Gia đình Thứ 3, 07/09/2021 21:14:48 PM Theo Ngôi sao
HÀ NỘI - Hai anh em Duy Anh - Gia Huy cùng học online mà không có thiết bị nên phải đi mượn điện thoại hàng xóm nhưng lúc mượn được lúc không.
Năm nay, cặp anh em Trần Duy Anh (lớp 5), Trần Gia Huy (lớp 3) đang học tại trường tiểu học Lương Yên, Hà Nội tiếp tục phải học online khi thành phố ghi nhận số ca mắc vượt 3.500 ca trong đợt 4 (từ 29/4 tới nay). Nhưng nhà hai em không có smartphone, không máy tính, phương tiện liên lạc duy nhất trong nhà là một chiếc điện thoại cục gạch mờ phím, chỉ nghe gọi của người nuôi hai em - cụ ngoại Phan Thị Nệt (82 tuổi).
Nói về việc học của hai chắt, cụ Nệt cho biết năm ngoái hai cậu bé được nhà trường, cô giáo chủ nhiệm hỗ trợ cho mượn thiết bị suốt năm, còn có thể sang mượn thiết bị nhà cậu để học nhờ ở Thanh Nhàn. Hai bé còn xem các chương trình học trực tuyến trên TV ở nhà thuê. Nhưng năm nay khó khăn hơn khi các em không thể sang nhà cậu học nhờ do các lệnh giãn cách xã hội.
Vì thế, khi mùa tựu trường bắt đầu, mỗi ngày có tiết, cả hai cậu bé đều phải chạy đi mượn điện thoại của người hàng xóm gần đó - tức ông trẻ của hai nhóc để học nhưng không phải lúc nào cũng mượn được vì ông trẻ còn phải ra ngoài làm việc. Giờ học của hai em cũng trùng nhau nên cần có hai thiết bị riêng biệt.
"Nhìn các cháu thiếu thốn thiết bị học tập, tôi cũng khó nghĩ, không biết việc học của các cháu phải làm thế nào hay là sau này phải thất học", cụ Nệt buồn lòng nói.
Biết hoàn cảnh của hai em, trường tiểu học Lương Yên đã nhanh chóng liên hệ phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng để được cấp và trao cho các em 2 iPad để học online ngay trong chiều 6/9, cho các em được sử dụng tới khi học sinh được đến trường trở lại. Điều này cũng phù hợp chủ trương của địa phương, yêu cầu của Thủ tướng tới Bộ Giáo dục về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến.
Có được giải pháp tạm thời cho việc học nhưng cặp anh em đang đối mặt với khó khăn khác là đói ăn. Trước đây, lúc hai em lần lượt được một tuổi, bố mẹ đều bỏ rơi, gửi cho cụ Nết nuôi và bố mẹ không đoái hoài trong nhiều năm liền, không chu cấp tiền bạc. Vì thế, cụ Nết phải dùng những đồng lương hưu ít ỏi dưỡng già để chăm chắt, tiền học phải vay mượn chỗ này chỗ kia và trông cậy thêm con gái tên Vân (tức bà trẻ của Duy Anh - Gia Huy, 49 tuổi) tiếp tế, mua tặng thức ăn cho 3 người. Nhưng bối cảnh dịch nặng nề từ tháng 6 năm nay khiến bà trẻ thất nghiệp, không còn tiền để mua tặng đồ ăn cho ba cụ chắt.
"Con gái tôi thất nghiệp, không có tiền, dừng hỗ trợ từ tháng 6, cũng không sang được nhà tôi vì lệnh giãn cách. Từ lúc đó, cả ba cụ chắt chỉ trông chờ vào 2,2 triệu đồng lương hưu hàng tháng của tôi mà tiền nhà, tiền điện, nước đã gần 3 triệu đồng. Tôi cũng không có khoản tiết kiệm hay thu nhập nào khác vì già như này ai mướn, ai cho làm thêm, chỉ quanh quẩn ở nhà, khó khăn như này cũng không ai cho vay. Nên tôi chỉ biết tằn tiện, cho chắt ăn rau cháo qua ngày để chúng có sức sống. Nhà còn đang nợ tiền tháng 8 vừa rồi mà chưa trả được, tháng sau cũng chưa biết thế nào. Còn việc học sau này của cháu tôi cũng chưa biết tính toán ra sao, thôi thì tôi cho các cháu học được đến đâu hay đến đó", cụ Nệt chia sẻ.
Dù vừa được khu phố hỗ trợ 10 kg gạo, sắp tới vẫn sẽ là những ngày "chạy ăn từng bữa" của ba cụ chắt vì không biết trông cậy vào đâu.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất