Ấn tượng về Hong Kong ngày ấy - bây giờ trong mắt HDV Việt

Khám phá Chủ nhật, 18/08/2019 13:23:08 PM Theo Vnexpress

Sau 20 năm làm HDV tour Hong Kong, anh Minh nhận thấy khách Việt vẫn khó quen với cách phục vụ "như dằn mặt" của một số quán địa phương.

Dưới đây là chia sẻ của anh Vầy Văn Minh, hiện là hướng dẫn viên tại công ty Vietravel. Anh có kinh nghiệm 25 năm đưa khách đến các thị trường Hoa ngữ.

Anh Minh thường xuyên đưa đoàn khách Việt đi tour ở Hong Kong.
HDV Vầy Văn Minh.


Giao thông

Cuối thập niên 90, tôi bắt đầu dẫn đoàn khách sang Hong Kong. Khi đó, chúng tôi chủ yếu di chuyển đến các điểm tham quan bằng xe bus, đường quanh co, khách dễ bị say xe. Sân bay Kai Tak lúc này khá cũ, được mệnh danh là sân bay nguy hiểm bậc nhất thế giới. Khi gần hạ cánh, hành khách có cảm giác như máy bay sắp đâm vào các khu dân cư, thậm chí còn nhìn rõ sinh hoạt của người dân trong nhà.

20 năm sau, hạ tầng giao thông trên hòn đảo thay đổi rất nhiều. Sân bay quốc tế Hong Kong (còn gọi có tên là Chek Lap Kok) đi vào hoạt động từ năm 1998 thay thế sân bay Kai Tak, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của hàng chục triệu hành khách. Du khách Việt ngày nay đến thành phố cũng có nhiều lựa chọn về hãng hàng không, giờ khởi hành, giá vé...

Đường phố xứ Cảng Thơm hiện được mở rộng và xây thêm. Hệ thống tàu điện ngầm được thay mới nhiều toa, cách thức vận hành thông minh hơn, giúp khách đi từ sân bay đi vào trung tâm nhanh chóng và tiện lợi.

Bên cạnh đó, khách có thể trải nghiệm cáp treo Ngong Ping 360, ngắm cảnh từ trên cao và rút ngắn khoảng cách di chuyển đi từ Tung Chung đến Đại Nhĩ Sơn. Hay hệ thống Octopus Card ra đời từ năm 1997 đến nay đã có nhiều cải tiến. Nhờ thẻ này, khách có thể sử dụng nhiều loại phương tiện giao thông như xe bus 2 tầng, tàu điện ngầm, thanh toán tại các cửa hàng mua sắm hay trung tâm thương mại.

Điểm tham quan

Điều thay đổi lớn khác mà theo tôi, nó đã góp phần thu hút du khách đến Hong Kong, chính là các điểm đến được nâng cấp và xây mới. Ví dụ, Ocean Park là một trong những công viên có chủ đề về hải dương học đón khách từ năm 1977. Khách không chỉ xem trưng bày các sinh vật biển quý hiếm, các loài sống dưới đáy đại dương... mà còn tham quan cả sở thú. Nếu nơi xem cá ngày trước nằm trên đỉnh núi Nam Long, hiện điểm đến này được mở rộng và dời xuống Low Land - nằm ở thung lũng Wong Chuk Hang. Công viên cũng được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, phục vụ tốt việc đón khách đông hơn, đường tàu xuyên núi giúp tiết kiệm thời gian hơn cáp treo.

Một điểm tham quan mới là Đại lộ Ngôi Sao, nơi vinh danh những người có cống hiến cho nền nghệ thuật xứ Cảng Thơm. 20 năm trước, nơi đây không hề có buổi biểu diễn ánh sáng gây ấn tượng cho du khách khắp nơi. 

Những trung tâm mua sắm ở Hong Kong không thay đổi nhiều. Tín đồ shopping có thể đến Tiêm Sa Chuỷ (Tsim Sha Tsui) ở Cửu Long (Kowloon) hay trung tâm thương mại Elements nằm trong toà nhà cao nhất Hong Kong. Đây là những địa điểm mua sắm không có ở hai thập kỷ trước.

Ẩm thực

Đa phần bữa ăn trong tour từ những năm 90 đều ở các quán bình dân. Hiện khách dùng bữa ở các nhà hàng. Đậu phụ thối, ngỗng quay hay trà sữa vẫn là các món nổi tiếng. Có những địa chỉ ẩm thực 20 năm trước là nơi người Hong Kong hay lui tới, 20 năm sau trở thành điểm check-in nổi tiếng với khách du lịch.

Sau 20 năm làm HDV tour Hong Kong, tôi nhận ra, du khách Việt vẫn chưa quen với cách phục vụ của người địa phương. Ví dụ, khi ngồi vào bàn ăn, khách có thể bất ngờ khi nhân viên đặt đồ ăn lên bàn và phát ra âm thanh lớn, bởi cảm thấy như bị "dằn mặt". Thực tế, hầu hết nhân viên quán ăn ở đây đều là người cao tuổi, đi làm thêm theo giờ, thói quen của họ thường là làm sao để nhanh nhất. Do vậy, đôi khi họ ít quan tâm đến cảm xúc của thực khách.

Khu ẩm thực đêm ở Hong Kong ngày càng trở nên đông đúc.
Khu ẩm thực đêm ở Hong Kong ngày càng trở nên đông đúc.


Hướng dẫn viên

Khoảng 20 năm trước, những HDV Việt đưa khách sang Hong Kong phải kiêm nhiều công việc như phiên dịch, lo lắng cho lịch trình ngày hôm sau, luôn trong tâm thế bị quá tải. 

Năm 2000 là thời điểm khách Việt bắt đầu du lịch Hong Kong nhiều hơn. Trải qua đại dịch SARS năm 2003, thị trường có chút biến động cho đến năm 2006 mới tăng trưởng trở lại, nhu cầu về HDV địa phương cũng tăng theo. Các công ty du lịch ở Hong Kong khi đó đổ xô tìm kiếm người Việt đang sinh sống tại Hong Kong để làm HDV. Nhờ đó, chúng tôi được san sẻ công việc khá nhiều trong những ngày đi tour, dư dả thời gian để trò chuyện với đoàn, tư vấn những điểm vui chơi ngoài lịch trình hay đưa khách đi mua sắm, ăn uống.

Thời ấy, thành phố này chưa có wifi. Nếu bị lạc, khách được hướng dẫn để gọi điện thoại công cộng cho khách sạn. Khách sạn sẽ báo với HDV qua máy nhắn tin, khá mất thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi đã có thể liên tục liên lạc với nhau bằng internet, truy cập tại một số nơi như thư viện, bảo tàng, sân bay hay trung tâm mua sắm.

Ý kiến bạn đọc