Gia đình Thứ 5, 04/10/2018 06:47:54 AM Theo Vnexpress
Cậu bé Singapore cả năm đầu đời quấy trên tay mẹ, rất ít ngủ, nhưng 10 tháng tuổi đã biết mặt chữ cái.
Mẹ bé Ashton, chị Chaven Alex, cho biết, con sinh non ở tuần 33 và nặng 2,9 kg. Bé hay quấy khóc từ lúc một tháng tuổi và tình trạng kéo dài suốt năm đầu.
"Con ngủ rất ít khiến tôi vô cùng lo lắng và đã nhiều lần đưa con đi khám nhưng bác sĩ nói không có vấn đề gì. Bé mau lớn và khá mập mạp nhưng tôi thì sụt 25 kg sau 6 tháng vì ngày nào cũng phải bế ru dỗ con", chị Chaven kể. Nhưng một ngày, mọi thứ thay đổi.
"Lúc 8 tháng tuổi, chúng tôi được bạn tặng một cuốn sách. Tôi để sang một góc vì nghĩ Ashton còn quá nhỏ. Khi con 10 tháng, một lần con giẫy giụa gào khóc rồi đá rơi cuốn sách. Nhưng ngay lúc ấy, nhìn theo cuốn sách rơi, con im bặt. Tôi mở sách cho con xem và bắt đầu đọc. Ashton nhìn rất say sưa. Lúc tôi kể lại chuyện này, bố bé còn không tin", chị Chaven cho biết.
Vợ chồng chị Chaven Alex và con trai Ashton. Ảnh: Sg.theasianparent. |
Theo Sg.theasianparent, sau sự việc này, chị Chaven đã mua cuốn sách bảng chữ cái đầu tiên cho con. 3 ngày sau, chị phát hiện bé có thể nhớ được các chữ cái. Khi chị hỏi con "đâu là chữ Z" bé sẽ lật ngay tới trang đó.
Dù vậy, chị không hề biết con phát triển vượt trội cho tới khi nhận được những bình luận sau lần đăng video chia sẻ hình ảnh này trong một nhóm các bà mẹ trên mạng.
"Nhiều người nói trẻ ở tuổi đó không thể nhớ bảng chữ cái nhưng tôi cũng không để tâm lắm vì nghĩ 'mỗi đứa trẻ một khác' và con tôi đơn giản là thích chữ. Lớn thêm chút nữa, cháu lại thể hiện sự hứng thú với các con số và có thể đếm ngược từ 10 tới một khi chưa đầy 2 tuổi", người mẹ nhớ lại.
Con biết phân biệt các màu sắc lúc 2 tuổi và nói những từ đơn giản bằng tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nhật ở thời điểm ấy. Bé có thể cộng, trừ, nhận diện các hành tinh trước lúc lên 3 và đọc bất cứ cuốn sách nào được mẹ cho xem.
Vợ chồng chị Chaven đã cho con đi học mầm non trong 2 tháng lúc bé 2 tuổi nhưng con không thể ngồi im khi giáo viên vào lớp. "Tôi rất lo khi con quá ham học và cuối cùng phải đưa con tới gặp 2 nhà tâm lý để kiểm tra IQ cho bé. Con được chứng minh là thiên tài với chỉ số IQ 160 (chỉ số IQ từ 145 trở đi được coi là thiên tài với tỷ lệ chỉ 0,1% dân số).
Niềm ngạc nhiên mỗi ngày với người mẹ
Chị Cheven kể, sau khi có em bé thứ 2, chị hầu như không còn nhiều thời gian cho Ashton nên bé khá buồn chán. Vì thế, chị cố nghĩ ra nhiều hoạt động hằng ngày để làm con bận rộn hơn.
Một tối, chị nghĩ, con yêu các con số như vậy, sao không thử cho bé xem bảng tuần hoàn. Và chỉ mất đúng một tuần, Ashton đã thuộc đầy đủ 118 nguyên tố.
Bé Ashton và em gái một tuổi. Ảnh: Sg.theasianparent. |
"Con có trí nhớ tuyệt vời và khả năng thấu hiểu - đó là điều tôi vui nhất. Tôi muốn con từ nhỏ phải hiểu được phép cư xử, biết tôn trọng và yêu thương và con đã làm được điều đó", chị kể. Ashton không gặp khó khăn gì về các kỹ năng xã hội. Bé giao tiếp tốt với mọi người ở các lứa tuổi khác nhau.
Dù vậy, chị cho biết, nuôi dưỡng Ashton chưa bao giờ dễ dàng. "Mỗi lần nhìn lại, bao cảm xúc vẫn trào dâng trong tôi. Con rất ham học hỏi và cần được kích thích mỗi giây. Chúng tôi nói chuyện với con mọi nơi, mọi lúc. Con học ở bất cứ chỗ nào", chị kể.
Chị cho biết, Ashton ăn uống rất đơn giản, chủ yếu là rau hữu cơ, canh, cháo hằng ngày và không đụng tới đồ ngọt, hay bất cứ loại đồ ăn vặt nào từ lúc còn nhỏ. Mọi người không tin điều này cho tới khi họ mời hay dụ bé ăn các đồ ngon và bị từ chối.
Thách thức nuôi một thiên tài ở Singapore
"Ashton không đi học. Rất khó để tìm trường hay giáo viên phù hợp cho con", chị Chaven tiết lộ.
Chị nói mình nhận ra rằng trường tốt nhất không hẳn là sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất cho một đứa trẻ. "Cần giáo viên thật kiên nhẫn để có thể chế ngự một em bé thiên tài vì chúng dễ nổi cơn tam bành và dễ buồn chán nếu bị ép phải theo lịch thông thường như trẻ khác", chị nói.
Các chuyên gia khuyên gia đình chị nên đưa con tới một trường Montessori thực sự, nơi học sinh trong lớp thuộc các độ tuổi khác nhau và được chia nhóm theo khả năng và tốc độ học tập. "Tôi đã cố hết sức rồi nhưng chẳng thể tìm được trường như thế ở Singapore", người mẹ bày tỏ.
Chị đã gửi thư cho Bộ giáo dục nhưng có vẻ cũng vô vọng trong việc tìm được trường phù hợp với con. Trước tình thế này, chị đã nghĩ tới việc ra nước ngoài sống. "Tôi thực sự vẫn mong chờ được hỗ trợ và hy vọng Ashton có thể ở lại và học tập tại Singapore", chị nói.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất