7 thói xấu của cha mẹ mà trẻ sẽ học rất nhanh

Gia đình Thứ 2, 09/08/2021 22:54:41 PM Theo Ngôi sao, Fatherly

Nghiện điện thoại, mất kiểm soát lúc cáu, không nhận sai... là những thói xấu mà trẻ học rất nhanh từ người lớn.

Bác sĩ về tâm lý trẻ em tại chương trình y tế của Trường Motefiore, Mỹ, ông Zubair Khan chia sẻ: "Trẻ em như miếng bọt biển. Chúng tiếp nhận mọi thứ từ môi trường xung quanh, nghe và quan sát từ cha mẹ chúng. Chúng nghiên cứu hành vi của cha mẹ, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng trẻ không chú ý tới. Và trẻ sẽ học hỏi, bắt chước, hành động theo cách cha mẹ làm". Vì trẻ chưa thể nhận thức thứ gì nên và không nên học theo, do đó, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi thói quen xấu của người lớn. Dưới đây là cách nhận diện một vài hành vi xấu của phụ huynh và các gợi ý để sửa.

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock.

1. Không trải lòng về cảm xúc của mình

Bác sĩ Khan cho biết các ông bố thường khó cởi mở, chia sẻ cảm xúc của mình. Điều tồi tệ của thói quen này là khi cha mẹ không nói rõ họ đang cảm thấy ra sao thì họ cũng không khuyến khích con mình thể hiện bản thân theo cách lành mạnh. Bác sĩ nói: "Khi những đứa trẻ không học cách thể hiện bản thân, điều đó có thể khiến chúng trở nên lo lắng hoặc buồn bã. Chúng sẽ không đến gặp cha mẹ để nói về cảm giác của mình vì chúng lo lắng mình có thể bị đánh giá hoặc đó không phải là điều chúng được làm".

Cách sửa chữa: Nếu bạn hoặc vợ của bạn đang trải qua một điều gì đó tồi tệ, đừng che giấu điều đó với con. Bác sĩ tư vấn: "Bạn có thể thừa nhận rằng mẹ hoặc bố cảm thấy buồn vì đã có một ngày tồi tệ. Sau đó, bạn an ủi con và nói rằng mặc dù bố/mẹ đã có một ngày tồi tệ, bố/mẹ biết rằng mọi chuyện sẽ ổn". Phụ huynh trò chuyện cùng con sẽ giúp bé không có phản ứng thái quá hoặc khiến con cảm thấy sợ hãi, lo lắng. Ngoài cảm xúc tiêu cực, bạn có thể chia sẻ cùng con cả những cảm xúc khác mà bạn đang trải qua.

2. Mất kiểm soát khi căng thẳng hoặc giận dữ

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng giận dữ hoặc thất vọng và cần đối mặt với các cảm xúc đó. Nếu phụ huynh không biết cách đối mặt với chúng, điều này có thể khiến con bắt chước. Trong trường hợp con bắt đầu la hét khi mọi thứ không theo ý mình, việc nuôi dạy con cái có thể khiến bạn thấy đau đầu. Tương tự, nếu có vấn đề gì xảy ra khi con ở trường với trẻ khác hoặc giáo viên, con có thể phản ứng y như bạn lúc cáu giận và điều này có thể khiến chúng lâm vào rắc rối hoặc bị thương.

Cách sửa chữa: Tất nhiên, phụ huynh không muốn dạy con mình có thể gây hấn bằng lời nói hoặc thể xác để thỏa cơn tức. Hãy cố gắng chỉ cho con cách làm thế nào để giảm bớt sự thất vọng, đối phó căng thẳng một cách lành mạnh và phù hợp. Đó có thể là thư giãn, tập thể dục, chánh niệm, yoga, hít thở sâu hoặc "nhấn nút" giải lao cho tình huống khiến con tức giận, cho con nói về điều khiến con phiền muộn.

3. Im lặng cho tới khi không thể chịu đựng nữa

Ảnh: Adobe

Ảnh: Adobe

Chloe Carmichael, nhà tâm lý học từng nói rằng đàn ông thường không thừa nhận cảm xúc buồn bã hoặc cáu kỉnh vì những điều nhỏ nhặt. Ví dụ khi con liên tục đập xe đồ chơi dưới đất, gây tiếng ồn lớn, bố gắng chịu đựng cho tới khi không chịu nổi, bố sẽ tự nhiên lấy xe của con, ném ra ngoài mà không một lời giải thích. Điều này có hại vì nếu trẻ bắt chước, trẻ có thể giống bố, chìm trong sự căng thẳng mà không nói một lời, sau đó, trẻ sẽ bùng nổ, có những hành động nguy hiểm mà cả người lớn không nhận ra.

Cách khắc phục: Bạn cần học cách giao tiếp với con ở mức độ cáu kỉnh ít hơnKhông có gì sai khi bạn nói với con rằng chúng đang làm phiền bạn. Ví dụ, nếu con muốn chơi, con có thể chơi nhưng không phải là phòng khách vì sẽ gây tiếng ồn. Con có thể tự chơi trong phòng riêng của mình. Khi con hiểu được cảm xúc mà bạn đang trải qua, con sẽ có thể biết cách ứng phó với cảm xúc của mình trong tương lai.

4. Chửi thề

Tai của con không thể tự động đóng lại khi bạn nói lời tục tĩu. Theo tiến sĩ Amy Nasamran, nhà tâm lý học trẻ em, người sáng lập Atlas Psychologys, chửi thề dường như là một vấn đề nhỏ nhưng sẽ trở thành một thói quen có hại khi trẻ bắt đầu biết đi. Ttrẻ em học nói bằng cách lắng nghe và sao chép những gì chúng nghe được từ những người lớn quanh chúng. Do đó, sau khi trẻ nhỏ nghe thấy những lời chửi thề, chúng có thể sử dụng lời nói đó trong những môi trường bên ngoài gia đình, chẳng hạn như ở nhà trẻ hoặc ở cửa hàng.

Cách khắc phục: Nhà tâm lý khuyên bạn nên loại hoàn toàn những từ chửi thề ra khỏi lời nói của bạn khi có trẻ em ở gần. Hãy thử nghĩ ra một từ thay thế mà bạn có thể sử dụng để hạn chế sự cám dỗ của việc chửi thề trước mặt con bạn. Bạn cũng nên để con nói từ thay thế khác lời tục tĩu lúc bé quen bắt chước bạn.

5. Không nhận sai

Đối với nhiều người, khi nhận sai, họ cảm thấy như vừa lộ một điểm yếu. Vốn dĩ, nhận ra sai lầm là bước đầu tiên giúp bạn giải quyết sai lầm đó. Tuy nhiên, khi không nhận sai, bạn cũng đang ngăn cản con phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tạo ra nhận thức sai lệch cho trẻ.

Cách khắc phục: Đây là một cơ hội khác để kể lại trải nghiệm của bạn. Trong lúc bạn nhận ra rằng mình quên điều gì đó hoặc đã mắc lỗi, hãy nói cho con bạn biết điều gì đang xảy ra trong đầu bạn khi bạn khắc phục lỗi lầm. Nhà tâm lý Carmichael nói: "Khi những người cha có thể làm gương cho con về việc nhận sai, điều đó giúp con thấy một phần sự mạnh mẽ, có năng lực và sự hiểu biết của cha".

6. Lo lắng thái quá

Cha mẹ quan tâm con cái vì yêu con. Tuy nhiên, nếu lo lắng quá mức sẽ tạo ra suy nghĩ cho trẻ rằng nếu bố mẹ càng lo, bố mẹ càng yêu bé nhiều hơn. Đồng thời, việc trẻ học theo thói quen lo lắng sẽ khiến bé mất tự tin, khó phục hồi cảm xúc bình thường.

Cách khắc phục: Bố mẹ không cần dừng việc dự phòng cho các tình huống xấu có thể xảy ra với trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần linh hoạt hơn và đặt niềm tin ở khả năng đối mặt vấn đề của trẻ. Bố mẹ có thể không hoàn hảo nhưng giữ khoảng cách đủ gần với con là điều tốt cho sự phát triển của bé.

7. 'Nghiện' điện thoại

Điện thoại của bố mẹ luôn kêu, đôi mắt phụ huynh gắn chặt vào màn hình ngay cả khi con gọi, điều này là thói quen xấu. Khi bạn "nghiện" điện thoại, bạn sẽ mất các kết nối với trẻ và bé cũng học theo điều này, ít gần gũi cha mẹ. Khi bé có thiết bị điện tử của riêng mình, khó có thể đảm bảo trẻ không "nghiện" điện thoại giống bạn.

Cách khắc phục: Bố mẹ tự đặt ra thời giờ không sử dụng điện thoại trong ngày. Dù khoảng thời gian đó chỉ 15-30 phút mỗi ngày, đó cũng là khoảng thời gian quý giá để con có được sự chú ý của bạn, giúp con được cảm thấy gắn bó, cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ.

Ý kiến bạn đọc