Bà mẹ sinh 14 lần dằn vặt chuyện 3 con vướng lao lý

Gia đình Thứ 4, 07/04/2021 23:34:42 PM Theo Ngôi sao

Đã 3 tháng qua, bà Hải chưa nhận được tin tức 3 người con sau khi bị công an quận Hà Đông bắt giữ vì tội cướp giật vào trước Tết.

Ở cái tuổi ngũ tuần, bà Đinh Thị Hải (53 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) - bà mẹ nổi tiếng sinh 14 con tại nhà vẫn chưa được một phút giây nào nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Ở giữa cánh đồng mênh mông là nước, gió lạnh tạt vào cuối xuân khiến nhiều người run cầm cập nhưng bà Hải vẫn ngày ngày 4h sáng dậy lặn lội, bì bõm cắt từng mớ rau muống, hay kéo vài con tôm, con cá bán kiếm đồng ra đồng vào, nuôi 9 miệng ăn và lo tiền ăn học cho 3 con nhỏ.

Bà Hải chưa một ngày được nghỉ ngơi.

Bà Hải chưa một ngày được nghỉ ngơi.

Ôm đứa cháu ngoại vào lòng, bà Hải nhớ lại cảnh tượng 3 tháng trước, một buổi chiều cuối tháng 1/2021, khoảng 15 tháng Chạp, vừa cắt rau muống ở bờ ao sát nhà đi lên, tay vẫn cầm nguyên chiếc liềm, quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất, bà Hải bàng hoàng nhận tin bốn con trai là Hoàng, Tám, Phúc, Đức bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi khám xét, Công an quận Hà Đông đã thu giữ 4 xe máy Honda Wave, 18 điện thoại di động và nhiều hung khí.

"Lúc nghe các chú công an nói, tai tôi ù cả đi, quần áo ướt sũng chẳng kịp thay, ngồi xụp xuống dưới cửa nhà rồi ngất lịm đi, đến khi tỉnh mới đảo mắt tìm con. Thằng con trai tên thứ 7 tên Hoàng năm nay vừa tròn 21 tuổi, mới đi bộ đội về, tưởng con trai sẽ tu chí làm ăn, chỉ bảo các em nhưng không ngờ chính anh lại lôi kéo các em vào con đường tội lỗi. Sau vài ngày, Đức được thả về nhà do chưa đủ 16 tuổi, 3 anh trai vẫn bị bắt giam. Đến giờ vẫn chưa có tin tức gì", bà Hải tâm sự.

Mọi năm, bà cố gắng chắt bóp kiếm tiền để gói cái bánh chưng, mua ít bánh kẹo cho các con đón Tết, nhưng năm nay các con vướng vào lao lý, bà chẳng thiết ăn uống hay sắm sửa gì. Nhà có gì dùng nấy, đứa cháu trai gói cho cái bánh trưng để trẻ con ăn, suốt Tết bà vẫn quanh quẩn trong căn nhà giữa cánh đồng.

Gọi là nhà nhưng thực chất là một trong 5 gian chuồng chăn nuôi được bà Hải và người cháu dùng để nuôi lợn, nhưng 2 năm nay lợn đột nhiên chết, công việc cũng tạm ngưng, hơn 200 triệu đồng tiền nuôi lợn lỗ bà chưa biết lầy gì bù vào. Thời gian sau, bà phần ra một gian giữa lợp tạm mái Fibro xi măng, xung quanh cắm bốn cây gỗ rồi quây bạt làm chỗ trú mưa nắng. Căn phòng chừng 15m2, bên trong đặt vừa một chiếc giường, quạt và chiếc tủ lạnh cũ. Mỗi lần trời trở gió, miếng vải bạt phập phùng như muốn rách toác, cảnh ngồi trong nhà mà gió lùa như bên ngoài, lạnh đến cắt da cắt thịt chẳng còn xa lại với người phụ nữ 53 tuổi.

Ngày trước, vợ chồng bà Hải cùng 14 người con chen chúc trong một căn lều dựng ở ngoài chòi, độ 5-6 năm nay mới chuyền về ở sát chuồng lợn, tận dụng phần đầm nước trước nhà để nuôi cá, trồng sen, thỉnh thoảng lại mò cua bắt ốc đem ra chợ bán.

"Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Mọi người một năm đi làm 365 ngày còn tôi đi làm đến 500 ngày cũng có. Tối mọi người nghỉ ngơi tôi lại cặm cụi làm đủ việc, 4h sáng dậy kéo lưới kiếm con cua, con cá đi chợ bán kiếm tiền lo cho các con", cô Hải tâm sự.

Người mẹ này cũng chia sẻ, cuộc đời khốn khó của cô chưa bao giờ dám mơ ước nhà cao cửa rộng. Cô chỉ mong các con ngoan ngoãn, chịu khó làm ăn. Thế nhưng bao năm tháng qua, cô vẫn chưa một ngày hết cực khổ.

"Nuôi các con từ khi lọt lòng đến nay nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu nói của con: "Mẹ ơi, con đi làm có đồng lương, mẹ cầm mẹ mua cái bánh'. Tôi chưa bao giờ được con mình nói được câu như thế. Hay những khi nhà có công to việc lớn, cũng chẳng đứa con nào đứng ra đỡ đần, một mình tôi cũng phải gánh hết. Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tủi thân lắm, đêm không ngủ được. Chắc kiếp trước tôi ăn ở thất đức, giờ mới bị trời trừng phạt", bà Hải buồn bã nói.

Bà Hải gạt nước mắt khi kể chuyện cuộc đời mình.

Bà Hải gạt nước mắt khi kể chuyện cuộc đời mình.

Giơ 2 bàn tay đã chai sạn, các móng tay cục mịch, phần móng chuyển màu vì ngâm nhiều dưới nước, bà bật khóc kể: "Tôi đẻ được 14 người con, mất 1 còn 13, nay lại có thêm 10 đứa cháu (5 cháu nội, 5 cháu ngoại). Giờ tôi đang nuôi con và thêm 6 đứa cháu. Cháu mình chẳng nhẽ không nuôi rồi bỏ đói? Con dại cái mang, con mình nó không biết thương mình, thương con, thì để tôi nuôi tất, chăm tất". Bà nói thêm, kể cả nếu lỡ trên đường bà Hải có gặp đứa trẻ bị bỏ rơi, bà vẫn quyết nhận nuôi, dù nhà nghèo thật nhưng lương tâm bà không cho phép. Mang về nuôi có gì ăn nấy.

Nhiều người cứ nghĩ, đẻ nhiều con, về già bà Hải sẽ được nhờ vả, nhưng điều ấy không xảy ra, con cái nghe lời kích bác từ bên ngoài, thường xuyên gây sự với mẹ. Thời gian bà nhận thêm việc trông đầm cá nhưng các con cũng chẳng hề đoái hoài, mặc kệ mẹ làm ở ngoài chòi.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đa số các con chỉ học hết lớp 6, lớp 7 là nghỉ. Vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các con còn lại ở nhà thay nhau phụ mẹ. Đứa giúp bà kéo cá, đứa đi mò cua bắt ốc, đứa nấu cám chăn gà, đứa thì phụ mẹ trông em, các cháu nhỏ.

"Bây giờ còn sướng hơn nhiều, những năm đầu lấy chồng, gia đình tôi khó khăn lắm. Có những hôm, cả nhà nhịn đói buổi sáng đi làm, trưa thì ăn khoai, đến tối lấy tiền đi làm mua được cân gạo mới có cơm để ăn", bà Hải nhớ lại.

Cuộc sống cơ cực vẫn ngày ngày tiếp diễn, bà Hải chỉ mong các con sau khi trở lại sẽ hoàn lương và bà có thể tích được vài đồng mua cỗ quan tài khi nhắm mắt xuôi tay.

Cuộc sống cơ cực vẫn ngày ngày tiếp diễn, bà Hải chỉ mong các con sau khi trở lại sẽ hoàn lương và bà có thể tích được vài đồng mua cỗ quan tài khi nhắm mắt xuôi tay.

Ngày biết tin 4 con trai phạm pháp, 3 con trong số đó bị bắt, bà Hải uất nghẹn mà ngất đi, dằn vặt lương tâm vì mải làm việc ngoài đồng để kiếm tiền nuôi con, để con giờ ra nông nỗi này, nhưng nếu không làm lại không có tiền, nỗi khổ của một người vừa là trụ cột chính trong nhà, vừa nuôi dạy con cái chẳng ai thấu hiểu. Bà chỉ mong 3 người con trai bà khi đi cải tạo về thì sẽ hoàn lương, tu chí làm ăn cho bà đỡ suy nghĩ hơn.

Hơn 30 năm lập gia đình, bà Hải chưa từng nghĩ sẽ nhờ con cháu, chẳng ít người khuyên bà tích ít tiền để lỡ sau có bệnh mà thuốc thang, lúc mất đi còn có cỗ quan tài, nhưng thấy con cái còn nheo nhóc, bầy cháu thơ chẳng được quan tâm, bà lại lặng lẽ rút số tiền vừa bán được đồng tôm, đồng tép đi mua thức ăn trưa cho cả chục miệng ăn.

Cũng vì vậy, bà Hải cũng không đặt kỳ vọng vào người con nào của mình. Mỗi ngày trôi qua, người mẹ này cũng chỉ mong có sức khỏe để đi làm rồi cố gắng tích góp đồng tiền để khi mình "xuôi tay nhắm mắt" cũng có quan tài mà nằm, không phiền để đứa kia gánh, đứa này lo.

Ý kiến bạn đọc