Khám phá Thứ 5, 06/01/2022 10:52:41 AM Theo Lao động
Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngày 5.1, thông tin từ Bảo tàng tỉnh cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tiến hành khai quật di tích Vòng thành Đá Trắng tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.
Đoàn khảo cổ đang trao đổi bên cạnh hố thám sát đang thi công. Ảnh: Q.V
Trước đó, từ đầu năm, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh cùng các cơ quan chức năng và huyện Xuyên Mộc đã làm việc với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nhằm rà soát các thủ tục pháp lý cần thiết để tiến hành nghiên cứu và bảo tồn di tích này. Tuy nhiên, việc khai quật đã dời đến thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Trước khi tiến hành khai quật, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết như: Xin giấy phép của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch; thỏa thuận, đền bù hoa màu của chủ sở hữu khu đất tồn tại di tích; rà phá bom mìn…
Đoàn khảo cổ đang đào các hố thám sát tại khu vực di tích. Ảnh: Q.V
Di tích Vòng Thành Đá Trắng ở Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là di tích quan trọng, tiêu biểu bởi tính quy mô và những nét đặc trưng riêng về loại hình di tích di vật. Được phát hiện trong đợt điều tra khảo cổ học năm 2002, những người cao niên cho biết, trước năm 1980, khu vực này vẫn còn rừng rậm, vòng thành còn lộ trên mặt đất khoảng 0,4 - 0,5m trên gò đất diện tích hơn km2, cao khoảng 12m so với mực nước biển.
Di tích đã được điều tra, khảo sát nhiều lần vào các năm 2002, 2007, 2012. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khảo cổ thì di tích đang dần bị hủy hoại theo năm tháng bởi việc canh tác của người dân.
Theo Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, việc điều tra, thám sát tại di tích Vòng Thành Đá Trắng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều cổ vật tìm thấy trong các hố thám sát được xác định là bộ sưu tập đồ gốm rất đa dạng thuộc loại hình đồ gốm Champa và đồ gốm thời nhà Minh. Cho đến nay, Vòng Thành Đá Trắng là di tích khảo cổ duy nhất ở vùng Nam Bộ phát hiện được gốm Gò Sành thuộc văn hóa Champa.
Theo PGS-TS Bùi Chí Hoàng - Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tư liệu thu được ở Vòng Thành Đá Trắng sơ bộ có thể đoán định là di tích khảo cổ thuộc văn hóa Champa, hoặc của một tộc người nào đó sống trên vùng đất Đông Nam Bộ chịu ảnh hưởng văn hóa Champa có quan hệ với các quốc gia khác ở bên ngoài, với niên đại vào khoảng thế kỷ XV đến XVII.
TS. Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, việc khai quật được thực hiện mục tiêu là thăm dò, đánh giá hiện trạng di tích; kiểm tra địa tầng để có cơ sở công bố di tích và thực hiện bước tiếp theo là khai quật trên diện rộng. Hiện nay đoàn khai quật đang tiến hành đào các hố thám sát trên diện tích khoảng 500m2 nằm trong khuôn khổ vòng thành đã được phát hiện từ trước.
Đá tổ ong xây dựng tường thành tại khu di tích. Ảnh: Q.V
Bước đầu, đoàn đã phát hiện thêm một số đoạn tường thành làm từ đá ong và một số mảnh gốm, sứ Chăm pa và thời nhà Minh (Trung Quốc), có niên đại ước tính từ thế kỷ thứ XV - XVII. Đây là những dữ liệu, căn cứ quan trọng để tiếp tục khai quật, nghiên cứu về Vòng thành Đá Trắng trong thời gian tới. Dự kiến, quá trình khai quật sẽ diễn ra đến hết tháng 3.2022.
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất