Khám phá Thứ 4, 25/11/2020 22:53:40 PM Theo Zing
Hơn 2.500 người tham gia lễ rước tượng Phật Thích Ca về chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Tượng cao 2,2 m, nặng 3,8 tấn và được tạc nguyên khối từ đá ngọc thạch Canada.
UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vừa thông tin về chuỗi sự kiện “Hành trình về miền Di sản - Thách địa Phật giáo Trúc Lâm” được tổ chức tại địa phương. Sự kiện gồm nhiều chuỗi hoạt động như lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm; Hội thảo “Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử”; Lễ dâng hương tưởng niệm 712 năm ngày Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và động thổ khởi công tu bổ, tôn tạo chùa thượng Ngọa Vân….
Mở màn chuỗi sự kiện là lễ rước tượng Phật Thích Ca cùng sự tham gia của hơn 2.500 người được tổ chức vào ngày 28/11 từ trung tâm thị xã về chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều.
Tượng Phật Thích Ca được tạc bằng đá thạch ngọc nguyên khối cao 2,2 m, nặng 3,8 tấn. Ảnh: TX Đông Triều. |
Ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, cho biết pho tượng Phật Thích Ca cao 2,2 m và nặng 3,8 tấn do một doanh nghiệp cúng tiến. Pho tượng được tạc từ đá ngọc thạch nguyên khối có nguồn gốc tại vùng bắc Vancouver, Canada.
Các nghệ nhân của Nepal, Ấn Độ và Thái Lan đã chạm khắc khối đá tại Thái Lan theo nguyên mẫu tượng Phật Thích Ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ) để điêu khắc thành kim thân Đức Phật.
Pho tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen trong tư thế liên hoa tọa, thần thái đầy từ bi với ý nghĩa những ai có cơ duyên chiêm bái Phật ngọc sẽ có được bình an trong tâm hồn, cầu nguyện hòa bình cho thế giới, cho quốc thái dân an.
“Việc tổ chức cung rước tượng Phật ngọc về quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều sẽ đẩy mạnh việc kết nối không gian, kết nối văn hóa, kết nối du lịch giữa khu di tích Yên Tử với các khu di tích tại Hải Dương và Bắc Giang; Củng cố cho việc nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới”, ông Dũng nói.
Chùa Quỳnh Lâm nằm tại xã Tràng An, TX Đông Triều, được ví như thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và Phật giáo Việt Nam. Chùa được xây dựng từ triều Lý đến triều Trần, là nơi Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều ngư giác Hoàng Trần Nhân Tông thường lui tới.
Năm 1316, vị đệ nhị tổ Pháp Loa cho thành lập Quỳnh Lâm viện tại khuôn viên chùa. Đây là trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ giảng pháp, in kinh phát hành kinh sách gửi đi các nơi. Năm 1319, thiền sư Pháp Loa kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện.
Năm 1329, chùa Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam và là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là các chùa nằm trong hệ thống chùa Yên Tử.
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất