Khám phá Thứ 2, 01/02/2021 23:09:14 PM Theo Vnexpress
HÀ NỘI - Chùa Vạn Niên, xưa có tên là Vạn Tuế, được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới thời Lý.
Chùa Vạn Niên không lớn, nhưng nằm ở gần hồ Tây nên cảnh quan thoáng đãng, không khí trong lành. Trên nóc chùa hiện có 3 chữ triện đắp nổi "Vạn - Niên - Tự", với ý nghĩa mong muốn ngôi chùa trường tồn mãi cùng thời gian.
Ngày nay, chùa thuộc thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ, trên đường Lạc Long Quân. Đây là nơi nhiều du khách tìm đến cầu an vào mùng 1 và ngày rằm âm lịch
Điện Tam bảo chùa Vạn Niên. Ảnh: Ngân Dương
Chùa thờ Phật và thờ Mẫu, gồm 5 gian, 3 gian bảo điện. Qua hơn 1.000 năm, ngôi chùa đã được được trùng tu và tôn tạo nhiều lần. Các kiến trúc tam quan, tiền đường, nhà Tổ, nhà khách, lầu Quan Âm... dùng vật liệu truyền thống là gỗ. Các mảng hoa văn truyền thống trên cột, kèo... được chạm trổ tỉ mỉ, sử dụng đề tài trang trí quen thuộc của người Việt như Tứ Linh và Tứ Quý.
Bên trong chùa còn lưu giữ 46 pho tượng tròn, gồm có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, tượng Tổ. Một số pho tượng có niên đại ra đời từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17, 18) và một số có niên đại từ thời Nguyễn.
Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được đặt trong Viên Minh Bảo Điện. Tượng có chiều cao 1,3 m, nặng 600 kg, được tạc bằng khối ngọc quý tự nhiên từ Myanmar. Ảnh: Ngân Dương
Ngoài giá trị về kiến trúc Phật Giáo, chùa còn lưu giữ các bộ sưu tập có giá trị văn hóa, lịch sử như đạo sắc phong thần thời Lê và Tây Sơn, chuông đồng có từ thời Nguyễn... Quả chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung" được đúc dưới thời Vua Gia Long (1802 - 1820) có bài ký miêu tả chùa Vạn Niên là một danh lam cổ tự bề thế ở phía Tây kinh thành Thăng Long.
Chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.
Tượng Phật Tổ trong sân chùa. Ảnh: Ngân Dương
Chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ trên cổng chùa. Ảnh: Ngân Dương
Một số bức tượng bên trong chùa. Ảnh: Ngân Dương
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất