7 câu hỏi phải trả lời trước khi kết hôn

Gia đình Thứ 5, 22/04/2021 22:46:31 PM Theo Vnexpress, aboluowang

Khi chưa thực sự hiểu nhau, tốt hơn hết bạn đừng nên vội vàng kết hôn.

Không phải tình yêu đi được tới hôn nhân đã là cái kết có hậu mà làm sao để duy trì cuộc hôn nhân hạnh phúc và dài lâu mới là điều nên suy nghĩ.

Vậy làm thế nào để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một người phù hợp với mình?

Tờ New York Times đã tham khảo ý kiến chuyên gia về hôn nhân và tình yêu để chắt lọc những thử thách khắc nghiệt nhất mà hôn nhân phải đối mặt thành 7 câu hỏi cho các cặp đôi đang yêu, giúp họ hiểu rõ hơn bản thân có phù hợp với cuộc sống hôn nhân hay không?

Tìm được người phù hợp để có hôn nhân hạnh phúc là mong muốn của nhiều người. Ảnh minh họa: sina.

Tìm được người phù hợp để có hôn nhân hạnh phúc là mong muốn của nhiều người. Ảnh minh họa: sina.

1. Mua nhà

Sau khi kết hôn, bạn sẽ ở đâu? Nếu ở lại các thành phố lớn, vấn đề nhà ở có giải quyết được không? Nếu về quê, đối phương có đồng ý không? Nhiều người không bao giờ hỏi câu này khi đang yêu nên khi kết hôn, họ sẽ bối rối.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể mua được nhà nếu thu nhập không cao, cũng không phải bởi vấn đề này mà tình yêu không bền vững. Mấu chốt của câu hỏi này là: Bạn đã đạt được sự đồng thuận để giải quyết vấn đề nhà ở chưa? Nếu có thì kế hoạch như thế nào?

Nhiều người nói rằng, khi yêu, họ nhiều lần đề cập vấn đề này với đối phương nhưng bị lờ đi với lý do: "Chỉ cần chúng ta yêu nhau thực sự thì đây không phải vấn đề". Nếu quả thật như vậy, hai người thực sự chưa hợp ý nhau.

2. Việc làm

Kết hôn rồi sinh con đều cần chi phí và sức lực lớn. Cuộc sống vợ chồng sẽ nảy sinh thêm vấn đề "phải có một người dành thời gian nhiều hơn cho gia đình". Nếu một trong hai phải từ bỏ một phần hay toàn bộ sự nghiệp của mình, ai sẽ là người nhận điều đó?

Nhiều phụ nữ cho rằng, nếu là họ thì đây là sự hy sinh quá lớn, bởi hôn nhân không phải đánh đổi. Lúc này họ sẽ đầy oán hận và biến hôn nhân thành một địa ngục. Nhưng cũng có những cô gái, chàng trai cam kết sẽ cân bằng mối quan hệ gia đình và sự nghiệp, thậm chí sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp vì gia đình. Những người này không cảm thấy sai trái khi hy sinh cũng như không mắc nợ gia đình nếu họ không kiếm được tiền.

3. Tài chính

Cần thảo luận rõ với nhau sau khi kết hôn, tiền bạc của gia đình ai sẽ là người gánh vác. Hai người cũng thực hiện hay chỉ một trong hai chịu trách nhiệm chính?

Hai cách thức trên đều có ưu nhược điểm riêng, khi cả hai muốn tiến tới hôn nhân thì nên nói chuyện cởi mở về tiền bạc với nhau. Hôn nhân tốt thì chủ động nhường nhịn, hôn nhân xấu thì đong đếm tính toán. Có thể công khai chuyện tiền bạc là một tiêu chí đánh giá một người có phù hợp kết hôn hay không.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc đôi khi được gây dựng từ những điều bình dị, đơn giản chứ chẳng phải là điều gì đó cao siêu. Ảnh minh họa: chinanews.

Một cuộc hôn nhân hạnh phúc đôi khi được gây dựng từ những điều bình dị, đơn giản chứ chẳng phải là điều gì đó cao siêu. Ảnh minh họa: chinanews.

4. Bố mẹ hai bên

Với người châu Á, hôn nhân là sự kết hợp của hai gia đình. Vì vậy nếu bố mẹ đối phương không thích bạn, đó là một câu hỏi hóc búa. Sau khi kết hôn có sống chung với bố mẹ chồng hay không cũng cần được làm rõ.

Đã từng phát sinh tình huống: Sau khi kết hôn, cô dâu phát hiện bố mẹ chồng đã bán nhà cũ để mua nhà mới cho vợ chồng và dọn đến ở chung. Nhiều cuộc tranh cãi rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đây.

Nếu xảy ra mâu thuẫn, đối phương có bảo vệ bạn trước mặt bố mẹ họ hay không? Họ có nói những điều tốt đẹp về bạn đời để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ hay yêu cầu bạn thay đổi bản thân theo mong muốn của người già? Phải nói rõ với nhau vấn đề này, bởi nếu không, hôn nhân rất có thể sẽ bước vào ngõ cụt.

5. Con cái

Vợ chồng muốn có bao nhiêu con? Khi nào sinh? Chọn sinh thường hay sinh mổ? Có cần sự giúp đỡ của ông bà không? Làm gì nếu quan điểm nuôi dạy con cái của bạn mâu thuẫn với bố mẹ của bạn đời?

Việc sinh con ảnh hưởng rất nhiều đến gia đình mới cưới bởi khi đó cần khoản thu nhập cố định. Nếu một trong hai người muốn chăm con toàn thời gian thì ai sẽ là người dừng công việc của mình hay chọn người lương thấp hơn? Nếu nhờ ông bà giúp đỡ, bên nào sẽ giúp? Nếu không bàn tới vấn đề này, sau khi có con sẽ nảy sinh rất nhiều tình huống phức tạp mà người trong cuộc không lường trước được.

6. Việc nhà

Sau khi kết hôn, phân chia việc nhà như thế nào cũng là vấn đề quan trọng. Rất nhiều chàng trai và cô gái vượt qua vô vàn trắc trở trong tình yêu, thề nguyện sống trọn đời bên nhau nhưng cuối cùng lại chia tay bởi đối phương không chịu rửa bát.

Hôn nhân là củi, gạo, dầu, muối. Nếu lấy một người không biết nấu ăn, làm việc nhà thì bạn có chấp nhận không? Ngay cả khi có tiền để thuê người giúp việc thì ai làm gì, phân công lao động trong gia đình thế nào cũng cần được trả lời rõ ràng.

7. Sự chung thủy

Hôn nhân là một hợp đồng chung thủy một một, nhưng nhiều người không nghĩ vậy. Nếu bạn thấy đối phương chưa đủ phẩm chất và không khao khát sự ổn định thì cần cân nhắc kỹ xem người đó có phải bạn đời lý tưởng không.

Với đàn ông, nhiều người nghĩ rằng không chung thủy là chuyện bình thường, nó cũng không liên quan đến việc họ có hết yêu vợ hay không. Trong khi một số cô gái lại cho rằng chỉ cần bạn đời có năng lực và kiếm tiền tốt thì việc khác không quá quan trọng. Tuy nhiên không phải ai cũng chấp nhận được suy nghĩ đó. Nếu bạn không thể chấp nhận một người đàn ông đa tình, không nên kết hôn với người đó.

Ý kiến bạn đọc