Chuyện 24h Thứ 6, 03/09/2021 11:09:48 AM Theo QĐND
Tối 2-9, Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 1-9 đến 17 giờ ngày 2-9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 13.186 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (5.963), Bình Dương (4.504), Đồng Nai (803), Long An (583), Tiền Giang (290), Kiên Giang (122), Đồng Tháp (102), Bình Phước (70), Nghệ An (66), Tây Ninh (62), Khánh Hòa (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Quảng Bình (56), An Giang (51), Thanh Hóa (50), Hà Nội (39), Đà Nẵng (42), Cần Thơ (42), Bình Thuận (34), Đắk Lắk (34), Thừa Thiên Huế (25), Bình Định (20), Quảng Ngãi (19), Sóc Trăng (13), Cà Mau (11), Bạc Liêu (8), Bến Tre (8), Trà Vinh (7), Lạng Sơn (6), Phú Yên (6), Vĩnh Long (5), Quảng Nam (4), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (3), Bắc Giang (3), Ninh Thuận (2), Nam Định (2), Hậu Giang (2), Thái Bình (1) trong đó có 7.255 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.757 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca, Đồng Nai tăng 44 ca, Long An giảm 11 ca, Tiền Giang tăng 96 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 486.727 ca nhiễm, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm). Từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam. 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (232.585), Bình Dương (122.732), Đồng Nai (25.328), Long An (23.221), Tiền Giang (10.136).
Về tình hình điều trị, hôm này có 10.602 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.443 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 4.145 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.238 ca; thở máy không xâm lấn là 176 ca; thở máy xâm lấn là 858 ca; ECMO là 26 ca.
271 ca tử vong do Covid-19
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 2-9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 271 ca tử vong. Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (197), Bình Dương (34), Đồng Nai (8), Tiền Giang (7), Đồng Tháp (6), Đà Nẵng (4), Trà Vinh (3), Nghệ An (2), Hà Nội (1), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 1-9 có 302.074 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 20.542.325 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.660.772 liều, tiêm mũi 2 là 2.881.553 liều.
Khẩn trương thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia phục vụ điều trị Covid-19
Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội về việc đôn đốc củng cố Khoa Hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị Covid-19.
Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Theo đó, để chuẩn bị cơ sở điều trị hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch khu vực phía Bắc, ngoài yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng số giường hồi sức, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thiết lập và đưa vào vận hành Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 quy mô 500 giường ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh vừa có văn bản hoả tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội về việc đôn đốc củng cố Khoa Hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị Covid-19.
Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Mục tiêu thành lập những trung tâm này là nâng cao năng lực điều trị Covid-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa số ca tử vong.
Người dân phường Thanh Xuân Trung đăng ký lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Minh Ngọc
Bộ Y tế phát Thông điệp 5T cho giai đoạn chống dịch mới
Bộ Y tế vừa phát đi thông điệp 5T trong giai đoạn chống dịch tiếp theo, bao gồm cả thông điệp 5k và mở rộng các giải pháp đối với địa phương tăng cường giãn cách xã hội.
Cụ thể, "Thông điệp 5T" hay năm chữ "T" mới gồm có: Tuân thủ 5K, Test Covid-19, Tiêm chủng, Thực phẩm đủ tại nhà và Thầy-thuốc đến tận gia. Đây đều là những quy định đơn giản và dễ hiểu, song cần thực hiện nghiêm túc để đảm bảo hiệu quả chung.
Ngày 2-9, Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc Covid-19
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 2-9, Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc Covid-19. Như vậy cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4) đến nay, Hà Nội ghi nhận 3.366 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.553 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.813 ca.
Ưu tiên đặc biệt vận chuyển oxy y tế cho điều trị Covid-19
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đảm bảo các điều kiện vận chuyển, cung ứng trang thiết bị y tế và oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân.
Ảnh minh họa: Suckhoedoisong.vn
Việc cung ứng đầy đủ, kịp thời oxy y tế có vai trò quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp giảm nhẹ tình trạng bệnh và hạn chế tử vong của người bệnh.
Nhiều địa phương đã thực hiện các quy định linh hoạt, phù hợp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn thường xuyên nhận được phản ánh về việc các xe vận chuyển trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế không được lưu thông để kịp thời cung ứng cho các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Vì vậy Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND quan tâm, chỉ đạo khẩn trương có giải pháp, cơ chế ưu tiên đặc biệt đối với tài xế, nhân viên đi cùng đã đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch được vận chuyển, cung ứng, lắp đặt trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn hoặc tới các địa bàn đang có dịch bệnh. Cụ thể là vận chuyển 24/24h, được phép ra/vào và đi qua các cung đường cấm của các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các khu vực đang có dịch bùng phát… Đồng thời, khẩn trương điều chỉnh thời hạn yêu cầu kết quả đối với Giấy xét nghiệm SARS-CoV2 cho lái xe, nhân viên tham gia vận chuyển, lắp đặt... trang thiết bị y tế và oxy y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này nhằm tránh các quy định chồng chéo, gây chậm trễ, đứt gãy nguồn cung ứng vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Tin cùng mục Chuyện 24h
Tin mới nhất