7 cách giúp con nhỏ giải toả sự tức giận

Gia đình Chủ nhật, 17/01/2021 23:54:58 PM Theo Ngôi sao, Bright Side

Bố mẹ cho con nhận diện cảm xúc, thực hành kỹ thuật giúp trẻ thư giãn như massage, cho con thổi bóng, giả làm rùa... phù hợp độ tuổi.

1. Sử dụng thang đo cảm xúc

7 cách giúp con nhỏ giải toả sự tức giận
 

Trẻ em thường không biết cách thể hiện rõ cảm xúc của mình. Các bé vẫn đang học cách đối phó với chúng, do đó, chúng thường phản ứng theo cách duy nhất mà chúng biết hoặc có thể làm. Các cường độ của thang đo là một công cụ tuyệt vời giúp trẻ nhỏ, bố mẹ biết xác định các dấu hiện ban đầu của cơn giận trước khi nó biến thành cơn thịnh nộ. Để tạo một thang đo cảm xúc cho bé, bố mẹ hãy bắt đầu bằng cách vẽ một thang nhiệt kế lớn trên giấy. Ở dưới cùng là số 0 và điền các số tăng dần. Sử dụng thang đo để liên kết cảm xúc với mỗi giai đoạn. Ví dụ: 1 là bình tĩnh, 2 là thấy phiền, 3 là đang bực bội, 4 là tức giận, 5 là giận dữ hơn. Càng lên cao, từ mô tả kiểu tức giận càng dữ dội hơn. Bạn sẽ sử dụng màu sắc để phân biệt từng giai đoạn.

2. Dạy con xác định cảm xúc của mình

Nếu con không hiểu được cảm xúc của mình, con sẽ không thể biểu đạt nó thành lời. Điều này có nghĩa là nếu con không biết mình đang tức giận, có thể bé sẽ thể hiện sự thất vọng là đánh vào các đồ vật xung quanh. Do đó, việc làm giàu vốn từ vựng của trẻ nhỏ là rất quan trọng. Dạy cho con những từ cơ bản về cảm xúc để bé có thể mô tả là rất hữu ích. Một số ví dụ về các từ này là: tức giận, buồn bã, hạnh phúc hoặc sợ hãi. Bạn có thể dạy con về các cảm xúc này thông qua các câu chuyện, tranh ảnh về các nhân vật đang trải qua cảm xúc tương tự hoặc chơi các trò chơi về ngôn ngữ như "Bây giờ tôi cảm thấy... bởi vì..."

3. Cùng nhau cố gắng giải đáp vì sao lại nảy sinh những cảm xúc đó

Trả lời và đặt câu hỏi là một phần quan trọng của việc học. Bạn nên giải thích cho bé rằng đặt câu hỏi là cách để có thêm thông tin về điều gì đó mà bé đang thắc mắc. Hỏi tại sao điều gì đó xảy ra có nghĩa là có một lý do đằng sau quá trình đó. Ví dụ: "Tôi ngã vì tôi vấp phải một tảng đá". Bạn có thể hỏi con: "Vì sao con cảm thấy tức giận khi không thể ăn thêm cái bánh quy nào nữa?" để giúp trẻ tìm hiểu thêm về cảm xúc của mình.

4. Thực hành các kỹ thuật thư giãn

7 cách giúp con nhỏ giải toả sự tức giận - 2
 

Giống người lớn, trẻ em cũng có thể trải qua các mức độ mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng khác nhau. Có nhiều kỹ thuật thư giãn tuỳ theo độ tuổi của trẻ, giúp con có được sự bình tĩnh cần thiết. Những kỹ thuật này có thể cải thiện khả năng chú ý của trẻ bằng cách làm cho trẻ cảm thấy tốt hơn.

- Đối với trẻ sơ sinh từ 0 tới 3 tuổi:

+ Massage thư giãn, kích thích giúp trẻ có được giấc ngủ mà chúng cần.

+ Bình làm dịu cảm xúc: Thiết bị này có thể được chế tạo từ chai nhựa và trong đó là kim tuyến, sơn hữu cơ. Mục đích của nó là để đứa trẻ có thể sử dụng mỗi khi chúng cảm thấy bực bội hoặc sắp tức giận. Chuyển động nhẹ nhàng của dung dịch lấp lánh, ánh kim tuyến tạo cảm giác yên bình cho bé.

- Trẻ từ 3 đến 7 tuổi:

+ Kỹ thuật thổi bóng: Kỹ thuật này yêu cầu trẻ hình dung mình như một quả bóng bay đang được thổi phồng và xì hơi. Mục đích của trò chơi là dạy con hít vào, giữ và sau đó nhả ra, như một bài tập thở.

+ Kỹ thuật con rùa: Trong trường hợp này, trẻ tưởng tượng mình là một con rùa. Bé sẽ nằm úp mặt xuống đất, hình dung mặt trời sắp lặn. Con rùa sẽ phải đi ngủ, vì thế nó dần dần thu chân và tay vào mai, mà trong trường hợp này là lưng của bé. Sau đó, bố mẹ sẽ nói ban ngày lại bắt đầu và con rùa phải thức dậy bằng cách từ từ rút chân, tay ra khỏi mai một lần nữa. Đây là cách để dụ con thực hiện bài tập kéo giãn mà hầu như chúng không nhận ra.

- Trẻ từ 7 đến 9 tuổi:

+ Chánh niệm: Ở tuổi này, con đã có thể học các kỹ thuật thiền cơ bản với bố mẹ. Để làm điều này, hãy ngồi trên sàn trong im lặng và theo dõi chuyên gia sẽ hướng dẫn bạn thực hiện bài tập.

+ Tô màu Mandala: Đây là cách tuyệt vời để giảm mức độ căng thẳng và lo lắng, vì vậy tô màu hoặc tốt hơn là vẽ, sẽ là bài tập tuyệt vời để giúp con tập trung.

+ Búp bê có các khớp nối: Trẻ tưởng tượng mình là con búp bê này, sẽ cử động theo các khớp nối, bằng cách này, bố mẹ sẽ giúp con giải phóng sự căng thẳng đang tích tụ trong cơ bắp.

- Trẻ từ 9 tới 12 tuổi:

+ Kỹ thuật thở: Ở độ tuổi này, trẻ đã có khả năng phát triển nhận thức về nhịp thở của chính mình. Bố mẹ có thể dạy con những kỹ thuật thở sâu và phức tạp hơn để giúp con trải nghiệm trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại.

5. Bình thường hóa mọi cảm xúc (kể cả sự tức giận)

Khi một đứa trẻ trải qua những cảm xúc mãnh liệt, chúng có thể trở nên sợ hãi. Điều này dễ hiểu vì người lớn cũng có thể trải qua nỗi sợ hãi tương tự. Trong mọi trường hợp, dạy con rằng tức giận là phản ứng tự nhiên của cơ thể để cảnh báo chúng rằng điều gì đó đang không ổn. Nhìn chung, mục tiêu của việc này là đảm bảo con tìm ra cách đối phó với cảm xúc mãnh liệt này và khiến nó bớt lấn át lý trí. Nói về cảm xúc tức giận sẽ khiến con nhận thức rõ hơn về cảm xúc, giúp chúng dễ dàng xác định về nó trong tương lai.

6. Đừng phản ứng, hãy hành động

7 cách giúp con nhỏ giải toả sự tức giận - 4
 

Cố gắng bỏ qua trẻ khi trẻ đang trong cảm xúc mãnh liệt không chỉ vô ích mà còn phản tác dụng. Điều tốt nhất cần làm là suy nghĩ trước về tình huống và nói chuyện với con cho thấu đáo. Bạn có thể làm điều này bất cứ lúc nào bằng cách tham gia trò chuyện với con. Ví dụ, khi con nói: "Con tức vì mẹ không mua cho con mọi thứ con muốn ở cửa hàng", bạn có thể dạy con rằng con chỉ có thể được mua một thứ ở cửa hàng. Sau một thời gian, điều đó sẽ thành thói quen, đứa trẻ có cơ hội ghi nhớ và hiểu rõ quy tắc này trước khi đạt đến trạng thái tức giận. Nói cách khác, con được dạy cách kiềm chế cơn giận trước khi nó bùng phát.

7. Thúc đẩy sự đồng cảm

Giận dữ có thể là một cảm xúc mạnh mẽ, giống như ở người lớn, ở trẻ em, nó thường làm lu mờ lý trí. Tuy nhiên, cha mẹ phải giúp con cái nhìn mọi thứ theo quan điểm khác và khuyến khích sự đồng cảm thay vì tức giận. Nếu đứa trẻ không muốn nói về cảm xúc của mình, chúng ta có thể nói về nhân vật yêu thích của chúng từ một cuốn sách hoặc phim hoạt hình và sử dụng nó như một cánh cửa để mở ra cảm xúc của chúng. Mục tiêu của người lớn là đặt câu hỏi để đứa trẻ có thể nhìn thấu cảm xúc của chúng và tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Ví dụ: một nhân vật sẽ cảm thấy hoặc phản ứng như thế nào trong một tình huống nhất định? Sự đồng cảm khi còn nhỏ không chỉ giúp trẻ phát triển tính cách mà còn giúp trẻ giảm tính hung hăng sau này.

Ý kiến bạn đọc