanh, các khách hàng trong nước lại đặt tour "ầm ầm", các phòng của Tea Resort "full" trở lại. Thấu hiểu sự không thể thiếu nhau giữa không chỉ người chủ với người lao động, mà còn là giữa người bán dịch vụ với khách hàng, doanh nghiệp này đã quyết định giảm đáng kể giá thành để tri ân và thu hút thêm khách hàng mới. Đến cuối năm 2020 nhìn lại, mảng du lịch của Đôi Dép dù không đạt lợi nhuận nhiều như kỳ vọng ban đầu, song cũng không "tệ" đến mức như họ từng lo sợ. Mọi thứ vẫn bình ổn nhờ sự đồng hành cùng nhau.
Cả hệ sinh thái nâng đỡ lẫn nhau vượt khó khăn
Hệ sinh thái không thể thiếu nhau của Đôi Dép ra đời từ xoay quanh 3 trụ cột chính là trà, cà phê - du lịch - sản phẩm tiêu dùng nhanh. Có thể kể đến các thương hiệu như chuỗi cà phê Tea Garden, chuỗi Tea Shop, Tea World; dịch vụ lưu trú, nhà hàng gồm Sandals Star, Sandals Hotel, Tea Villa, khu nghỉ dưỡng bùn khoáng Tea Resort, và hàng trăm sản phẩm trà, cà phê và nước uống đóng chai khác.
Trong điều kiện bình thường, chẳng hạn như giai đoạn 2018 - 2019, theo chia sẻ của những người quản lý chuỗi kinh doanh này, sự tăng trưởng ghi nhận rất lớn, có những mảng tăng 3 chữ số. Hệ thống cũng nhanh chóng được mở rộng, từ một địa điểm duy nhất là Bảo Lộc của Lâm Đồng, sau đó lan ra vùng tam giác vàng Tp.Hồ Chí Minh – Bảo Lộc – Nha Trang. Sản phẩm ban đầu chỉ là một điểm kinh doanh cà phê theo mô hình du lịch sinh thái, sau cũng lan rộng ra các mảng khác từ hàng tiêu dùng cho đến du lịch. Hơn thế nữa, các sản phẩm ban đầu chỉ được tiêu thụ tại điểm kinh doanh (năm 2014), nhưng chỉ sau 6 năm hoạt động thì đã được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn với khách du lịch chủ yếu là khách Nga, một số sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và nhiều sản phẩm khác được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi khách sạn và resort cao cấp.
Còn như năm 2020, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới mảng du lịch, nhưng nhờ triết lý kinh doanh không thể thiếu nhau, thì hai trụ cột còn lại hàng tiêu dùng và trà, cà phê vẫn tăng trưởng tốt nhờ đa dạng hoá sản phẩm và tăng cường xuất khẩu, nên tổng hoà cả hệ sinh thái vẫn bình an và ghi nhận tăng trưởng, dù không nhiều.
"Trong cuộc sống, nếu vợ chồng thấu hiểu nhau, cha mẹ thấu hiểu con cái và ngược lại, đồng nghiệp thấu hiểu lẫn nhau, bạn bè thấu hiểu nhau….chắc chắn sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho nhau. Trong kinh doanh cũng vậy, người làm chủ phải thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của nhân viên để cùng họ sẻ chia, doanh nghiệp không thể thiếu khách hàng, người mua và người bán luôn cần có nhau…tất cả không thể thiếu nhau dù trong hoàn cảnh nào. Cũng giống như những vần thơ trong bài thơ Đôi dép của tác giả Nguyễn Trung Kiên vậy: Hai mảnh đời thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia…. Khi có nhau, không thể thiếu nhau thì những giá trị mà hai bên mang đến cho nhau sẽ ngày càng tốt đẹp. Tôi trân trọng điều đó, muốn đưa nó vào kinh doanh và sẽ tiếp tục theo đuổi triết lý này trong thời gian tới" – người sáng lập của Đôi Dép chia sẻ.
Dự báo về năm 2021, người sáng lập chuỗi kinh doanh Không thể thiếu nhau cho biết, tình hình dịch bệnh thời gian tới còn phức tạp nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên bất kể doanh nghiệp nào cũng vậy, khi có định hướng rõ ràng để tồn tại thì sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn hơn. Hơn nữa, khó khăn không tước đi mọi thứ mà vẫn tạo ra cơ hội và những ai có nền tảng vững chắc, biết nắm bắt cơ hội thì thành công chắc chắn sẽ đến. Vị này đồng thời tiết lộ tham vọng của Đôi Dép trong thời gian tới là sẽ phát triển mạnh hệ sinh thái với sự đa dạng hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời mở rộng hơn thị trường thêm không chỉ ở châu Á mà còn sang Mỹ và châu Âu để bạn bè thế giới biết nhiều hơn tới các sản phẩm, dịch vụ của người Việt./.
Tin cùng mục Chuyện 24h
Tin mới nhất