Con lo âu buồn chán, chữa cách nào?

Gia đình Thứ 3, 24/09/2019 11:10:32 AM Theo phunuonline

Nếu để trẻ “rối loạn” tới mức phải đưa đến những trung tâm tư vấn tâm lý thì thật là điều đáng tiếc. Tốt nhất cha mẹ nên là người đầu tiên làm công việc này.

Trẻ em thi thoảng lại rơi vào trạng thái lo âu, buồn chán, đó là chuyện thường ngày, nhưng nếu tình trạng ấy kéo dài thì trẻ dễ mắc các bệnh về tâm lý.

Khi đó, cha mẹ lại cần đưa trẻ đến những chuyên gia tâm lý. Họ sẽ tạo tương tác để khai thác nhận thức, thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của trẻ, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp trẻ cân bằng trạng thái và hòa nhập cuộc sống.

Nhưng nếu để trẻ “rối loạn” tới mức phải đưa đến những trung tâm tư vấn tâm lý thì thật là điều đáng tiếc. Tốt nhất cha mẹ nên là người đầu tiên làm công việc này. Bởi trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng dễ dàng tiếp cận những dịch vụ tham vấn.

Con lo au buon chan, chua cach nao?
Ảnh minh hoạ


Chú N. gần nhà tôi có cậu con trai tuổi dậy thì. Mười lăm tuổi, nhưng chiều cao của T.N. (con trai chú) khá khiêm tốn. T.N. gần như lùn nhất lớp nên thường bị bạn bè trêu chọc, lại thêm mặt trổ đầy mụn nên cậu càng tự ti hơn.

Đã buồn bực, thiếu tự tin, nhưng đem chuyện này kể với bố thì T.N. chỉ nhận được những câu ậm ừ: “Từ từ rồi hết, con trai quan trọng gì đẹp xấu”. Còn mẹ cậu thì không ủng hộ chuyện con xin tiền mua kem trị mụn, mua sữa rửa mặt cho nam giới với lý do: “Con làm vậy khác nào bọn con gái”.

Thay vì chọn cách giải thích thật tâm lý, chú thím N. lại tạo thêm sự hoang mang cho con. Áp lực tâm lý không được giải tỏa, lại còn bị đè nặng hơn, khiến T.N. sinh ra quạu quọ, hỗn hào.

Cô H., vừa là cô giáo cũ, vừa là đồng nghiệp của tôi kể lại, hồi bé P. con cô còn là học sinh THCS (bây giờ bé đã tốt nghiệp đại học và đi làm), một lần bị điểm kém trở về nhà với gương mặt buồn bã và đôi mắt đỏ hoe.

Cả nhà đang ăn cơm nhưng bé bảo không muốn ăn. Nghe giọng nói và nhìn vẻ mặt con gái, cô biết ngay có “chuyện không ổn”. Cô bảo: “Nếu mệt thì con cứ nghỉ ngơi, lát ăn sau cũng được, khi nào cần cứ gọi mẹ”. 

Đây chỉ là một vấn đề rất nhỏ trong muôn chuyện “buồn bã” của trẻ. Câu nói cảm thông nhẹ nhàng của cha mẹ tưởng không có gì, nhưng lại tạo hiệu ứng tích cực không ngờ. Nhiều lần như vậy sẽ tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái, tin tưởng cho trẻ.

Khi cha mẹ luôn ở bên cạnh và tỏ ra thấu hiểu con, thì chúng sẽ coi cha mẹ là chỗ dựa tin cậy nhất. Nếu trẻ biết cha mẹ lắng nghe mình mà không bao giờ chụp mũ, thì sẽ dễ dàng mở lòng hơn. Khi đó, cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí trẻ, để phân tích và đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Cô H. nói: “Nếu tình huống có nhiều lựa chọn, mình nên để trẻ được quyền lựa chọn một đáp án. Hãy đặt vào trẻ ý nghĩ: con phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Phải khách quan tuyệt đối, nhưng cũng đừng vội bỏ quên nguyên tắc gây niềm tin với “thân chủ”.

Nên tạo cho trẻ cảm giác cha mẹ chính là những “chuyên gia tâm lý” đáng tin cậy nhất để chia sẻ, giãi bày. Để trở thành “nhà tư vấn cho con”, đòi hỏi rất nhiều ở cha mẹ những kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, động viên. Khi được cha mẹ giải tỏa những ấm ức, hụt hẫng, trẻ sẽ thấy nhẹ nhõm, dễ chịu và sẽ có những tư duy tích cực hơn trong cuộc sống. 

Ý kiến bạn đọc