Đám cưới diễn ra một ngày sau lễ tang bố chồng của cô gái Việt tại Italy

Gia đình Thứ 2, 28/05/2018 22:00:20 PM Theo Ngôi sao

Chị Phương Hảo quyết định không hoãn hôn lễ bởi tin rằng người bố chồng quá cố rất mong chờ chứng kiến sự kiện này.

Tháng 5 là thời điểm đánh dấu nhiều sự kiện khó quên trong cuộc đời chị Phương Hảo, 39 tuổi: một là lễ cưới, hai là ngày chị vĩnh viễn mất đi người bố chồng đáng kính. Hơn 10 năm về làm dâu xứ người, chị Hảo không quên khoảnh khắc bước vào lễ đường cùng người chồng Italy chỉ một ngày sau khi anh trải qua mất mát. Khách mời có mặt trong hôn lễ của chị Hảo cũng là người vừa mới xuất hiện tại đám tang bố chồng chị; hôm trước họ chia buồn bằng những giọt nước mắt, hôm nay chúc phúc bằng nụ cười và những cái ôm.

Chị Hảo quen ông xã người Italy, anh Andrea, hơn chị 6 tuổi, vào năm 2002 tại lớp học tiếng Ý ở Hà Nội. Khi sang đất nước hình chiếc ủng du học, chị tình cờ gặp lại anh và cả hai yêu nhau gần 5 năm trước khi tiến đến đám cưới. Bố chồng chị Hảo mắc chứng suy giảm trí nhớ, mất dần khả năng vận động, giai đoạn cuối rất đau đớn và mệt mỏi. Ông qua đời ba ngày trước đám cưới con trai, khi mọi thủ tục của hôn lễ đã sẵn sàng. Chị Phương Hảo cùng chồng đến nhà xác để anh được ngắm và nói chuyện với bố lần cuối. Người đàn ông Italy có vóc dáng cao lớn, từng lái xe cứu thương trong chương trình tình nguyện trở nên thật yếu đuối lúc này. Anh đau đớn gào khóc, sau đó gạt nước mắt lo tang lễ cho bố. 

Nàng dâu Việt tin rằng bố chồng đã chờ đợi rất lâu để chứng kiến khoảnh khắc con trai kết hôn nên thay vì trì hoãn, chị và Andrea quyết định để nó diễn ra với quy mô nhỏ hơn nhưng ấm cúng và đáng nhớ.

Chị Phương Hảo hiện có cuộc sống hạnh phúc bên ông xã người Italy và ba đứa con.
Chị Phương Hảo hiện có cuộc sống hạnh phúc bên ông xã người Italy và ba đứa con.

Đêm trước ngày diễn ra lễ cưới, chị Phương Hảo được chồng đưa tới nhà thờ ngủ cùng 4 người bạn thân trong căn phòng đơn giản dành cho những người tới đây để học đạo. Chị gần như không chợp mắt, cảm giác trống rỗng, bồng bềnh chiếm trọn tâm trí vì chưa thể tin những điều đang diễn ra. Sáng hôm sau, khi người bạn bước vào giúp trang điểm, chị Hảo mới biết mình sắp thành cô dâu. 

Khi một người bạn cố gắng tô vẽ để che đi nét bơ phờ trên gương mặt chị Hảo, những người khác chia nhau trang trí nhà thờ. Đúng 10h, Andrea xuất hiện trước cửa phòng để đón chị tới lễ đường. Nàng dâu Việt cầm trên tay bó hoa phong lan cuốn lá sen - món quà được hai người bạn thân đặt từ Hà Lan - để tạo chút phong cách Châu Á cho chị.

Khi vị linh mục chúc phúc và hai người nói lời thề nguyện, Andrea bật khóc. Anh nói rằng ngoài trời đã nắng, nghĩa là bão tố qua rồi và giờ đây họ có thể bình tâm bước vào cuộc hôn nhân. Chị Phương Hảo ôm lấy chồng, để anh gục khóc trên vai sau đó cả hai hít một hơi thật sâu, bước ra khỏi thánh đường nơi có mọi người chờ sẵn với "cơn mưa hạt gạo" (một truyền thống của người Italy, khi cặp vợ chồng mới cưới bước ra ngoài sẽ được tung lên người những hạt gạo với ý niệm chúc họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc).

Dòng tự sự chị Phương Hảo chia sẻ trên trang cá nhân để hồi tưởng về những sự kiện quan trọng của mình:

"10 năm tình không cũ

Sáng ra, đang tất tả chuẩn bị đưa BaBu đi học thì nhận được điện thoại của "địch":

("địch" là tên thân mật chị Phương Hảo đặt cho chồng; BaBu là tên con gái chị).

- Alo, chúc mừng em!

- Hả? Sao lại chúc mừng em?

Advertisement

- Thì ngày này năm xưa em đã cưới được anh!

Hôm nay tròn 10 năm tôi về làm dâu của xứ "địch", làm vợ "địch" và làm mẹ của các con "địch". Cảm giác khó tả quá, thứ nhất là vì đúng ngày trọng đại mà "địch" lại đi công tác để vợ đầu bù tóc rối với ba tiểu quỷ; thứ hai là vì cách đây đúng ba ngày cũng là tròn 10 năm bố chồng qua đời. Ngay hôm trước lễ cưới, tôi cùng gia đình chồng làm lễ tang tiễn ông về nơi an nghỉ. Nhà chồng vỏn vẹn có mẹ chồng, bạn trai (người mà hôm sau sẽ thành chồng tôi), em trai của mẹ, em trai bố và cô con gái.

Vốn là người Việt Nam nên đến lúc đấy tôi mới hiểu "gia đình neo đơn" là thế nào. Bù lại bạn bè, thân hữu đến rất đông. Sau này khi có thời gian nghĩ lại, tôi cho rằng số phận đã lựa chọn thời điểm để bố chồng ra đi thích hợp, đủ để ông khỏi bị giày vò bởi tâm lý bệnh tật và phụ thuộc; đủ để hai đứa vẫn "xoay sở" kịp mà cưới nhau thay vì hủy đám cưới.

Dẫu thế, tôi và chồng vẫn quyết định hủy tiệc cưới hoành tráng dự kiến tổ chức tại một nông trại cho khoảng 120 người và thay vào đó là lễ thành hôn khiêm tốn ở nhà thờ cùng bữa tiệc nhỏ với khoảng 30 khách mời thân thiết. Thế mà bạn bè vẫn kéo nhau đến dự hẳn 65 người. Có lẽ họ muốn ở bên để chia sẻ khoảnh khắc khó khăn cũng như hạnh phúc của chúng tôi. Vài đứa bạn thân người Việt từ Pháp và Đức cũng lặn lội sang theo kế hoạch và nhờ vậy nên tôi mới có "nhà gái". Cảm ơn những người bạn tốt!

Vị linh mục điều hành lễ cưới cũng chính là người đã làm lễ tang cho bố chồng tôi hôm trước; chỉ khác ở chỗ thánh đường của hai nhà thờ khác nhau, nằm cách xa vài quả đồi. Thật khó diễn tả cảm giác của tôi và những người có mặt trong thánh đường ngày hôm ấy, khi cũng chính họ đã đến dự đám tang tiễn bố chồng tôi cách đó chỉ một đêm. Sáng hôm trước tôi mặc áo tang, sáng hôm sau lại khoác lên người chiếc áo cưới – cái áo dài trắng với mũ mấn đính hạt óng ánh mà người bạn thân thiết may giùm trong chuyến du lịch Việt Nam cách đó ít lâu.

Chị Hảo và chồng nắm tay nhau nghe lời chúc phúc từ linh mục.
Chị Hảo và chồng nắm tay nhau nghe lời chúc phúc từ linh mục.

Một cuộc đời vừa kết thúc, một cuộc hôn nhân sắp bắt đầu. Bữa tiệc cưới cuối cùng lại thành công ngoài mong đợi, lê thê từ 13h tới tận 20h, cho đến khi chú rể lái xe chở cô dâu đến nông trại cách đó hơn một tiếng chạy xe để hưởng đêm tân hôn. Có lẽ bố đã phù hộ hai đứa khi không để cảnh sát tóm anh chồng mới cưới vì uống nhiều rượu trước khi lái xe. Còn riêng chuyện đêm tân hôn thì chỉ hai đứa tôi biết thôi nhé!

Sau đêm tân hôn, khi trở về căn hộ nhỏ xíu mà hai đứa đang thuê, tôi thấy trên cửa đặt mảnh giấy ghi: "Có thứ gì đó trong hộp thư của bạn". Đó là một chiếc phong bì bên trong chứa tấm thiệp kèm 50 Euro (khoảng 1,3 triệu đồng). Hàng chữ ghi trên thiệp được viết nắn nót và ngay ngắn cho thấy người con gái trẻ tuổi đã tỉ mẩn chăm sóc món quà như thế nào: "Với số tiền ít ỏi này, các bạn có thể mua hai chiếc vé hạng hai đến Florence và dùng một bữa sáng vừa phải. Nhưng chúng tôi tin rằng đó sẽ là một chuyến đi thú vị bởi thật tuyệt vời khi thấy hai bạn ở bên nhau. Chúc hành trình hạnh phúc. Gia đình Rossetti". Còn nhà hàng xóm Giorgio và Lilia thì đặt một chậu hoa đỗ quyên rực rỡ trước bậu cửa. Nói gì nhỉ, về những điều đã diễn ra trong 10 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, hẳn là giống như mọi cặp vợ chồng khác: cuồng nhiệt, sâu lắng, lên - xuống, giận hờn - ghen tuông…

Tôi tự hào vì vị gì hai đứa cũng đều đã nếm đủ rồi, vị ngon có và cả không ngon cũng có, nhưng chúng tôi luôn tâm niệm gia đình là linh thiêng. Hôn nhân là sự gắn kết và cuộc hôn nhân nào cũng có thử thách, song nếu cả hai cùng tin tưởng vào sự gắn kết ấy thì không "thế lực thù địch" nào phá vỡ được "bức tường thành tình yêu" mà cả hai chung tay xây dựng. Sau 15 năm bên nhau và 10 năm hôn nhân, hai khuôn mặt đã (hơi) cũ và hai cái lưng đã (hơi) gù, tình yêu vẫn đó và lại được bồi thêm cả nghĩa.

Cặp vợ chồng trẻ đắm mình trong cơn mưa hạt gạo.
Cặp vợ chồng trẻ đắm mình trong 'cơn mưa hạt gạo'.

"Bức tường thành" càng nặng hơn vì "bị" những ba đứa trẻ vừa khỏe mạnh, vừa nghịch ngợm nhưng thông minh đè lên. Té ra trứng của Âu Cơ vẫn kết hợp được với nòng nọc của David đấy! Thật tuyệt vời khi ngắm những đứa con mà lúc bên mẹ thì chúng giống hệt mẹ, khi gần bố lại chẳng khác nào bản sao của bố. Tạo hóa màu nhiệm thật đó!".

Ý kiến bạn đọc