Em bé chào đời khi mẹ đã hôn mê

Gia đình Chủ nhật, 20/06/2021 21:04:39 PM Theo Ngôi sao

HÒA BÌNH - Người mẹ bị chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ gây chèn ép não cấp tính, rơi vào trạng thái hôn mê sau vụ tai nạn giao thông, em bé được sinh ra như một điều 'thần kỳ'.

Sản phụ mang thai 37 tuần bị đa chấn thương do tai nạn giao thông. Chấn thương sọ não, tụ máu nội sọ (tụ máu dưới màng cứng) gây chèn ép não cấp tính khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê, mạng sống chỉ còn tính bằng phút. Tim thai đã có dấu hiệu suy và sự sống của thai nhi cũng nguy kịch.

Ngày 4/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ về ca nguy kịch trên. Các bác sĩ chuyên ngành Cấp cứu, Hồi sức tích cực ngoại, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật thần kinh, Sản khoa, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học... đã cùng hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện hai ca phẫu thuật cùng lúc cho sản phụ hôn mê sau tai nạn giao thông.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện hai ca phẫu thuật cùng lúc cho sản phụ hôn mê sau tai nạn giao thông.

Việc lựa chọn phẫu thuật lấy khối máu tụ nội sọ để cứu người mẹ hay ưu tiên phẫu thuật để cứu con, đều là những quyết định vô cùng khó khăn. Cuối cùng, phương án được đưa ra là cả 2 kíp cùng lúc phẫu thuật lấy khối máu tụ nội sọ giải phóng chèn ép não để cứu người mẹ, đồng thời mở tử cung để cứu cháu bé.

Bệnh nhân được triển khai hỗ trợ thông khí nhân tạo, làm xét nghiệm cấp cứu. Kíp Ngoại thần kinh nhanh chóng mở sọ lấy máu tụ dưới màng cứng, giải áp não cứu mẹ. Kíp mổ sản lấy cháu bé và nhanh chóng chuyển Hồi sức sơ sinh.

Sau cuộc phẫu thuật, người mẹ tiếp tục rơi vào tình trạng hôn mê, rối loạn đông máu, nhanh chóng được chuyển về đơn vị Hồi sức tích ngoại khoa để điều trị và chăm sóc. Bé sơ sinh bị suy hô hấp, sau khi cấp cứu ban đầu tạm ổn định, nhanh chóng được chuyển đến khoa Nhi để thở máy, nằm lồng ấp và chăm sóc đặc biệt.

Sau 12 ngày, bé sơ sinh cai thở máy, được người thân đón về nhà chăm sóc. Người mẹ hồi phục cử động chân tay, bắt đầu có nhận thức với sự vật và hiện tượng xung quanh.

Sự chào đời của em bé được ví như một điều thần kỳ.

Sự chào đời của em bé được ví như một điều 'thần kỳ'.

Bác sĩ CKII. Tạ Huy Kiên, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm xử trí của bác sĩ, sự hỗ trợ của các trang thiết bị và hệ thống thông tin liên lạc cũng rất quan trọng trong ứng cứu bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch. Báo động đỏ là một sự hỗ trợ tối ưu đó.

Bác sĩ Kiên cho hay: "Đây là mức độ báo động cao nhất trong quy trình cấp cứu bệnh nhân. Khi kích hoạt hệ thống, một số quy trình thông thường sẽ được bỏ qua với mục đích ưu tiên tối đa cứu sống người bệnh nhân trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc".

Ý kiến bạn đọc