Khám phá Chủ nhật, 28/02/2021 23:51:09 PM Theo Ngôi sao
Chứng kiến người đầu bếp trình diễn màn quậy chả cá chả tôm điêu luyện, thực khách mới hiểu rõ nguồn gốc của tên gọi bún quậy ở Phú Quốc.
Phú Quốc đang vào mùa cao điểm du lịch trong năm. Đây là thời điểm mưa thuận gió hòa, thích hợp để nghỉ dưỡng giữa nắng vàng, biển xanh, cát trắng. Du lịch hòn đảo ngọc không chỉ hấp dẫn bởi những danh thắng lãng mạn, nguyên sơ mà còn bởi những món ăn mang đậm dấu ấn riêng. Nhắc tới ẩm thực Phú Quốc, bún quậy chắc chắn là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Không ai biết chính xác nguồn gốc của món ăn này nhưng nhiều ý kiến cho rằng, bún quậy có xuất xứ từ các tỉnh Nam Trung bộ. Khi được mang tới Phú Quốc, món ăn được biến đổi cả về nguyên liệu và cách ăn, tạo thành món ăn vừa lạ vừa quen suốt hơn 20 năm qua.
Bún quậy Phú Quốc có 2 tên tuổi nổi tiếng nhất là Kiến Xây và Thanh Hùng, trong đó, thu hút du khách nhiều hơn là các chi nhánh của bún quậy Kiến Xây. Hiện, chuỗi cửa hàng này có 3 chi nhánh, ở đường Bạch Đằng, đường 30/4 và trong hẻm nhỏ trên đường Trần Phú. So với hai cửa hàng kia, quán nhỏ ở Trần Phú đơn sơ, giản dị hơn nhưng lại là địa chỉ ăn uống quen thuộc của người dân địa phương. Đây cũng là tiệm bún quậy đầu tiên của chuỗi Kiến Xây nói riêng và của đảo ngọc nói chung.
Quán không có địa chỉ cụ thể mà chỉ áng chừng: đối diện hẻm 222 Trần Phú. Ngay từ đầu hẻm đã có biển chỉ dẫn đi vào trong 100m. Con hẻm nằm sâu trong khu dân cư nhưng rất thoáng mát, rộng rãi, đường đi hơi tối một chút nhưng từ xa đã có thể nhìn thấy ánh đèn từ biển hiệu bún quậy Kiến Xây sáng trưng. Quán theo phong cách dân dã, lợp mái tôn, bàn ghế gỗ. Xung quanh là các quán hàng ăn vặt, ăn nhậu bình dân.
Khách đến mua sẽ tiến thẳng đến bàn chế biến của chủ quán và order đồ. Chứng kiến người đầu bếp "trình diễn" những màn quậy chả cá chả tôm điêu luyện, tay nhanh thoăn thoắt, thực khách mới hiểu rõ nguồn gốc của tên gọi món ăn độc đáo này. Miếng chả tôm, chả cá sẽ được đánh nhuyễn, quết một lớp mỏng dưới đáy bát, sau đó, người chủ quán sẽ đổ nước dùng vào và đậy một chiếc đĩa nhựa lên trên để tránh tản nhiệt giúp chả nhanh chín hơn.
Trong thời gian này, cô chủ quán sẽ tiếp tục múc một gáo nước sôi để chần bún, mực và hành. Được vài phút, cô sẽ nhanh tay mở đĩa để lật ngược miếng chả bên trong cho chín đều. Cuối cùng là đổ bún vừa chần lên trên. Món bún quậy có ngon hay không còn nằm ở chén nước chấm tự pha. Hầu hết các quán bún quậy ở Phú Quốc đều để cho khách tự gia giảm theo khẩu vị của mình ở quầy riêng. Thông thường, thành phần gồm muối, tiêu, đường, quất và ớt. Hương vị hài hòa, đậm đà.
Nước dùng thanh thanh nhạt nhạt nên gia vị đóng vai trò quan trọng. Miếng chả cá to bằng bàn tay dai dai, miếng chả tôm đậm đà, chấm vào bát muối ớt chanh hấp dẫn. Hai con mực nhỏ nhưng tươi ngon, cắn đã miệng. Sợi bún mảnh, mềm, dễ ăn, nước dùng nóng sốt. So với các cửa hàng bún quậy khác, quán nhỏ trong hẻm Trần Phú ít khách du lịch hơn mà chủ yếu là người dân trong vùng. Không gian đơn sơ, giản dị nhưng khá thoáng mát.
Thực khách tới đây thường gọi thêm ly nước mía đá để uống kèm giải khát. Mỗi tô có giá khoảng 30.000 đồng đến 50.000 đồng, tùy vào nguyên liệu gọi thêm.
Tin cùng mục Khám phá
Tin mới nhất